Kinh tế

Kiến tạo nguồn nhân lực phát triển ngành mũi nhọn

07:51, 04/04/2024 (GMT+7)

Uy tín, tầm ảnh hưởng của một đại học (ĐH) không những thể hiện trong đào tạo và nghiên cứu khoa học mà còn ở năng lực chủ động bắt kịp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, doanh nghiệp. 30 năm qua, ĐH Đà Nẵng luôn nhạy bén, tiên phong trong chiến lược ngành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước trong mỗi giai đoạn.

Lãnh đạo thành phố và Đại học Đà Nẵng dự lễ khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh. Ảnh: Hải Đăng
Lãnh đạo thành phố và Đại học Đà Nẵng dự lễ khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh. Ảnh: Hải Đăng

Theo GS.TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, chỉ sau 5 năm thành lập, ĐH Đà Nẵng đã hợp tác Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) và các ĐH của Pháp (ĐH Toulouse, ĐH Paris 6, Viện Công nghệ dầu và khí Paris) mở chương trình đào tạo Kỹ sư CLC Việt - Pháp (PFIEV). Đến nay, với chất lượng được công nhận đạt chuẩn quốc tế (CTI của châu Âu), chương trình này cung ứng phần lớn lực lượng cán bộ, chuyên gia, kỹ sư phát triển ngành mũi nhọn Công nghệ dầu khí tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Tiếp đó, nhiều chương trình đào tạo hợp tác với nước ngoài như: FNEGE (đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh), hợp tác với ĐH Nice (đào tạo thạc sĩ Quản lý nguồn nước), hợp tác với ĐH Liege (đào tạo về Logistics) đã đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt khác như: điện lực, công nghệ thông tin, du lịch, tài chính - ngân hàng...

Bước vào giai đoạn phát triển mới, các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng sớm chuẩn bị bài bản, có lộ trình, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp tăng cường cơ sở vật chất, tiềm lực đội ngũ để mở các ngành đào tạo công nghệ cao mà không phải cơ sở giáo dục nào cũng đủ khả năng đảm nhận. “Từ năm 2020, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đã đề xuất đưa đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn vào dự án ODA được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ như một hạng mục trọng điểm giai đoạn 2022-2026. Nhờ đó, đến tháng 11-2023, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn là trường ĐH đầu tiên tại miền Trung - Tây Nguyên hoàn thành thủ tục mở ngành, tuyển sinh đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch”, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, cho biết.

Từ dấu mốc ĐH Đà Nẵng đăng cai, khởi xướng, thành lập Liên minh các ĐH hàng đầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn (tháng 11-2023), đến nay, cả 3 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ gồm Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đều chính thức mở ngành Thiết kế vi mạch với khoảng 200 chỉ tiêu tuyển sinh ngay trong năm 2024.

Các trường phối hợp chuyên gia uy tín đến từ Tổ chức Tresemi (Silicon Valley), các tập đoàn Cadence, FPT… mở các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho sinh viên chuyên ngành gần, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp lớn. Sự gắn kết giữa “ba nhà” (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) thể hiện rõ vai trò nòng cốt của ĐH Đà Nẵng cùng chính quyền thành phố quyết tâm cao triển khai “Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn”, khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ “thông minh” tại Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn.

Ở phương diện khác, nhờ dự báo nhu cầu “hot” trên thị trường lao động trong nước, quốc tế, Trường ĐH Kinh tế sớm mở ngành Công nghệ tài chính (Fintech) từ năm 2022. Đây là lĩnh vực tuy còn mới mẻ ở Việt Nam so với khu vực (Singapore, Malaysia…), nhưng có nhu cầu nhân lực lớn, vừa cần kiến thức tài chính - ngân hàng, vừa cần năng lực ứng dụng công nghệ 4.0. “Hai khóa tuyển sinh đầu tiên ngành Fintech của trường đều tuyển đủ chỉ tiêu với chất lượng đầu vào khá cao (điểm xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT là 23,5 điểm năm 2022, tăng lên 24,25 điểm năm 2023). Số lượng hồ sơ xét tuyển cao cho thấy điểm hội tụ cung - cầu trong xu thế phát triển kinh tế số”, PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.

Sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ĐH Đà Nẵng thể hiện rõ vai trò trung tâm, dẫn dắt, đón đầu xu thế, đóng góp tích cực cho sự phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là bước xây nền tảng vững chắc để thành phố Đà Nẵng thực sự là “điểm đến” của các nhà đầu tư, tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu, nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

HẢI ĐĂNG

.