Kinh tế
Cần tập trung nguồn vốn tín dụng các lĩnh vực ưu tiên
ĐNO - Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đối với ngành ngân hàng tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng tổ chức chiều 17-1.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: M.Q |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đánh giá, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng chủ động tham mưu cho UBND thành phố trong công tác quản lý ngoại hối, quản lý hoạt động thanh toán trên địa bàn.
Xử lý các kiến nghị tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tích cực phối hợp các sở, ban, ngành trên địa bàn triển khai thực hiện các chủ trương của thành phố.
Trong năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị ngành ngân hàng thành phố đặc biệt chú trọng các giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực được cấp phép.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý.
Tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị thành phố để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản trên địa bàn.
Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; bảo đảm an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán trên địa bàn.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến cuối tháng 12-2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 192.954 tỷ đồng, tăng 12,07% so với cuối năm 2022.
Tiền gửi Việt Nam đồng đạt 184.303 tỷ đồng, chiếm 95,52% tổng nguồn vốn, tăng 10,32%; tiền gửi ngoại tệ đạt 8.651 tỷ đồng, chiếm 4,48% tổng nguồn vốn, tăng 69,2%; tiền gửi tổ chức kinh tế đạt 75.939 tỷ đồng, tăng 20,02% và tiền gửi dân cư đạt 117.015 tỷ đồng, tăng 7,45% so với cuối năm 2022.
Đến ngày 31-12-2023, dư nợ các thành phần kinh tế trên địa bàn đạt 219.796 tỷ đồng, tăng 5,08% so với cuối năm 2022. Dư nợ trung dài hạn đạt 119.550 tỷ đồng, chiếm 54,39% tổng dư nợ, tăng 0,21%; dư nợ ngắn hạn đạt 100.246 tỷ đồng, chiếm 45,61% tổng dư nợ, tăng 11,55% so với cuối 2022.
Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6,5 -7%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức 8,5% - 10%/năm.
Lãi suất huy động đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng phổ biến ở mức từ 0,1 - 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3 - 4%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng ở mức 4 - 5%/năm; từ trên 12 tháng ở mức 5 - 6%/năm.
MAI QUẾ