Kinh tế

Quy hoạch đô thị - động lực phát triển Đà Nẵng

07:57, 13/05/2024 (GMT+7)

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng phát triển đô thị theo cấu trúc 3 vùng đô thị đặc trưng, 1 vùng sinh thái cùng các mô hình đô thị mới như đô thị nén, đô thị sân bay, đô thị cảng biển... Việc triển khai đồ án nói trên và các quy hoạch phân khu được kỳ vọng tạo ra những động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng.

Hai cụm công trình ở góc đường Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng là một điểm nhấn đô thị hiện đại của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hai cụm công trình ở góc đường Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng là một điểm nhấn đô thị hiện đại của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Các mô hình phát triển đô thị mới

Thời gian qua, công tác quy hoạch luôn có sự đi đầu, đi trước một bước và có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 đã định hướng phát triển đô thị Đà Nẵng đa cực với nhiều nút nén được tích hợp hiệu quả với mạng lưới giao thông và các điểm trung chuyển kết nối thành phố. Dựa trên các đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, thành phố được cấu trúc thành 3 vùng đô thị đặc trưng, gồm: vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh và vùng sườn đồi.

Đồng thời, xác lập vùng sinh thái làm yếu tố quyết định chính đối với ranh giới đô thị hóa, quy định quản lý với các nguyên tắc để phát huy tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển bền vững, tiến tới một thành phố sinh thái và đáng sống... Mô hình đô thị được chuyển đổi từ phát triển dàn trải, đơn cực, sử dụng đất đơn năng, thành đô thị nén, phát triển đa cực, đa trung tâm; sử dụng đất đa năng với các mô hình đô thị nén, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị sân bay, đô thị cảng biển, đô thị đại học... Đồ án cũng đặt ra chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng khung về sân bay, cảng biển, đường sắt, đường thủy, đường bộ hoàn chỉnh, đồng bộ...

Thành phố đã xác định các dự án ưu tiên để triển khai cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung, đặc biệt là các dự án theo lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đầu mối và các dự án sử dụng đa dạng nguồn vốn (trung ương, địa phương, xã hội hóa) để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, thành phố đang triển khai cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung này với hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm, đầu mục công việc cụ thể và lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, như Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030; đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030; đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030... Cùng với đó, triển khai lập 19 quy hoạch phân khu đô thị và phân khu chức năng, như: phân khu ven sông Hàn và bờ đông, phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang, phân khu sân bay, phân khu ven ịnh Đà Nẵng, phân khu công nghệ cao...

Phân khu đô thị ven sông Hàn và bờ đông được định hướng phát triển là trung tâm đô thị của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phân khu đô thị ven sông Hàn và bờ đông được định hướng phát triển là trung tâm đô thị của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trung tâm đô thị của thành phố Đà Nẵng

Đồ án Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông (tỷ lệ 1/2.000) được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 11-2023 với những định hướng mới trong tái cấu trúc đô thị, xứng tầm là trung tâm đô thị của thành phố Đà Nẵng. Phân khu đô thị này có tổng diện tích 6.675ha với ranh giới giáp bán đảo Sơn Trà, Biển Đông và tỉnh Quảng Nam về phía bắc, đông, nam; còn phía tây giáp trục đường Lê Độ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Võ Chí Công, sông Cổ Cò (nhánh phía tây khu vực Đồng Nò), bao gồm hơn 30 phường thuộc một phần các quận Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và toàn bộ quận Sơn Trà (trừ bán đảo Sơn Trà).

Phân khu này có tính chất là khu trung tâm đô thị, trung tâm hành chính -
chính trị thành phố; cửa ngõ du lịch ven sông, ven biển của thành phố; trung tâm tài chính khu vực; trung tâm hội nghị, hội thảo (MICE) quốc gia, quốc tế; trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm văn hóa và thể thao, trung tâm y tế của thành phố.

Một trong những nét nổi bật của đồ án quy hoạch phân khu đô thị này là các điểm nhấn đô thị. Theo đó, khu thương mại trung tâm (CBD) được xác định ở khu vực bao quanh bởi các trục đường lớn như: Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, Vương Thừa Vũ và Chính Hữu (quy hoạch) với định hướng chuyển đổi khu công nghiệp Đà Nẵng (An Đồn) để tái phát triển đô thị và hình thành CBD mới, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Hai tổ hợp công trình cao tầng cuối đường Phạm Văn Đồng giao với tuyến cảnh quan ven biển (góc đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp) là điểm nhấn kiến trúc, điểm nhận diện cũng như một điểm nút quan trọng trên tuyến cảnh quan du lịch ven biển dọc bờ đông.

Khu phức hợp trung tâm tài chính, khu vui chơi giải trí, căn hộ cao cấp (cao tầng) dọc đường Võ Văn Kiệt và góc đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp là điểm nhấn mang tính chất như một biểu tượng của thành phố. Các công trình, tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cao cấp tạo điểm nhấn trong không gian mở ven sông Hàn, nổi bật là các công trình hành chính - chính trị, nhà hát, bảo tàng, thư viện,... cấp vùng, cấp thành phố; tổ hợp pháo hoa quốc tế với các công trình thương mại dịch vụ cao tầng; công viên châu Á với một công trình hỗn hợp giải trí có thể nghiên cứu cao đến 70 tầng.

Thêm một nét nổi bật trong quy hoạch phân khu này là hệ thống không gian mở với sự kết hợp giữa các không gian mặt nước (sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, Biển Đông, vịnh Đà Nẵng,...) với các hành lang xanh dọc theo các dòng sông chính và các công viên lớn (công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, công viên Thanh Niên, công viên châu Á, công viên hai đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi, công viên APEC, công viên chuyên đề tại khu vực đài phát sóng An Hải, công viên chuyên đề tại khu đô thị vịnh Thuận Phước, công viên chuyên đề phía nam bán đảo Sơn Trà...).

Các không gian mở của các công trình công cộng - dịch vụ kết nối với sông và biển tạo thành một không gian tự nhiên hài hòa, sinh thái. Trong đó, không gian cảnh quan dọc sông Hàn là không gian mở chính của khu vực trung tâm, kết nối các khu trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, du lịch dọc bờ sông và được nâng cấp, cải tạo, bố trí thêm hành lang xanh, các không gian công cộng, tổ chức chiếu sáng nghệ thuật,... để phát huy lợi thế của dòng sông.

Không gian Quảng trường trung tâm thành phố Đà Nẵng (khu vực Thành Điện Hải, Trung tâm Hành chính thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng và tiếp cận ra sông Hàn) được quy hoạch để đầu tư, cải tạo, nâng cấp xứng tầm là không gian mở quan trọng, gắn với các giá trị lịch sử và đương đại, chính trị và văn hóa, gắn với giá trị của thiên nhiên là dòng sông Hàn; là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa chính trị của thành phố, phục vụ nhu cầu thường nhật của người dân về vui chơi giải trí và khuyến khích người dân tìm hiểu lịch sử thành phố. Các không gian mở như công viên 29 Tháng 3, quảng trường 29 Tháng 3, các quảng trường biển, công viên tại các trung tâm CBD,... cũng được cải tạo, nâng cấp để phục vụ người dân và là điểm đến quan trọng.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong kỳ vọng, trong thời gian đến, Đà Nẵng sẽ có những thay đổi đáng kể. Chất lượng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị của thành phố sẽ được nâng cao hơn nữa và mục tiêu cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị hiện hữu sẽ được thực hiện thành công. Thành phố sẽ khắc phục các điểm nghẽn trong phát triển, tạo lập, khơi thông các nguồn lực mới cho đô thị phù hợp quy định và tình hình mới. Đồng thời, thúc đẩy sự hình thành và phát triển mới các mô hình đô thị bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn ở đô thị; nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng với những rủi ro của thiên tai...

Huy động 800.000 tỷ đồng đầu tư phát triển
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 xác định mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là trung tâm du lịch quốc tế gắn với trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu nói trên, thành phố sẽ huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch thông qua việc huy động vốn đầu tư phát triển dự kiến khoảng 800.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, trong đó có nhiều dự án đang được huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư.

HOÀNG HIỆP

.