Kinh tế

Gỡ khó cho du lịch đường thủy nội địa

14:21, 12/12/2023 (GMT+7)

Được dạo chơi trên sông Hàn, ngắm thành phố về đêm, thưởng lãm cầu Rồng phun lửa, phun nước vào những ngày cuối tuần từ trên sông... đây là sản phẩm du lịch thủy nội địa của Đà Nẵng đang tạo được sự độc đáo, ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế.

Các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu bổ sung các sản phẩm du lịch đường thủy nội địa để tạo sức hấp dẫn cho du khách khi đến Đà Nẵng. Trong ảnh: Du thuyền trên sông Hàn về đêm. Ảnh: THU HÀ
Các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu bổ sung các sản phẩm du lịch đường thủy nội địa để tạo sức hấp dẫn cho du khách khi đến Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du thuyền trên sông Hàn về đêm. Ảnh: THU HÀ

Một tour du lịch đường thủy nội địa khởi hành từ khu vực sông Hàn (trước khách sạn Novotel, đường Bạch Đằng) sau đó đi tham quan qua các cây cầu như: cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, vòng ngược lại cầu Rồng xem phun lửa, phun nước vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật sau đó trả khách về lại cảng Sông Hàn. Trong thời gian du ngoạn sông Hàn, khách cũng có thể thưởng thức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống có sẵn trên các tàu hoặc nghe các bài thuyết minh giới thiệu về thành phố.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 19 doanh nghiệp với tổng số 25 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động từ 16-250 chỗ ngồi (trong đó có 21 tàu hoạt động khu vực sông Hàn và 4 tàu hoạt động khu vực bán đảo Sơn Trà) với tổng sức chứa hơn 2.308 chỗ. Năm 2023, các doanh nghiệp đã khai trương và đưa vào hoạt động thêm 4 du thuyền cao cấp với 108 chỗ. Tổng số thuyền viên và nhân viên phục vụ đến nay là 219 người, toàn bộ đã tham gia tập huấn nghiệp vụ du lịch.

Trong năm 2023, các tàu du lịch đã phục vụ khoảng 897.000 lượt khách, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022 (370.713 lượt) và tăng gần 29,6% so với cùng kỳ năm 2019 (692.120 lượt). Để làm đa dạng và phong phú thêm các hoạt động du lịch đường thủy nội địa, năm 2023, thành phố đã khai trương hoạt động tuyến đường thủy nội địa CT15 - Hòn Sụp, Bãi Đa - Bãi Nam; tiếp tục khai thác hiệu quả tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý. Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố phối hợp với các ngành xây dựng Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa đến năm 2023, tầm nhìn 2045. UBND các quận, huyện chủ trì triển khai các Đề án hình thành sản phẩm du lịch trên địa bàn, qua đó, tạo đà để phát triển du lịch đường thủy nội địa thời gian đến.

Sở Du lịch cũng phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường củng cố các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn trên tàu, nâng cao chất lượng phục vụ; hoàn thiện cập nhật bài thuyết minh trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý với các ngôn ngữ Anh, Trung, Hàn, Việt để khách có thể hiểu hơn về các điểm đến hai bên bờ sông cũng như quảng bá thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại của du lịch đường thủy nội địa hiện nay là các điểm dừng chân phục vụ vẫn còn một số vướng mắc. Vì thế mới đây, UBND thành phố có Văn bản số 6552/UBND-KT gửi các đơn vị liên quan về xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động du lịch, trong đó có liên quan đến hoạt động du lịch đường thủy nội địa. Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện xử lý các khó khăn, vướng mắc do doanh nghiệp địa phương kiến nghị. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà soát và triển khai nạo vét luồng lạch, bảo đảm phương tiện du lịch đường thủy nội địa khai thác hiệu quả theo tuyến cảng Sông Hàn - Bến thủy nội địa K20 (X5), bến thủy nội địa - chùa Quán Thế Âm (X6) và ngược lại.

Sở rà soát, đề xuất, điều chỉnh các hạng mục hoạt động, dịch vụ các bến tàu du lịch bảo đảm hiệu quả, phù hợp tình hình khai thác thực tế; rà soát, chỉ dẫn phân luồng giao thông, phòng chống tai nạn, ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các khu, điểm du lịch. Đồng thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch trong vận chuyển khách du lịch bằng ô-tô, phương tiện thủy nội địa.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Việt An Group Nguyễn Thanh Tâm, để khai thác tối đa tiềm năng du lịch sông, biển gắn với cảnh quan thiên nhiên cũng như giá trị phát triển đô thị của Đà Nẵng, thu hút được sự quan tâm của du khách và kéo dài thời gian lưu trú thì chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm, nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư, phát triển song song giữa du lịch đường sông và du lịch đường biển.

Cụ thể, cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng phương tiện phục vụ khách du lịch trên tuyến du thuyền đêm sông Hàn; nên tăng thời gian hoạt động của các tuyến du lịch đêm lên đến 1 giờ sáng; các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ trên phương tiện nên có cơ chế mở để thu hút khách. Cùng với đó, thành phố cần có những quy định về việc nâng cao các tiêu chí về độ an toàn, mức độ xả thải, sản phẩm phục vụ trên các phương tiện. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng thêm các sản phẩm đường thủy ban ngày trên các tuyến xuất phát từ bến sông Hàn bằng cách đầu tư nhanh, đồng bộ cơ sở hạ tầng các bến thủy nội địa để kết nối với các điểm du lịch hiện có của thành phố.

Hiện nay, theo kế hoạch phát triển du lịch quý 4-2023 và năm 2024, ngành du lịch thành phố xúc tiến mở tuyến vận tải thủy Đà Nẵng - Cù Lao Chàm; phát triển các tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, sông Hàn - Hòn Chảo, vịnh Đà Nẵng; tuyến sông Hàn - Ngũ Hành Sơn; kết nối tuyến bến thủy nội địa CT15 đi Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa - biển Mỹ Khê hình thành tour ngắm biển đêm; thí điểm cho phép tàu du lịch cao cấp được biểu diễn nghệ thuật trên tàu trong lúc cao điểm...

THU HÀ

.