Kinh tế
Giá vàng thế giới ghi nhận tuần đi xuống đầu tiên trong một tháng qua
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch 5-1 và ghi nhận tuần giảm giá đầu tiên trong một tháng qua, sau báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp khả quan hơn dự đoán.
Những thỏi vàng được trưng bày tại Cục Khắc và In ấn Hoa Kỳ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khép lại phiên này, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX thuộc thị trường New York (Mỹ) giảm 20 xu Mỹ, chưa đến 0,1%, xuống 2.049,80 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm gần 1,1% sau ba tuần tăng liên tiếp trước đó, theo Dow Jones Market Data.
Giá vàng giảm ngay sau khi số liệu việc làm của Mỹ được công bố. Theo đó, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 216.000 việc làm mới trong tháng 12-2-23, nhiều hơn dự đoán. Sau đó, đà giảm này được hạn chế phần nào sau khi số liệu từ khảo sát của Viện Quản lý nguồn Cung (ISM) cho thấy chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm từ 52,7% xuống 50,6% trong tháng trước.
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5-1, các nhà tuyển dụng ở nước này đã thuê nhiều nhân công hơn dự kiến trong tháng 12-2023, trong khi tăng trưởng tiền lương ở mức cao, giúp củng cố kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 216.000 việc làm trong tháng 12-2023, cao hơn nhiều so với mức 170.000 việc làm được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trước đó. Dữ liệu của tháng 11 cũng được điều chỉnh giảm với 173.000 việc làm được tăng thêm thay vì 199.000 việc làm như báo cáo trước đó. Tính cả năm 2023, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 2,7 triệu việc làm, giảm mạnh so với 4,8 triệu việc làm được tạo ra trong năm 2022.
Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi so với tháng 11-2023, duy trì ở mức 3,7%. Tuy nhiên, mặc dù lực lượng lao động ngày càng mở rộng, tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao. Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ tăng 0,4% trong tháng 12-2023, sau khi tăng 0,4% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, tiền lương đã tăng 4,1% trong tháng 12-2023, từ mức 4,0% của tháng 11.
Trong khi đó, công ty cung cấp dữ liệu Epiq AACER công bố số liệu cho thấy số đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ đã tăng 18% trong năm 2023 do lãi suất tăng, các tiêu chuẩn cho vay khó khăn hơn và những hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch dần kết thúc.
Tổng số đơn xin bảo hộ phá sản, bao gồm cả phá sản cá nhân và doanh nghiệp - đã tăng từ 378.390 đơn trong năm 2022 lên 445.186 đơn trong năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý, số đơn xin bảo hộ phá sản doanh nghiệp theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ đã tăng 72% từ 3.819 vụ năm 2022 lên 6.569 vụ. Riêng trong tháng 12, tổng số đơn xin bảo hộ phá sản giảm từ 37.860 đơn trong tháng 11 xuống 34.447 đơn, nhưng vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Michael Hunter, Phó Chủ tịch Epiq AACER, cho biết số đơn xin bảo hộ phá sản được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2024, khi các chính sách kích thích trong thời kỳ đại dịch dần kết thúc, chi phí vốn tăng, lãi suất đi lên, tỷ lệ nợ quá hạn tăng và nợ hộ gia đình đang ở gần các mức cao lịch sử.
Theo số liệu từ chi nhánh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại New York, nợ hộ gia đình đã chạm mức cao kỷ lục 17.300 tỷ USD tính đến cuối quý III-2023. Tỷ lệ nợ quá hạn cũng tăng, nhưng vẫn thấp hơn mức ngay trước đại dịch.
Các điều kiện tài chính đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thắt chặt nhiều trong hai năm qua do chu kỳ nâng lãi suất mạnh mẽ của Fed để kiềm chế lạm phát. Ví dụ như lãi suất các khoản vay thế chấp trong nửa cuối năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2001.
Trước đó, trong tuần này, giá vàng đã giảm liên tiếp trong hai phiên đầu năm 2024 do áp lực từ sự mạnh lên của đồng USD và sự không chắc chắn về thời điểm cắt giảm lãi suất tiềm năng được thể hiện trong biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed. Nhưng sau đó, giá vàng đã tăng trở lại trong phiên 4-1.
Dù Fed dự đoán lãi suất có thể sẽ giảm xuống trong năm nay, nhưng báo cáo việc làm được công bố ngày 5-1 đã củng cố khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ, cũng như lập trường duy trì lãi suất ở mức cao trong tời gian lâu hơn.
Ông Jerry Braakman, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của công ty First American Trust, nhận định điều này không có lợi cho giá vàng, vì kim loại quý này thường phản ứng tích cực với lãi suất giảm, đồng USD suy yếu và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Tuy nhiên, ông cho rằng không nên quá chú trọng vào báo cáo việc làm của một tháng. Chuyên gia này vẫn đự doán kinh tế Mỹ sẽ suy yếu trong năm nay, khiến Fed hạ lãi suất, từ đó hỗ trợ giá vàng.
Theo TTXVN