ĐNO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Công văn số 3751/UBND-KTN ngày 24-5-2024 gửi UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Đại Lộc liên quan đến việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế năm 2024.
Cách đây hơn 1 tháng, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng mở đường, huy động xe chở vật liệu đến đập Quảng Huế nhưng chưa gia cố, đắp đập tạm lên cao trình 2,3m. Ảnh: H.H |
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm phối hợp Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng và các ngành, cơ quan liên quan của thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế theo chủ trương của UBND tỉnh.
UBND huyện Đại Lộc chủ trì, phối hợp Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng và các ngành, cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cung cấp thông tin, phương án, kế hoạch triển khai thực hiện đắp đập tạm và tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tạo sự đồng thuận để Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng và các ngành, cơ quan liên quan của thành phố tích cực phối hợp với UBND huyện Đại Lộc và các ngành, cơ quan liên quan của tỉnh tổ chức cung cấp thông tin, phương án, kế hoạch triển khai thực hiện đắp đập tạm; tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn và giải thích các nội dung phát sinh liên quan (nếu có), tạo điều kiện để triển khai thi công hoàn thành đắp đập tạm trên sông Quảng Huế theo kế hoạch đề ra.
Trước đó, cách đây hơn 1 tháng, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố Đà Nẵng, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã triển khai mở đường để tập kết vật tư đến tại hiện trường nhằm chuẩn bị thi công, gia cố đập tạm trên sông Quảng Huế lên cao trình 2,3m, thấp hơn mức kiệt nhất của sông Vu Gia (2,34m) trong chuỗi dữ liệu thủy văn từ năm 1976-2008, trước khi có các hồ thủy điện (những năm trước đây, đập tạm được đắp lên cao trình 3,2m).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, người dân cản trở với lý do không nhận được thông tin về gia cố đập tạm này. Người dân cũng cho rằng việc gia cố đập tạm sẽ gây xói lở và giảm nguồn nước ngầm cho các giếng nước đang sử dụng của người dân tại xã Đại An, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), nên công ty không thể thi công hơn 1 tháng qua.
Theo kết quả thống kê chuỗi thủy văn từ năm 1976 đến 2008 (trước khi có các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia), mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) kiệt nhất là 2,34m, mực nước trung bình 3 tháng kiệt nhất của sông Vu Gia tại đây là 2,67m và trung bình 1 tháng kiệt nhất là 2,53m.
Từ khi các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia đi vào vận hành, mực nước sông Vu Gia trong mùa cạn hạ thấp dần và nhiều lần hạ thấp lịch sử, nhất là vào tháng 8-2023 ở mức 1,45m và tháng 2-2024 là 1,41m.
Trong các năm từ 2019-2021, trên cơ sở thống nhất của Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng tiến hành đắp đập tạm bằng bao cát trên đáy sông tại cửa điều tiết nước sông Vu Gia trên sông Quảng Huế lên cao trình 3,2m.
Cao trình 3,2m mới đủ làm giảm tỷ lệ phân lưu nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn (qua cửa điều tiết nước sông Vu Gia trên sông Quảng Huế) xuống còn 24%, tương đương tỷ lệ phân lưu tự nhiên trước đây khi chưa xây dựng hồ thủy điện Đăk Mi 4.
HOÀNG HIỆP