Kinh tế
Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi
Ngành nông nghiệp thành phố cùng các địa phương đang tích cực phối hợp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi, bảo đảm tình hình tăng trưởng của đàn vật nuôi sau khi tái đàn và hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học.
Khu vực chuồng trại được các hộ chăn nuôi vệ sinh kỹ càng, thực hiện tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. TRONG ẢNH: Ông Huỳnh Văn Huynh, thôn 5, xã Hòa Ninh đang chuẩn bị vệ sinh chuồng trại. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Đầu tháng 8-2024, đàn heo của gia đình ông Nguyễn Văn Năm (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Sau khi phát hiện, ông Năm đã nhanh chóng báo cáo địa phương và ngành nông nghiệp huyện thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, kết quả phát hiện đàn heo dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi. Chính quyền địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số heo trong đàn. Đối với khu vực đàn heo bị nhiễm bệnh, ông được cán bộ thú y hướng dẫn các biện pháp xử lý, tiêu độc khử trùng để bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường xung quanh. Trong khi đó, sau nhiều năm chăn nuôi heo, gia đình ông Huỳnh Văn Huynh (thôn 5, xã Hòa Ninh) lần đầu tiên chịu thiệt hại từ dịch bệnh này. Để xử lý mầm bệnh và bảo đảm an toàn khi tái đàn sau này, ông Huynh thường xuyên chủ động rải vôi bột, phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực xung quanh chuồng nuôi và bên ngoài trại với tần suất 3-4 lần/tuần.
Theo UBND huyện Hòa Vang, công tác giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe đàn heo của các hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã, đặc biệt các hộ chăn nuôi tại vùng xuất hiện dịch đang được siết chặt. UBND huyện đã công bố vùng có dịch tả heo châu Phi. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang khuyến cáo, các hộ chăn nuôi cần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như tăng cường sức đề kháng của heo bằng dinh dưỡng, tiêm chủng ngừa đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết, khử trùng cơ sở chăn nuôi…Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp để khôi phục vùng sản xuất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, địa phương sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có heo phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức 38.000 đồng/kg. Các trường hợp hộ nghèo, hộ đơn thân, hộ có hoàn cảnh khó khăn, địa phương sẽ có những chính sách khác kèm theo để hỗ trợ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu phi. Sở đã cấp cho UBND huyện Hòa Vang 3 tấn hóa chất Benkocid để hỗ trợ huyện tổ chức tiêu độc, khử trùng. Đề nghị UBND huyện Hòa Vang huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh; tổ chức xử lý tiêu hủy số heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết tại các hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác heo chết ra môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về dịch bệnh và nguy cơ lây lan trên diện rộng; hướng dẫn người dân tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi…
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, tình hình dịch trên đàn heo cơ bản được khống chế; UBND huyện Hòa Vang đang tổng hợp hồ sơ, đề xuất hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ. Sở sẽ kiểm tra hồ sơ trình của huyện để trình cấp thẩm quyền xử lý, đồng thời, chỉ đạo Chi cục Nông nghiệp xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức nuôi tái đàn, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học... ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và UBND huyện công bố hết dịch tả heo châu Phi.
VĂN HOÀNG