Kinh tế
Du lịch khởi sắc đầu năm
Những ngày đầu năm mới, Đà Nẵng liên tục có các chuyến bay, tàu biển lớn đưa khách đến thành phố để tham quan các khu điểm du lịch trên địa bàn. Đây là tín hiệu tích cực, mang đến nhiều kỳ vọng về sự phục hồi và phát triển du lịch của địa phương, hướng đến mục tiêu đón khoảng 8,43 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 của thành phố.
Gia tăng các trải nghiệm dành cho du khách là một trong những điều mà ngành du lịch thành phố đang hướng tới. TRONG ẢNH: Khách đến Đà Nẵng qua cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Những tín hiệu vui
Theo thông tin của Sở Du lịch, tổng số chuyến bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng trong 3 ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch vừa qua ước đạt khoảng 434 chuyến (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái) với hơn 65.000 lượt khách (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái). Cũng trong những ngày đầu năm mới, hơn 2.000 khách du lịch quốc tế từ các quốc gia Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Hungary, Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… đến Đà Nẵng qua đường tàu biển. Lượng khách này đã góp phần vào không khí sôi động của du lịch thành phố trong những ngày đầu năm mới.
Trong khi đó, những năm qua, du lịch qua đường hàng không vẫn là nguồn khách chính của ngành du lịch thành phố. Năm 2023, Đà Nẵng có khoảng 40.000 chuyến bay, ước khoảng 6,3 triệu lượt khách, tăng 1,42 lần so với năm 2022 và phục hồi 81,2% so với năm 2019. Các đường bay trực tiếp quốc tế được khai thác trở lại trong thời gian qua đã góp phần gia tốc cho sự phục hồi du lịch Đà Nẵng. Tính đến cuối năm 2023, Cảng Hàng không quốc tế khai thác 7 đường bay nội địa với tần suất bình quân 51 chuyến/ngày và 16 đường bay quốc tế với tần suất 49 chuyến/ngày.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho biết, với tín hiệu tích cực từ việc đón các chuyến bay, tàu biển trong những ngày đầu năm mới mang đến kỳ vọng cho các hoạt động du lịch của thành phố nói chung, đường hàng không, đường biển nói riêng. Trong năm 2024, thành phố dự kiến đón 45 chuyến tàu với hơn 40.000 lượt khách. Khách du lịch tàu biển vẫn là dòng khách có chi tiêu cao, là nguồn khách quan trọng của du lịch thành phố. Vì thế, để thu hút khách, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, làm mới các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu cũng như gia tăng các trải nghiệm của khách khi đi tham quan các địa điểm trên địa bàn thành phố.
Thêm sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách
Là một trong những đơn vị thường xuyên khai thác khách tàu biển, anh Lâm Ny, phụ trách Điều hành tàu biển Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết từ nay đến tháng 4-2024 công ty sẽ đón khoảng 15-20 chuyến tàu chủ yếu khách từ châu Âu, châu Mỹ và khách khởi hành từ Hồng Kông (Trung Quốc). Đà Nẵng vẫn là điểm đến yêu thích của thị trường khách tàu biển vì có cảng biển lớn, nằm giữa các di sản như cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)... thuận lợi cho chuyến đi tham quan của khách. Tuy nhiên, điều bất tiện nhất hiện nay là điểm đậu đỗ dành cho xe trung chuyển đưa khách từ tàu về trung tâm thành phố.
“Khách của thị trường này đa số là những người lớn tuổi, việc đi bộ từ điểm dừng xe đến chợ hay các điểm mua sắm sẽ khó khăn như vậy sẽ không thu hút được chi tiêu của khách. Bên cạnh đó, các sản phẩm dành cho City tour (tour trong thành phố) hiện nay không được khách lựa chọn nhiều do không có sự hấp dẫn, vì thế cần phải nâng cao chất lượng, làm mới sản phẩm, gia tăng thêm các trải nghiệm để thu hút khách nhiều hơn”, ông Lâm Ny đề xuất.
Cùng với việc đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch hiện nay nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ, hạ tầng cũng đầu tư thêm các tiện ích để thu hút khách. Mới đây Nhà ga quốc tế Đà Nẵng được tổ chức Skytrax xếp hạng 5 sao. Đây là nhà ga đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được xếp hạng 5 sao theo tiêu chuẩn Skytrax nhờ nỗ lực đầu tư hạ tầng, cải thiện các dịch vụ, tiện ích như: phòng chờ hạng thương gia, xe nôi cho em bé, khu vui chơi trẻ em, phòng mẹ và bé, xe đẩy mua sắm, phòng cầu nguyện, quầy tự làm thủ tục, quầy tự gửi hành lý, cửa xuất nhập cảnh tự động và cửa khởi hành tự động...
Ngoài ra, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng còn chú trọng quảng bá văn hóa truyền thống của địa phương, Việt Nam thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trang trí các tiểu cảnh các dịp lễ, Tết... với mong muốn mang tới cho khách hàng những dịch vụ, trải nghiệm tốt nhất. Theo ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng, (AHT) trong năm 2024, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng tiếp tục đặt hành khách là trung tâm, do đó, các kế hoạch, hạng mục đầu tư của AHT đều được hướng tới mục đích mang tới cho du khách những trải nghiệm ngày càng tốt hơn, đáp ứng những tiêu chí và đánh giá chất lượng toàn cầu.
Mục tiêu năm 2024 của ngành du lịch Đà Nẵng là hướng tới mục tiêu khách do cơ sở lưu trú phục vụ phấn đấu đạt 8,42 triệu lượt, tăng hơn 13,8% so với năm 2023, gần bằng 105% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế 2,5 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2023, bằng 77% so với năm 2019; khách nội địa 5,92 triệu lượt, tăng 9,3% so với năm 2023, bằng 123% so với 2019. Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch thành phố tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành như thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch phát triển du lịch; đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch; truyền thông, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ; chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, huy động nguồn lực cho phát triển du lịch...
“Ngành du lịch sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút khách, đồng thời hình thành các sản phẩm, dịch vụ cũng như làm mới các sản phẩm hiện có để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của đa dạng các thị trường khách. Riêng với thị trường khách tàu biển sẽ phối hợp với các đơn vị khảo sát, hình thành thêm các gói sản phẩm tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử của Đà Nẵng, xây dựng các gói sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... để du khách có thêm lựa chọn khi đến Đà Nẵng”, ông Tán Văn Vương chia sẻ.
THU HÀ