Kinh tế
Tín hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp
Tháng 5-2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố tăng trưởng so với tháng trước và cùng kỳ. Qua ghi nhận, nhiều doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất có tín hiệu tích cực hơn so với các tháng trước đây.
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước tiếp tục duy trì ổn định sản xuất với lượng đơn hàng ký kết đến hết năm 2024. Ảnh: MAI QUẾ |
Đơn hàng ổn định
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy bao bì công nghiệp, thùng carton và hộp màu, Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) có lượng đơn hàng ổn định đến hết năm 2024. Doanh thu 5 tháng đầu năm 2024 của công ty đạt khoảng 167 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và đạt 44% kế hoạch doanh thu năm (380 tỷ đồng); sản lượng hàng hóa sản xuất 5 tháng là 12.000 tấn sản phẩm.
Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc công ty thông tin, quý 1-2024 là lần đầu tiên công ty tăng trưởng doanh thu so với quý trước vì mọi năm đây là thời điểm Tết nên sản xuất không liên tục. Nguyên nhân doanh thu tăng do lượng đơn hàng ổn định cũng như công ty tăng cường tuyển dụng lao động nên vẫn kịp sản xuất để đáp ứng cho đối tác. Hiện công ty hoàn thành đầu tư gần 30 tỷ đồng cho 2 máy in offset, hướng tới đạt các tiêu chuẩn G7 và GMI - hệ thống tiêu chuẩn hóa mà các thương hiệu sử dụng để đánh giá chất lượng và tính nhất quán của các sản phẩm in ấn. Sau khi đầu tư máy móc, các sản phẩm của công ty đạt chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Dự kiến thời gian tới, công ty sẽ đầu tư khoảng 15 tỷ đồng cho chi phí phần mềm để vận hàng tự động hóa các máy móc mới, qua đó nâng cao năng suất và hướng tới các thị trường cao cấp như Mỹ và châu Âu. Ông Thống đánh giá tình hình sản xuất ngành giấy và bao bì nhìn chung tương đối tích cực, chỉ ảnh hưởng do giá nguyên liệu giấy đầu vào tăng gần 20% trong 2 tháng nay. Tuy vậy, vì lượng đơn hàng ổn định nên công ty tăng sản xuất để bù vào chi phí nguyên liệu.
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu) hoàn thành đầu tư số máy móc, phương tiện có giá trị 70 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Ông Lâm Phùng Út, Giám đốc điều hành công ty cho hay, việc hiện đại hóa máy móc thiết bị giúp công ty giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân của nhà máy hiện tại, dự kiến nâng công suất sản xuất các chi tiết linh kiện, phụ kiện lắp ráp ô-tô, mô-tô, lắp ráp máy móc thiết bị khoảng 3.000 tấn/năm; đồng thời tạo điều kiện thu hút nguồn lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác cùng phát triển. Hiện công ty đã có lượng đơn hàng đến tháng 9-2024 tại các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế…
Trong khi đó, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước tiếp tục duy trì ổn định sản xuất với lượng đơn hàng ký kết đến hết năm 2024. Quý 1-2024, doanh thu của công ty đạt 647,2 tỷ đồng, tăng 156 tỷ đồng tương ứng tăng 32% so với cùng kỳ. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, xuất khẩu tôm sang các thị trường có dấu hiệu phục hồi vì lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu đã giảm nên nhu cầu nhập khẩu bắt đầu trở lại. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí nguyên liệu vẫn còn cao nên dù sản lượng xuất khẩu ổn định nhưng lợi nhuận giảm.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q |
Nhiều ngành sản xuất tăng trưởng
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng của Cục Thống kê thành phố, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5-2024 ước tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Một số ngành hàng tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 như: sản xuất sản phẩm từ cao su tăng 35,9%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 32,2%; sản xuất đồ uống tăng 27,8%; dệt tăng 24,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,6%... Ước 5 tháng 2024, chỉ số IIP tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3/4 nhóm ngành cấp 1 tăng trưởng dương, gồm: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 15,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,7%.
Với vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao là dệt tăng 41,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,7%; sản xuất đồ uống tăng 24,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,2%... Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao, đóng góp chính cho mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp như: cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại tăng 118,5%; vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên tăng 81,9%; thịt cá đông lạnh tăng 38%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,1% so với cùng kỳ, trong đó, các nhóm ngành đạt mức tiêu thụ cao là: sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 206,5%; dệt tăng 58,5%; sản xuất đồ uống tăng 29,4%...
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nhiều doanh nghiệp ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong thời gian đến góp phần thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đây cũng là một trong những tín hiệu khả quan giúp ngành công nghiệp khôi phục lại năng lực sản xuất sau thời gian dài. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thúc đẩy sản xuất công nghiệp, sở đã tham mưu UBND thành phố về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu phụ trợ phục vụ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; hoàn thiện phương án quản lý, vận hành và khai thác, cũng như triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư kinh doanh tại Cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Thành phố đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu đối với Khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2, dự kiến phê duyệt để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong quý 2, quý 3-2024. Hiện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng (9 Cách Mạng Tháng Tám, quận Cẩm Lệ) tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đến hết ngày 14-6.
MAI QUẾ