Đà Nẵng đề nghị Thụy Điển hỗ trợ xây dựng thành phố thông minh

.

ĐNO - Chiều 15-5, UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Cơ sở hạ tầng và Nhà ở Thụy Điển tổ chức hội thảo thúc đẩy và kết nối hợp tác giữa Thụy Điển với thành phố Đà Nẵng về phát triển hạ tầng chiến lược thông minh và bền vững.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cùng Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và nhà ở Thụy Điển Andreas Carlson và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cùng Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và nhà ở Thụy Điển Andreas Carlson và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường nhấn mạnh, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới và đã được Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng quyết tâm hành động trong quá trình xây dựng phát triển bền vững thành phố.

Đặc biệt, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, thành phố hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Nhờ chú trọng triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số gắn liền với xây dựng thành phố thông minh, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã chuyển dịch công tác quản lý, điều hành từ môi trường truyền thống sang môi trường số dựa trên dữ liệu số và công nghệ số.

Hiện nay, thành phố đang triển khai dự án xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (hợp phần thiên tai thông minh thuộc Trung tâm IOC) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố xanh, thông minh, bền vững, an toàn trước thảm họa, thiên tai.

Với những kết quả bước đầu đạt được trong xây dựng thành phố thông minh và bền vững, thành phố Đà Nẵng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao với nhiều giải thưởng.

Để triển khai thành phố thông minh thành công, thành phố đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính.

Thông qua hội thảo và chuyến thăm, làm việc của Bộ Cơ sở hạ tầng và nhà ở, cùng đoàn doanh nghiệp Thụy Điển, thành phố Đà Nẵng sẽ học tập, tiếp thu, áp dụng được nhiều kinh nghiệm hay, những mô hình tốt và các giải pháp thành công trong chiến lược xây dựng thành phố thông minh bền vững tại Thụy Điển và các nước trên thế giới phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp Thụy Điển tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng tìm kiếm nguồn tài trợ, tiếp cận công nghệ và chia sẻ, tư vấn các mô hình, kinh nghiệm thực tiễn để đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành phố Đà Nẵng thông minh, bền vững.

Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và nhà ở Thụy Điển Andreas Carlson cho rằng, Việt Nam có cam kết đạt được “Net Zero” (phát thải carbon ròng về “0”) vào năm 2050 cũng như hướng đến phát triển bền vững.

Những kinh nghiệm của Thụy Điển sẽ được chia sẻ để đáp ứng được nhu cầu của thành phố Đà Nẵng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng thông minh.

Bên cạnh có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dưng hạ tầng thông minh tại Thụy Điển, tại Việt Nam cũng có nhiều đối tác lâu dài, chiến lược của Thụy Điển trong lĩnh vực này, có thể giúp thành phố triển khai các giải pháp về xây dựng hạ tầng thông minh.

Qua trao đổi thông tin, đoàn công tác của Bộ Cơ sở hạ tầng và nhà ở Thụy Điển và đoàn doanh nghiệp của Thụy Điển cũng nắm bắt một số lĩnh vực có thể tham gia vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng thông minh, phát triển bền vững, nhất là về cảng biển, hàng không, điện lực... Đồng thời, tăng cường hợp tác đổi mới sáng tạo.

Đà Nẵng có thể tận dụng cơ hội này để phát triển thành phố thông minh, bền vững, giảm thiểu ô nhiễm và phát thải ra môi trường... cũng như hướng đến sự hợp tác dài lâu để mang đến tương lai rạng rỡ cho người dân và 2 đất nước.

Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng Lê Thành Hưng giới thiệu chiến lược phát triển cảng biển tại Đà Nẵng và cảng Liên Chiểu, đáp ứng sự quan tâm của các doanh nghiệp Thụy Điển. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng Lê Thành Hưng giới thiệu chiến lược phát triển cảng biển tại Đà Nẵng và cảng Liên Chiểu, đáp ứng sự quan tâm của các doanh nghiệp Thụy Điển. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại hội thảo, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố giới thiệu một số dự án cơ sở hạ tầng mà Bộ Cơ sở hạ tầng và nhà ở, đoàn doanh nghiệp của Thụy Điển quan tâm như: bến cảng Liên Chiểu, đường hầm xuyên Sân bay Đà Nẵng, nâng cấp và mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, Đề án xây dựng thành phố thông minh, kế hoạch và lộ trình ngầm hóa lưới điện...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
.