Kinh tế

10 năm Đà Nẵng ươm mầm khởi nghiệp

08:27, 19/03/2024 (GMT+7)

Cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là 1 trong 3 trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước. Để có được những kết quả ban đầu như hiện nay, 10 năm qua, Đà Nẵng đã và đang tận dụng lợi thế về địa lý, nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều cần làm để Đà Nẵng xứng đáng là “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và mục tiêu xây dựng thành phố thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều hoạt động kết nối các nguồn lực quốc tế được thành phố triển khai, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng. Trong ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc ký kết hợp tác về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại sự kiện SURF 2023. Ảnh: V.H - M.Q
Nhiều hoạt động kết nối các nguồn lực quốc tế được thành phố triển khai, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng. Trong ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc ký kết hợp tác về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại sự kiện SURF 2023. Ảnh: V.H - M.Q

Bài 1: Ươm mầm tốt, hái quả ngọt

Nhìn lại 10 năm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng đã đạt những kết quả khả quan, tạo bước đà hướng tới những mục tiêu mới.

Truyền cảm hứng, khát vọng khởi nghiệp

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng có thể chia thành 3 giai đoạn: truyền cảm hứng, khát vọng (2014-2015); định hình phát triển (2016-2019) và hội tụ nguồn lực nền tảng (2020-2023). Từ năm 2014, một số cuộc thi khởi nghiệp trong các trường đại học được tổ chức, tạo cơ hội tiếp cận với khởi nghiệp ngay trên giảng đường cho sinh viên như chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng” của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ thông tin” của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng (nay là Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng)…

Nhiều sự kiện khởi nghiệp được tổ chức trên địa bàn thành phố với mục tiêu khuyến khích tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ gồm hội thảo, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi góp ý xây dựng chính sách như Barcamp, Startup Weekend… Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp của Đà Nẵng giai đoạn này chủ yếu mang tính tự phát và nhỏ lẻ, không định hướng về quy mô cũng như được đầu tư về chất lượng. Các vườn ươm còn sơ khai và thiếu nhiều dịch vụ chất lượng cao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đà Nẵng cũng chưa xây dựng được những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công điển hình của thành phố; quỹ đầu tư, không gian làm việc chung, các chương trình đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học vẫn còn hạn hẹp. Song, tín hiệu tích cực là chủ trương khởi nghiệp được đưa vào chương trình hành động của lãnh đạo thành phố nhanh chóng.

Năm 2014, Đà Nẵng chọn chủ đề “Năm Doanh nghiệp”, qua đó nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành và thực hiện với mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Sau gần 2 năm triển khai, hoạt động khởi nghiệp của thành phố tiến tới dấu mốc quan trọng là UBND thành phố thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp (DSC) vào tháng 10-2015, thành lập Vườn ươm doanh nghiệp thành phố (DNES) theo mô hình hợp tác công tư duy nhất trong cả nước vào cuối tháng 12-2015. Sự ra đời của DSC tập hợp hầu hết các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp: các chương trình ươm tạo, vườn ươm, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư, các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông...

Là người “khai sinh” ý tưởng thành lập và hiện tại là Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, TS. Võ Duy Khương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ, hơn 9 năm qua, trên cả nước vẫn chưa có mô hình hợp tác công tư nào như DNES với ưu điểm vừa phát huy tính năng động của doanh nghiệp, vừa có sự quản lý, bảo trợ của Nhà nước. Từ khi thành lập đến nay, DNES ươm tạo khoảng 100 dự án (trung bình 10-12 dự án/năm). Các chức năng chính của DNES là đầu tư dự án tiềm năng, ươm tạo các dự án xã hội. Bên cạnh đó, DNES còn góp phần đào tạo nhiều giảng viên khởi nghiệp tại các trường đại học thông qua hỗ trợ của một tổ chức khởi nghiệp từ Phần Lan.

Đà Nẵng đạt nhiều kết quả khả quan qua 10 năm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Trưng bày gian hàng khởi nghiệp tại sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF 2023. Ảnh: V.H - M.Q
Đà Nẵng đạt nhiều kết quả khả quan qua 10 năm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Trưng bày gian hàng khởi nghiệp tại sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF 2023. Ảnh: V.H - M.Q

Phát triển và hội tụ nguồn lực

Giai đoạn định hình và phát triển (2016-2019) chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, qua đó nhận thức về khởi nghiệp đối với phát triển kinh tế -xã hội của thành phố ngày càng tăng. Hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng cơ bản hình thành với đầy đủ các thành tố, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp cũng như bắt đầu hợp tác với các tổ chức quốc tế. Về cơ chế, chính sách, UBND thành phố lần lượt ban hành các quyết định: Quyết định số 1219/QĐ-UBND ngày 6-3-2017 về phê duyệt đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 88/QĐ-UBND, Quyết định số 7853/QĐ-UBND và Quyết định số 9098/QĐ-UBND về đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2018, năm 2019 và năm 2020.

Cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, Đà Nẵng tập trung mạnh mẽ vào hoạt động ươm tạo tại các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, bởi vườn ươm là “trái tim” của hệ sinh thái khởi nghiệp. Các tổ chức này được ra đời đa dạng theo mô hình Nhà nước, đối tác công tư và tư nhân như DNES, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan incubator), vườn ươm Evergreen Labs - Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo (Sở KH&CN). Sự có mặt của các vườn ươm góp phần thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp phát triển và lan tỏa cả các địa phương lân cận như tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Cũng thông qua các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng từng bước hình thành như mạng lưới cố vấn khởi nghiệp (mentor), nhà đầu tư… Trong giai đoạn 2016-2019, các vườn ươm đã ươm tạo hơn 60 dự án khởi nghiệp, tập trung ở các lĩnh vực du lịch, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thực phẩm, công nghệ thông tin… với nhiều dự án đã gọi được vốn đầu tư.

Ở giai đoạn hội tụ nguồn lực nền tảng (2020-2023), cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng tăng cường kết nối mạng lưới với các thành tố trong hệ sinh thái thông qua việc tham gia các sự kiện, triển lãm, cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế. Tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố; 2 trung tâm thuộc các trường đại học; 10 vườn ươm; 2 không gian sáng tạo; 10 không gian làm việc chung; 10 câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng và 5 quỹ đầu tư khởi nghiệp cùng cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Năm 2023, Đà Nẵng lần thứ 3 được vinh danh tại hạng mục “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng; 1 trong 3 địa phương đạt danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2023” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia vinh danh.

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) nhận định, Đà Nẵng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thông qua các hoạt động xây dựng chính sách, thể chế đặc thù của vùng, phục vụ trực tiếp hoạt động của ngành, hướng đến tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị địa phương bám sát Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 21-12-2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025. Song, do quy mô kinh tế chưa lớn và chưa có các doanh nghiệp khởi nghiệp “kỳ lân” nên Đà Nẵng chưa có tên trong các bảng xếp hạng Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Vì vậy, Đà Nẵng cần nỗ lực đặt mục tiêu nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lên tầm quốc tế tương đương với một số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn trong khu vực Đông Nam Á.

MAI QUẾ - VĂN HOÀNG

.