Kinh tế
Đẩy nhanh tiến độ dự án đường gom dọc đường sắt
Tận dụng thời tiết tốt trong những ngày gần đây, nhà thầu dự án Tuyến đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt Hòa Cầm đến Cầu Đỏ đang tích cực triển khai thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Dự án Tuyến đường gom dọc đường sắt từ cầu vượt Hòa Cầm đến Cầu Đỏ được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên gần 60 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2024. Dự án do Liên danh Công ty CP xây dựng Liên Việt Tiến (thầu chính), Công ty CP Minh Ngọc Nguyên và Công ty CP Viễn thông - Tín hiệu đường sắt thi công nhằm thực hiện mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường gom dân sinh dọc đường sắt Bắc - Nam, hoàn thiện kết nối giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân khu vực; bảo đảm an toàn chạy tàu trên đường sắt, góp phần nâng cấp bộ mặt đô thị, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô tuyến đường dài 1.219m, chạy song song sát với đường sắt Bắc - Nam với điểm đầu kết nối vào các tuyến giao thông khu vực cầu vượt Hòa Cầm, điểm cuối kết nối vào đường Nguyễn Như Đỗ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị quản lý dự án), dự án có tổng hồ sơ giải tỏa để thực hiện dự án là 110 hồ sơ, đến thời điểm hiện tại, dự án còn 19 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, với tinh thần có mặt bằng tới đâu thi công tới đó, Ban quản lý đã đốc thúc đơn vị thi công huy động máy móc, tận dụng thời tiết tạnh mưa đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ông Phan Đình Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, do dự án nằm gần phạm vi hành lang giao thông đường sắt, xây dựng mở rộng các tuyến đường ngang, di dời các nhà gác, di dời đường dây thông tin tín hiệu đường sắt… thuộc tài sản quản lý khai thác của ngành đường sắt nên trong quá trình thi công phải bảo đảm an toàn đường sắt.
Đồng thời, khi lên các bước kế hoạch chi tiết, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, Ban quản lý phải phối hợp với đơn vị trong ngành đường sắt như Tổng công ty Đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam để lập hồ sơ thiết kế phù hợp… Trong khi đó, dự án vẫn còn gặp khó trong giải phóng mặt bằng, mặc dù quận Cẩm Lệ rất quyết liệt chỉ đạo trong công tác này. Hiện nay, nhà thầu tập trung triển khai thi công hệ thống thoát nước, cấp điện tại những đoạn đã bàn giao mặt bằng, dự kiến hoàn thành công trình theo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, đoạn đầu dự án (gần cầu vượt Hòa Cầm) đã thi công hệ thống cống thoát nước, bó vỉa hè, dựng trụ tín tiệu đường sắt, lắp đặt hàng rào ngăn cách với đường sắt… Trong nhiều ngày qua, nhà thầu đang triển khai máy múc và công nhân đang tiếp tục thi công lắp đặt rào chắn với đường sắt…
Được biết, Ban quản lý, Hội đồng Bồi thường dự án đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc, vận động nhân dân chấp hành chủ trương bàn giao mặt bằng để triển khai thi công theo chỉ đạo UBND thành phố tại Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 27-1-2023 về việc ban hành kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, các đơn vị đẩy mạnh thi công các hạng mục xây lắp giao thông, thoát nước, cấp nước; di dời đường dây trung, hạ thế, thu hồi điện chiếu sáng hiện có và xây dựng mới hệ thống điện chiếu sáng; di dời hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt, đường bộ; cải tạo đường ngang đường sắt, di dời nhà gác chắn; cây xanh… ở những đoạn đã có mặt bằng.
PHƯƠNG UYÊN