Kinh tế
Cần giải pháp trợ lực để nâng cao hiệu quả khuyến công
Nhờ chương trình khuyến công, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố được tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, thành phố, ngành công thương cần có thêm chính sách, giải pháp trợ lực để doanh nghiệp tiếp cận chương trình hiệu quả hơn.
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Công ty CP Thương mại và sản xuất ASIA GREEN trưng bày tại sự kiện do Sở Công Thương tổ chức vào tháng 3-2024. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Theo bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả thiết thực như giúp tạo sự khác biệt để đưa các sản phẩm chất lượng ra thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời cũng giải quyết các vấn đề đang tồn đọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Tham gia chương trình khuyến công, công ty đã nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ gần 500 triệu đồng để đầu tư máy móc, thiết bị; quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại thường niên trên địa bàn thành phố, trong nước và quốc tế. Năm 2023, sản phẩm bánh dừa nướng Top Coco của công ty đã được công nhận là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Đà Nẵng và đề xuất tham gia bình chọn cấp khu vực. “Hơn 70% tổng doanh thu của công ty là dựa vào tiêu thụ sản phẩm phục vụ khách du lịch. Với tốc độ phát triển hiện nay, chúng tôi định hướng mở rộng quy mô sản xuất cũng như mặt bằng nên rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của thành phố, ngành công thương và các đơn vị liên quan”, bà Nhi chia sẻ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Sản Phẩm Thiên Nhiên Adeva Noni, cho biết đang gặp khó khăn trong vấn đề đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất. Tại Đà Nẵng, diện tích xưởng sản xuất hạn chế nên công ty tập trung sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên; các sản phẩm thực phẩm được chuyển về sản xuất tại tỉnh Quảng Nam. Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về y tế trong ngành mỹ phẩm buộc phải mở rộng mặt bằng sản xuất; mặt khác, công ty đang sản xuất dòng sản phẩm kem đánh răng thảo dược được du khách phản hồi và đánh giá rất tích cực. Do không thể đầu tư đầy đủ máy móc sản xuất, một số sản phẩm thiếu sự đồng nhất về hình thức nên công ty rất mong muốn tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công của thành phố để sản phẩm ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn.
Ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Mayaca (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), cho hay năm 2023, công ty là một trong 9 doanh nghiệp, cơ sở được hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy móc thiết bị của Chương trình khuyến công thành phố trong đợt 1-2023 với chi phí gần 180 triệu đồng. Đây là cơ hội để công ty cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trước những khó khăn thực tế, ông mong muốn nhận được sự hỗ trợ khác từ chương trình khuyến công và cũng đề xuất nâng mức kinh phí hỗ trợ, đầu tư máy móc để có cơ hội tiếp cận và thuận lợi khi thụ hưởng chính sách.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Châu Thông (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) nhìn nhận, song song với việc hỗ trợ sản xuất, công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm cần được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức và nền tảng; đặc biệt là quảng bá online trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội. Vì vậy, công ty rất cần sự đồng hành của thành phố, ngành công thương và các địa phương trong việc nghiên cứu các giải pháp truyền thông hỗ trợ, tận dụng ưu thế “thành phố du lịch” để phát triển hiệu quả và bền vững hơn.
Nâng cao hiệu quả chương trình khuyến công
Theo Sở Công Thương, giai đoạn 2020-2023, thực hiện chương trình khuyến công quốc gia, sở đã hoàn thành triển khai 3 đề án với tổng kinh phí thực hiện hơn 6,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 1,25 tỷ đồng. Do hạn chế về địa bàn hỗ trợ và định hướng chương trình khuyến công quốc gia khuyến khích xây dựng các đề án nhóm, đề án điểm và đòi hỏi có sự tham gia của từ hai đơn vị trở lên cùng ngành nghề sản xuất nên số lượng đề án hỗ trợ trên địa bàn bị hạn chế.
Đối với khuyến công địa phương, sở đã triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng, trong đó: hỗ trợ 26 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 34 cơ sở; 2 mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 4 đề án tư vấn đánh giá sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho 12 doanh nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp; thể hiện sự quan tâm lớn hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Đà Nẵng. Các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm của doanh nghiệp trong chương trình khuyến công đa phần được giới thiệu, lựa chọn làm quà tặng tại nhiều sự kiện quan trọng. Để chương trình khuyến công năm 2024 và những năm đến đạt kết quả cao hơn, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND, HĐND thành phố xem xét nâng mức hỗ trợ tương ứng với các quy định và chương trình khuyến công quốc gia để tặng thêm các nguồn lực, thu hút các doanh nghiệp tham gia như: nâng mức hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp…
“Hiện nay, các nội dung hỗ trợ trong chương trình khuyến công rất toàn diện. Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai đầy đủ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nắm bắt thông tin và thụ hưởng tốt nhất; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hiện đại”, bà Mai thông tin.
VĂN HOÀNG