Kinh tế

Nghiên cứu phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

07:44, 17/04/2024 (GMT+7)

Thành phố Đà Nẵng đang nghiên cứu mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Sự phát triển đô thị theo hướng TOD là dựa trên định hướng phát triển của hệ thống giao thông công cộng nhằm tiếp cận, giải quyết những vấn đề liên quan đến tắc nghẽn giao thông, giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân, gia tăng nhu cầu đi bộ, thuận tiện với khách bộ hành, người đi làm hằng ngày, khách du lịch... và gia tăng nhu cầu về chất lượng cuộc sống của cư dân.

Tại Việt Nam, mô hình TOD còn mới mẻ, đang được thể chế trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Điều 31 và đối với Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội cho phép triển khai theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (tại khoản 2, Điều 4).

Đối với Đà Nẵng, trong nội dung Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023), quỹ đất (ngầm, nổi) được bố trí sẵn phù hợp cho các vị trí ga đầu cuối, ga trung chuyển (ngầm, nổi, trên cao)... của các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trên đường sắt đô thị (MRT và LRT, hay còn gọi là metro) và định hướng phát triển các ga này theo mô hình TOD kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (xe buýt, xe đạp công cộng, taxi,...), kết hợp quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ tập trung.

Một số tuyến LRT sẽ được tận dụng, mở rộng quỹ đất đường ray có sẵn của nhánh đường sắt quốc gia (sau khi di dời ga đường sắt Đà Nẵng hiện trạng ra khỏi trung tâm thành phố) để xây dựng, đồng thời kết hợp tái phát triển đô thị dọc trục hành lang tuyến LRT theo định hướng TOD. Khu vực ga Đà Nẵng hiện trạng được tái phát triển thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng chính kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ theo định hướng TOD và CBD (trung tâm kinh doanh và thương mại)...

Bên cạnh các hướng phát triển TOD nói trên, thành phố đang triển khai dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B và kỳ vọng tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo cửa ngõ phía tây thành phố theo hướng hiện đại, tạo thêm những dư địa mới cho phát triển đô thị, nhất là phát triển đô thị theo hướng TOD. Song, thành phố gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc triển khai TOD, đặc biệt là thiếu đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để nghiên cứu phát triển TOD; cơ chế, chính sách và việc huy động nguồn lực tài chính lớn để thực hiện mô hình mới này...

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lương Thạch Vỹ, phát triển đô thị theo định hướng TOD là một định hướng phát triển quan trọng và đã được đưa vào quy hoạch của thành phố Đà Nẵng. Thành phố đã quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và dự kiến phát triển một số trung tâm đô thị xung quanh một số nhà ga trong hệ thống đường sắt đô thị. Để thực hiện định hướng này, cần có một nguồn lực lớn về tài chính cũng như kinh nghiệm triển khai các dự án liên quan đến TOD. Yokohama (Nhật Bản) là thành phố có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình TOD nên Sở Giao thông vận tải đã đề nghị thành phố Yokohama hỗ trợ, hợp tác với Đà Nẵng trong việc phát triển đô thị theo định hướng TOD. “Các thành phố lớn ở Việt Nam đang nghiên cứu phát triển đô thị theo định hướng TOD, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu làm TOD do còn mới đối với Việt Nam. Sở Giao thông vận tải đang nghiên cứu phát triển TOD dọc quốc lộ 14B, hai đầu đường hầm băng qua sân bay Đà Nẵng, nút giao thông đường Nguyễn Sinh Sắc và đường vành đai phía tây 2, hành lang tuyến metro (tên gọi thông dụng của tuyến đường sắt đô thị)..., ông Lương Thạch Vỹ cho biết.

HOÀNG HIỆP

.