Kinh tế
Đà Nẵng tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phát triển trung tâm tài chính
ĐNO - Từ ngày 27 đến 30-3, trong khuôn khổ chương trình đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Trung Quốc, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND thành phố Trần Phước Sơn dẫn đầu đã tham gia một số hoạt động quan trọng.
Đoàn công tác thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Ảnh: Đoàn công tác cung cấp. |
Thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vào chiều 27-3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gửi lời chúc sức khỏe, cảm ơn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai hỗ trợ đoàn thực hiện chương trình công tác.
Trong đó, nhấn mạnh các cơ hội tìm hiểu, học tập, nghiên cứu các nội dung liên quan đến việc hình thành Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; nghiên cứu cơ chế hoạt động, quản lý Khu thương mại tự do cho các địa phương (Đà Nẵng và một số địa phương)…
Đại sứ Phạm Sao Mai hoan nghênh chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác; đồng thời bày tỏ sự quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các bên cùng tổ chức các hoạt động đạt kết quả tốt đẹp trong thời tới.
Chiều 28-3, tham dự buổi làm việc với Tổng cục Quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc có Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn và các thành viên.
Đoàn công tác làm việc với Tổng cục Quản lý tài chinh quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Đoàn công tác cung cấp. |
Tại buổi làm việc, sau khi giới thiệu về hoạt động của Tổng cục Quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc, đại diện lãnh đạo tổng cục: các ông Lu Wei và Li Guochun chia sẻ các nội dung liên quan đến quá trình hình thành, phát triển và kinh nghiệm phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.
Trong đó nhấn mạnh vai trò của Trung ương (quyết sách nhanh nhất, lượng thông tin lớn) của chính quyền địa phương (chủ động, quyết liệt); vai trò nền tảng của nền kinh tế, dựa trên kinh tế thực, cơ cấu, đóng góp, phân bổ các ngành nghề trong nền kinh tế;
Hội tụ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát huy ưu thế về nhân lực, nghiên cứu khoa học, các trường đại học lớn; tạo dựng môi trường kinh doanh: thị trường hóa, pháp trị hóa, quốc tế hóa; mô hình thủ tục hành chính “làn xanh, đường nhanh”…
Đoàn công tác chia sẻ chủ trương dự kiến hình thành các Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng) và cùng các thành viên của Tổng cục Quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc trao đổi, thảo luận về các tiêu chí, mục tiêu cho việc hình thành và phát triển một Trung tâm tài chính quốc tế (đóng góp của Trung tâm tài chính trong GDP, VA của ngành tài chính, số lượng các ngân hàng quốc tế đặt trụ sở…).
Bên cạnh đó là khả năng thu hút nhà đầu tư, các định chế tài chính; các chính sách vượt trội, ưu việt, các chính sách theo thông lệ quốc tế; tạo thuận lợi thanh toán đồng nội địa trên thị trường quốc tế, sàn giao dịch tiền điện tử…
Các vấn đề rủi ro mang tính hệ thống; lộ trình hình thành, cơ quan quản lý trung tâm tài chính; các biện pháp quản lý, phối hợp để tạo cơ sở phát triển, kết nối giữa khu trung tâm tài chính và khu vực xung quanh.
* Chiều 29-3, tại buổi làm việc với Cục Quản lý Giám sát tài chính Thượng Hải, ông Triệu Vĩnh Kiện, Phó Bí thư Ủy ban Công tác tài chính Thành ủy Thượng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát tài chính Thượng Hải cung cấp một số thông tin về quá trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Thượng Hải.
Đoàn công tác làm việc với Cục quản lý giám sát tài chính Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Đoàn công tác cung cấp. |
Việc xây dựng Thượng Hải trở thành Trung tâm tài chính quốc tế được Đảng và Nhà nước Trung Quốc đặc biệt quan tâm.
Mục tiêu phát triển Trung tâm Tài chính Thượng Hải “Tương xứng với vị thế kinh tế Trung Quốc và vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ”, thông qua các nhiệm vụ cơ bản về nâng tầm, xây dựng cường quốc tài chính; hoàn thiện thị trường, sản phẩm, tổ chức tài chính, cơ sở hạ tầng; khả năng chống chịu rủi ro và khủng hoảng về tài chính; kết nối, tương thích CPTPP, DEPA;
Cung cấp dịch vụ tài chính cho các lĩnh vực trọng điểm và các lĩnh vực còn yếu kém; phục vụ các lĩnh vực mới: khoa học công nghệ, xanh, tài chính giàu có, dưỡng lão, kinh tế số; tăng cường kết nối trung tâm tài chính với các trung tâm liên quan…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã đặt các câu hỏi, cùng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, mô hình mà Việt Nam có thể lựa chọn để phù hợp điều kiện thực tế, những điều kiện cần thiết để thành lập, các chính sách ưu đãi đầu tư, các thể chế hoạt động...
* Chiều cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Sunwal tổ chức thành công tọa đàm “Xây dựng Trung tâm Tài chính Việt Nam: Mô hình và tiềm năng”.
Tại buổi tọa đàm, phía Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp ngân hàng, quản lý quỹ đầu tư, chứng khoán về mô hình trung tâm tài chính tại Trung Quốc và tiềm năng phát triển trung tâm tài chính của Việt Nam.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại buổi tòa đàm xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam: Mô hình và tiềm năng.Ảnh: Đoàn công tác cung cấp. |
Đại diện thành phố Đà Nẵng chia sẻ để các bên cùng thảo luận sâu hơn về việc có thể hình thành mô hình trung tâm tài chính, trong đó lựa chọn một số lĩnh vực mà địa phương có tiềm năng, lợi thế, tận dụng xu thế phát triển mới như phát triển Trung tâm tài chính Offshore, Fintech…
Trong khuôn khổ chương trình công tác, đoàn sẽ tiếp tục thăm, làm việc, học tập về kinh nghiệm hình thành và phát triển Khu thương mại tự do.
PV