Kinh tế

Mở rộng hợp tác đầu tư công nghệ thông tin

10:46, 10/06/2024 (GMT+7)

ĐNO - Sáng 10-6, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng phối hợp Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng tổ chức diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam khu vực miền Trung.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. 

Phát biểu khai mạc, ông Kang Boo Sung, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng cho biết, diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT (công nghệ thông tin - truyền thông) Hàn Quốc - Việt Nam được chuẩn bị nhằm tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam, cũng như giúp tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp ICT của hai nước.

Khu vực miền Trung Việt Nam là nơi mà các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc hiện đang hoạt động tích cực, tập trung ở Đà Nẵng và cũng là nơi có các trường đại học đào tạo bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu, trong đó có Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU).

Ông Kang Boo Sung hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam và mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp ICT của hai nước sẽ trở nên tích cực hơn.

Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục tích cực trao đổi với chính quyền các địa phương Việt Nam nhằm hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc và nỗ lực mở rộng hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại diễn đàn
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại diễn đàn

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thông tin, Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm thu hút đầu tư của Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc có số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất tại thành phố với 279 dự án và giữ vững vị thế top 5 về tổng vốn đầu tư của các quốc gia đầu tư vào Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư là 382 triệu USD.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh tập trung phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Mở rộng không gian phát triển cho thành phố nhằm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Nhằm hướng đến hoàn thành các mục tiêu và triển khai các hoạt động hiệu quả, thành phố đã và đang đề ra và xây dựng các nhóm chính sách, giải pháp, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư.

Về cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, công viên phần mềm để các doanh nghiệp ICT triển khai dự án tại thành phố.

Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistic hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về ICT, vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, Đà Nẵng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành CNTT. Tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm ngành CNTT và các ngành gần lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa…) là khoảng 5700 sinh viên.

Đồng thời, các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế uy tín (đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc) để nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực lĩnh vực ICT, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thành phố đã tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội trong lĩnh vực CNTT, vi mạch, trí tuệ nhân tạo.

Được biết, diễn đàn nhằm thông tin tới hơn 40 doanh nghiệp ICT Hàn Quốc những thông tin về môi trường đầu tư ICT khu vực miền Trung; chia sẻ triển vọng dầu tư của các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc tại khu vực miền Trung Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn đàn sẽ có phiên giao thương 1:1 giữa các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc và Việt Nam, qua đó tăng cường cơ hội kết nối, hợp tác đầu tư

MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG

.