Kinh tế
Nuôi chồn hương phát triển kinh tế
Nhận thấy mô hình nuôi chồn hương sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) ra mắt tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương tại khu dân cư (KDC) số 2, giúp 6 hộ thành viên tham gia có cơ hội chuyển đổi ngành nghề, tạo thu nhập ổn định.
Được biết, tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương dựa trên cơ sở nuôi chồn hương của anh Nguyễn Văn Hiếu (SN 1994, phường Hòa Hiệp Bắc). Từ đầu tháng 7, Hội Nông dân phường nắm bắt ý tưởng, khảo sát nhu cầu các thành viên và ra mắt tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương. Theo bà Trương Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Nông dân phường, tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương hoạt động theo quy chế, nguyên tắc tự nguyện, tự quản, cùng lao động, cùng giúp đỡ, cùng có lợi ích chung. Cụ thể, các thành viên vừa hỗ trợ trong kỹ thuật chăn nuôi, liên kết tiêu thụ chồn giống vừa tăng cường trồng nhiều loại cây tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho vật nuôi như chuối, đu đủ... nhằm giảm tối đa chi phí. Đồng thời, tuyên truyền vận động các hội viên nông dân có nhu cầu chăn nuôi cùng tham gia mô hình để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.
Là tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương, anh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, 4 năm trước, anh bén duyên nuôi chồn hương với gia tài ban đầu 5 con. Đến nay, cơ sở của anh tăng lên 20 con với không gian nuôi 80m2. Theo anh Hiếu, chồn hương sinh sản là loài dễ nuôi, cho lợi nhuận cao bởi ít tốn công chăm sóc, ít bệnh tật, không đòi hỏi kỹ thuật, chỉ mất chi phí mua con giống, làm chuồng trại nhưng người nuôi phải kiên trì, đam mê. Thức ăn yêu thích vật nuôi này là chuối và các loại rau nấu chín nên rất dễ tìm kiếm. Vòng đời sinh sản chồn cái khoảng 8 tháng, chồn đực 18-24 tháng. Nếu nuôi thuận lợi mỗi năm chồn sinh sản khoảng 2 lứa, mỗi lứa trung bình 3 con.
Mỗi năm, anh xuất bán hàng trăm con, giá bán theo cặp dao đồng 6-7 triệu đồng tùy lớn nhỏ, ước tính trừ các chi phí sẽ cho lãi khoảng 150-200 triệu đồng. “Là người có kinh nghiệm nuôi chồn nên tôi được Hội Nông dân phường giao nhiệm vụ tổ trưởng và chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các hộ chăm sóc chồn bởi đa số các thành viên tham gia tổ hợp tác là người mới, chưa rõ cách nuôi cũng như chăm sóc. Tôi mong rằng, trong tương lai tổ hợp tác nuôi chồn hương sẽ giúp các hộ thành viên vừa nâng cao tay nghề vừa nâng cao thu nhập”, anh Hiếu chia sẻ.
Ông Lê Công Hải (SN 1970, phường Hòa Hiệp Bắc), hội viên tham gia tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương cho hay: “Sau quá trình tìm hiểu về chồn hương, tôi nhận thấy nó là loài lành tính, dễ nuôi, dễ chăm sóc, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay thời tiết nên quyết tâm tham gia tổ hợp tác. Tôi đầu tư nuôi 16 con, nếu nuôi tốt thì vài năm sau sẽ cho lợi nhuận cao, cải thiện kinh tế gia đình. Hơn hết, có sự hỗ trợ, đồng hành của Hội Nông dân quận, phường cũng như những chia sẻ hữu ích từ tổ trưởng, tôi tin tổ hợp tác sẽ thành công”.
Nói về tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương, ông Lê Duy Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân quận Liên Chiểu cho biết, ban đầu, một hộ dân trên địa bàn nuôi chồn rồi lan tỏa đến nhiều hộ nuôi thử và thấy hiệu quả nên mở rộng, tăng con giống, quy mô nuôi. Trong điều kiện quận Liên Chiểu không còn đất sản xuất nhưng nhận thấy mô hình nuôi chồn rất tiềm năng. Vì vậy, việc ra mắt tổ hợp tác là cần thiết nhằm liên kết các hộ nuôi cùng hợp tác, chia sẻ với mục tiêu mở rộng quy mô chăn nuôi, thu hút nhiều hội viên tham gia, tăng thu nhập. Hiện tổ hợp tác có phương án chăn nuôi tại địa điểm mới và đang chờ thủ tục các cấp duyệt và khi đủ điều kiện, hội tiến hành thành lập hợp tác xã. Tuy nhiên, tổ hợp tác chăn nuôi chồn hương còn vướng vài thủ tục về chăn nuôi động vật hoang dã và rất cần các ban, ngành hỗ trợ, hướng dẫn để tổ hợp tác nuôi chồn hương sớm đi vào ổn định.
Có thể nói, lợi ích kinh tế cao, theo hướng lâu dài, ngành chăn nuôi chồn hương sẽ mở ra mô hình phát triển chăn nuôi mới trên địa bàn và tạo nhiều ý tưởng khởi nghiệp trong tương lai.
HUỲNH VŨ