Kinh tế

Nhu cầu đi lại dịp Tết chưa có dấu hiệu tăng đột biến

16:31, 09/12/2023 (GMT+7)

Dịp cuối năm, nhu cầu đi lại bằng tàu, xe, máy bay của người dân thường tăng cao, tuy nhiên tới thời điểm này, qua khảo sát thực tế cho thấy nhu cầu mua vé, đặt vé chưa có dấu hiệu tăng đột biến.

Giá vé máy bay dịp Tết 2024 nằm ở mức khá cao. Trong ảnh: Hành khách tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Giá vé máy bay dịp Tết 2024 nằm ở mức khá cao. TRONG ẢNH: Hành khách tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Tại Bến xe Trung tâm thành phố, nhiều đầu xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại giữa Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết đang xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, song dự báo nhu cầu đi lại của hành khách dịp này không quá căng thẳng, tuy vậy đơn vị vẫn chuẩn bị thừa các đầu xe để dự phòng.

Đối với đường sắt, ông Đoàn Kim Tuấn, Đội trưởng Đội khách vận, Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng cho hay, mặc dù giá vé tàu chỉ tăng 1-4% tùy chặng và tùy loại tàu cho chiều cao điểm; riêng chiều thấp điểm thì giá vé tàu giảm từ 1-8% so với năm 2022, nhưng năm nay do Tết đến muộn nên nhu cầu đặt, mua vé tàu chưa nhiều. Chị Nguyễn Thị Thúy Dung (quê Ninh Bình, đang làm việc tại Đà Nẵng) chia sẻ, mọi năm việc đặt vé tàu Tết rất khó, có khi phải canh qua đêm để đặt, nay chỉ cần lên mạng internet mất vài phút là có vé về quê…

Ông Thái Văn Truyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn thông tin, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, ngành đường sắt đã tổ chức bán vé từ ngày 20-10, đến nay, tổng số vé đã bán trên 100.000 vé. Cụ thể, trước Tết số vé còn ở tất cả các tuyến, trong đó, từ ngày 2-2-2024 trở về trước và từ ngày 7-2 đến 9-2-2024 (nhằm ngày 23 tháng Chạp trở về trước và 28 đến 30 tháng Chạp) còn vé đi tất cả các ga. Các ngày từ 3-2 đến 6-2-2024 (nhằm ngày 24 đến 27 tháng Chạp) chủ yếu còn vé ghế mềm và ghế phụ.

Sau Tết còn nhiều vé đi tất cả các ngày. Ngành đường sắt đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ hành khách đi tàu như giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng, giảm 3% giá vé cho các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 8-2-2024 (tức ngày 29-12 Âm lịch) và đi từ 1.000km trở lên; giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi, đặc biệt sinh viên sẽ được giảm từ 10-20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.

Đối với phương tiện hàng không, nhu cầu vé Tết có vẻ sôi động hơn, song, với giá vé khá cao như hiện tại, nhiều khách hàng vẫn lưỡng lự cân nhắc lựa chọn đi máy bay hay đi tàu hỏa hoặc xe gường nằm. Trên các trang web bán vé trực tuyến, giá vé máy bay khứ hồi Tết Nguyên đán 2024 trên một số chặng bay được bán với mức 4,5-10 triệu đồng/vé tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí). Đơn cử, giá vé ngày Mồng 2 Tết (11-2-2024) chặng Đà Nẵng- Hà Nội của VietJet Air là 3.310.800 đồng; Vietravel Airlines 3.223.280 đồng; Bamboo Airways 5.102.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.975.000 đồng. Anh Thái Bá Huân (quê Hà Nội) cho rằng, với mức vé như vậy, trung bình gia đình anh 4 người từ Đà Nẵng về quê ăn Tết sẽ hết hơn 20 triệu đồng tiền vé máy bay.

Đây là một số tiền lớn trong một năm kinh tế khó khăn như năm nay nên anh sẽ phải tính toán lại phương tiện di chuyển. Được biết, bên cạnh việc đi lại bằng máy bay, tàu hỏa, xe khách thì người dân có xu hướng về quê bằng ô-tô cá nhân và hình thức xe ghép cũng đang được nhiều người lựa chọn. Vì tính tổng thể chi phí, về quê bằng xe cá nhân hay xe ghép cũng tương đồng với các loại hình khác.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 25-1 đến 24-2-2024, tức từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng Âm lịch), các hãng hàng không dự kiến cung ứng xấp xỉ 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% so với thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, tăng 36,8%.

Tàu hỏa được nhiều hành khách chọn lựa về quê dịp Tết 2024.
Tàu hỏa được nhiều hành khách chọn lựa về quê dịp Tết 2024.

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Giáp Thìn năm 2024. Cụ thể, yêu cầu các Sở GTVT, đặc biệt là những địa phương có lưu lượng hành khách và phương tiện đi lại tăng cao trong dịp lễ, Tết năm 2024 phải chủ động xây dựng kế hoạch làm việc với các đơn vị có liên quan để tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy.

Các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe. Cục Hàng không Việt Nam xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến nhất là trong dịp cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam tăng cường bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong thời điểm trước, trong và sau Tết...

THÀNH LÂN

.