Kinh tế

Thị trường khách du lịch tàu biển khởi sắc

08:15, 12/01/2024 (GMT+7)

Đầu năm 2024, thành phố Đà Nẵng liên tục đón nhiều chuyến tàu biển lớn chở khách du lịch cập cảng Tiên Sa. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường khách du lịch tàu biển đang có sự khởi sắc, hứa hẹn sẽ góp phần vào sự phục hồi và phát triển du lịch của Đà Nẵng.

Khách đến Đà Nẵng qua đường tàu biển tại cảng Tiên Sa, ngày 2-1-2024. Ảnh: THU HÀ
Khách đến Đà Nẵng qua đường tàu biển tại cảng Tiên Sa, ngày 2-1-2024. Ảnh: THU HÀ

Khởi đầu ngày 2-1, tàu biển Westerdam (thuộc sở hữu của hãng tàu biển Holland America Line) do Công ty TNHH Lữ hành Destination Asia khai thác đã đưa 2.000 du khách và 781 thuyền viên chủ yếu đến từ Hà Lan và các quốc gia khác như: Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Hungary, Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… đến Đà Nẵng để tham quan du lịch. Tiếp đến ngày 4-1, tàu biển AIDAbella do Công ty TNHH Du lịch và dịch vụ Pacific Legend khai thác đưa 2.000 khách Đức tiếp tục cập cảng Tiên Sa. Mới đây, ngày 11-1, tàu biển Viking Cruise (Zhao Shang Yi Dun) mang quốc tịch Trung Quốc do Công ty TNHH Destination Asia khai thác đã đưa hơn 700 khách đến Đà Nẵng qua cảng Tiên Sa… Đa số các tàu thường cập cảng từ 8 giờ sáng và rời đi lúc 19 giờ cùng ngày nên du khách sẽ có khoảng 10 tiếng để tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch của Đà Nẵng và các địa phương lân cận như: Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng (Sơn Trà), Bảo tàng Điêu khắc Chăm, phố cổ Hội An (Quảng Nam) hoặc mua sắm tại chợ Hàn, trung tâm thương mại. Theo ghi nhận, ngoài số lượng khách đi theo các tour đã được đặt trước, nhiều du khách đã xuống tàu vào trung tâm thành phố và chọn tham quan tự do. Chị Michelle Anne, quốc tịch Mexico cho biết đã được nghe giới thiệu nhiều về Đà Nẵng nên tranh thủ một ngày ở đây chị có kế hoạch đi mua sắm ở chợ Hàn, tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cầu Rồng và thưởng thức ẩm thực địa phương.

Giám đốc Công ty TNHH Du lịch V.E.I Lê Thiên Tư đánh giá, mỗi chuyến tàu cập cảng thường có lượng khách rất lớn và đa quốc tịch nên thường có các nhu cầu khác nhau. Tài nguyên du lịch của Đà Nẵng khá đa dạng và phong phú, vì thế các đơn vị khai thác khách thường xây dựng khoảng 10 tour, tuyến, sản phẩm để khách lựa chọn sau khi xuống tàu. Số khách chọn tham quan tự do là cơ hội rất lớn cho hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố, bởi khi đó khách sẽ tự chọn đi mua sắm, vui chơi giải trí hay tham quan. Khách có thời gian từ nửa ngày đến một ngày để tham quan, trải nghiệm nên có nhiều khách chọn những điểm nổi tiếng, phổ biến để tham quan; nhưng cũng có nhiều khách, nhất là khách từ thị trường châu Âu thường thích trải nghiệm các sản phẩm gắn với văn hóa địa phương, truyền thống…

Theo đại diện một số đơn vị chuyên khai thác khách tàu biển, Đà Nẵng vẫn là điểm đến yêu thích của thị trường khách này vì có sản phẩm du lịch khá đa dạng với nhiều điểm tham quan; nằm giữa các di sản như cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)... thuận lợi cho chuyến đi tham quan của khách. Ông Lâm Ny, phụ trách Điều hành tàu biển Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ, hiện nay thành phố cũng rất quan tâm đến thị trường khách tàu biển vì một trong những thuận lợi là cảng Đà Nẵng có hỗ trợ các tàu biển qua đêm tại cảng. Điều này giúp khách có thời gian lưu lại lâu hơn tại Đà Nẵng, có thêm thời gian đi tham quan, mua sắm, sử dụng dịch vụ. “Tuy nhiên, các sản phẩm dành cho City tour (tour trong thành phố) hiện nay không được khách lựa chọn nhiều do chưa có sự mới mẻ hấp dẫn. Vì vậy cần phải tăng thêm các tiện ích như các kiots bán đồ lưu niệm, đặc sản địa phương hoặc khu phức hợp mua sắm gần khu vực đậu đỗ xe; nâng cao chất lượng, làm mới sản phẩm, gia tăng thêm các trải nghiệm để thu hút khách nhiều hơn”, ông Lâm Ny đề xuất.

Du khách tham quan tại khu vực cầu Rồng, đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: THU HÀ
Du khách tham quan tại khu vực cầu Rồng, đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: THU HÀ

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhận định, các tàu biển thường xuyên cập cảng Đà Nẵng cho thấy đây vẫn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong hải trình của họ và là tín hiệu rất tốt trong bức tranh sáng của du lịch tàu biển trong năm nay. Sự tăng trưởng trở lại của những chuyến tàu cập cảng Đà Nẵng có thể hy vọng đến năm 2025, thành phố sẽ đón số lượng chuyến tàu tiệm cận như mùa tàu biển năm 2019 (khoảng 100 chuyến). Đặc điểm các tàu biển đến Đà Nẵng thường đi từ Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản)… hoặc là khách từ các thị trường châu Âu, Mỹ nối chuyến. Do thời gian lưu lại không lâu nên khách ưu tiên sử dụng các dịch vụ, sản phẩm nội trong thành và lân cận như Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam). Để làm đa dạng và phong phú thêm các sản phẩm cho thị trường khách này, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có kế hoạch khảo sát một số tuyến du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa như đi bộ, đẹp xe, tham quan vùng quê tại tuyến Phong Nam, Túy Loan (Hòa Vang)… để bổ sung vào sản phẩm cho khách lựa chọn.

Theo Sở Du lịch, dự kiến năm 2024, Đà Nẵng sẽ có khoảng 45 chuyến tàu biển với hơn 40.000 lượt khách. Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho biết, để thu hút thị trường khách tàu biển, ngành du lịch đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu và gia tăng trải nghiệm cho khách. Bên cạnh đó, bảo đảm môi trường du lịch, chống đeo bám, chèo kéo khách, nhất là trong những thời điểm tàu du lịch cập cảng đưa khách lên bờ... tạo sự an tâm cho du khách khi tham quan tại thành phố.

THU HÀ

.