Kinh tế

Đà Nẵng với cơ hội phát triển ngành vi mạch bán dẫn - Bài 2: Nhân lực, chìa khóa mở cửa ngành bán dẫn

07:39, 29/08/2024 (GMT+7)

Công nghiệp vi mạch bán dẫn gồm nhiều công đoạn với mức đầu tư và thời gian hoàn thành khác nhau, tuy nhiên, ở công đoạn nào thì nhân lực luôn là yếu tố tiên quyết, là chìa khóa mở cửa ngành công nghiệp có khả năng mang lại nguồn thu lớn. Xác định rõ vấn đề trên, chính quyền thành phố Đà Nẵng và các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng (DSAC) và Trung tâm đào tạo vi mạch của Đại học Phenikaa (PSTC) trao biên bản ghi nhớ hợp tác vào tháng 5-2024. Ảnh: M.QUẾ
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng (DSAC) và Trung tâm đào tạo vi mạch của Đại học Phenikaa (PSTC) trao biên bản ghi nhớ hợp tác vào tháng 5-2024. Ảnh: M.QUẾ

“3 nhà” bắt tay

Kết thúc khóa học hơn 2 tháng về chuyển đổi kỹ sư ngành gần sang lĩnh vực thiết kế vi mạch vào ngày 17-6 vừa qua, Lê Thanh Tâm, sinh viên lớp 20DTCLC2, Khoa Điện tử - Viễn thông, chuyên ngành Điện tử, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nắm được các kỹ năng sử dụng các công cụ hỗ trợ thiết kế phác thảo của Xilinx và Altera; thiết kế mô hình phần cứng Control Path, Data Path, Flow FSM; thiết kế mạch kỹ thuật số (RTL) cho các phòng thí nghiệm; phác thảo được mã vận hành (Op-code)…

Tâm cho biết, khóa học được giảng dạy bởi 6 kỹ sư nhiều năm kinh nghiệm đến từ Công ty TNHH Giải pháp Acronics, qua đó trang bị cho sinh viên phương pháp thiết kế các vi mạch trên công nghệ MPSoC - FPGA. Các nội dung học tập trung phân tích sâu về mô hình hoạt động các thuật toán và giải thuật để thiết kế một vi mạch. Bên cạnh đó, phòng học đầy đủ thiết bị, cài đặt sẵn phần mềm trên máy tính cùng với thái độ tận tâm của đội ngũ kỹ sư giảng dạy giúp em và các bạn sinh viên khác có thêm nhiều kiến thức, đáp ứng nhu cầu ứng dụng thực tế.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Vy Rin, Trưởng môn Kỹ thuật phần mềm, Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Đại học FPT Đà Nẵng, là 1 trong 25 học viên tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn vi mạch bán dẫn đầu tiên của thành phố khởi động vào ngày 26-3. Theo đó, các học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học gồm: Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Đại học Duy Tân và Đại học FPT.

Thạc sĩ Nguyễn Vy Rin cho biết, anh được đào tạo 6 tháng, trong đó 3 tháng học lý thuyết và 3 tháng làm theo dự án với 4 mô-đun: thiết kế mạch có mật độ tích hợp cao (VLSI design); thiết kế số và ngôn ngữ mô tả phần cứng (SystemVerilog/Verilog/VHDL); thực thi mạch tích hợp số cơ bản; thiết kế mạch tương tự cơ bản. Trong thời gian học, các học viên luôn nhận được sự quan tâm của UBND thành phố, đội ngũ giảng dạy là các giảng viên của Viện Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội, các kỹ sư của Công ty TNHH Synopsys Việt Nam, qua đó tạo điều kiện cho học viên tiếp cận các công nghệ mới để áp dụng vào đào tạo thời gian tới.

Các khóa học trên là kết quả của liên kết “3 nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp. Theo đó, các biên bản ghi nhớ giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Viện Công nghệ thông tin, Đại học quốc gia Hà Nội (tháng 6-2024); Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) với Tập đoàn Synopsys International Limited về hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn, Tập đoàn Intel về hợp tác triển khai chương trình Intel® cho nguồn nhân lực tương lai tại thành phố Đà Nẵng (tháng 1-2024)… được cụ thể hóa. Đến nay, thành phố đã triển khai 3 khóa chuyển đổi kỹ sư ngành gần sang lĩnh vực thiết kế vi mạch với 39 sinh viên, đồng thời kết hợp bồi dưỡng cho 43 giảng viên.

Để công tác phối hợp ngày càng hiệu quả, ngày 4-5-2024, Liên minh đào tạo DSAC và 5 trường đại học lớn trên địa bàn thành phố ký kết hợp tác với Đại học Phenikaa (Hà Nội) và Công ty TNHH Synopsys Việt Nam để thành lập liên minh đào tạo VASA Việt Nam. Liên minh VASA chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng thực tế theo nhu cầu thị trường trong cả 2 lĩnh vực quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế vi mạch và đóng gói, kiểm thử. Qua đó, giúp người học nâng cao kỹ năng trình độ, cũng như tối đa hóa khả năng áp dụng kiến thức được học vào thực tế công việc. Mục tiêu của liên minh là tới năm 2030 sẽ đào tạo 8.000 kỹ sư thiết kế chip có chứng chỉ quốc tế và 12.000 kỹ sư, kỹ thuật viên bậc cao làm việc trong các nhà máy đóng gói, kiểm thử. Ngoài hợp tác với các cơ sở giáo dục trong nước, thành phố đã và đang làm việc với các trường đại học quốc tế có kinh nghiệm cung cấp nhân lực chất lượng cao như Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ), Đại học Khoa học kỹ thuật Minh Tân tại Đài Loan (Trung Quốc)…

Đầu tháng 8 vừa qua, Đại học bang Arizona (ASU) hợp tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thành phố Đà Nẵng triển khai chương trình đào tạo giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch bán dẫn và cấp giấy chứng nhận giảng viên đủ tiêu chuẩn bởi ASU. Đây là chương trình được tài trợ bởi Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang triển khai tại 6 quốc gia. Chương trình dự kiến bắt đầu từ tháng 9-2024 gồm 3 mô-đun: học trực tuyến về đóng gói kiểm thử bán dẫn trong 80 giờ; thực hành thiết kế chương trình đào tạo đóng gói, kiểm thử; triển khai thực tế tại các trường đại học với sự hỗ trợ thường xuyên của ASU và đối tác ITSI cũng như Trung tâm DSAC. Ngay trong quý 4-2024, thành phố sẽ tuyển chọn các giảng viên xuất sắc nhất để cử tham gia khóa bồi dưỡng giảng viên với đơn vị hợp tác của Tập đoàn Synopsys tại Đài Loan (Trung Quốc).

Đào tạo nhân lực chất lượng cao

Đà Nẵng hiện có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành CNTT và các ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 5.700 sinh viên, trong đó trình độ đại học, cao đẳng chiếm gần 80%. Hiện 3 trường thành viên Đại học Đà Nẵng là VKU, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới kỹ sư thiết kế vi mạch từ tháng 8-2024 với 170 chỉ tiêu/năm.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường VKU, thông tin từ năm 2020, VKU đề xuất đưa đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn vào dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Đây là một hạng mục trọng điểm giai đoạn 2022-2026, nhờ đó, đến tháng 11-2023, VKU là trường đại học đầu tiên tại miền Trung - Tây Nguyên hoàn thành thủ tục mở ngành, tuyển sinh đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch. Bên cạnh ngành học trên, nhà trường có nhiều ngành gần bán dẫn như: kỹ thuật máy tính, hệ thống nhúng và Internet vạn vật (IoT), CNTT... Điểm tuyển sinh đầu vào của các ngành trên rất cao (trên 25 điểm), kết hợp với môi trường làm việc, nghiên cứu và học tập tại VKU, sinh viên tốt nghiệp các ngành trên đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, cho biết chuyên ngành mới vi điện tử - thiết kế vi mạch được đào tạo trong thời gian 4,5 năm, số lượng tín chỉ là 151, chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025 là 60 sinh viên. Chương trình học tập trung vào thiết kế vi mạch, cung cấp kiến thức cho toàn bộ khâu thiết kế, bao gồm cả thiết kế vi mạch số và vi mạch tương tự cũng như thiết kế vật lý và có đủ thời lượng để làm các dự án.

Ngoài ra, chương trình cũng giảng dạy một số kiến thức liên quan như IoT, trí tuệ nhân tạo. Đến nay, nhà trường đã ký kết với: 16 trường đại học trong và ngoài nước về hợp tác đào tạo, trao đổi chương trình học, phòng thí nghiệm sử dụng chung, trao đổi giảng viên và sinh viên theo chương trình ngắn hạn, cùng tổ chức hội thảo, hội nghị; 10 doanh nghiệp trong và ngoài nước về hợp tác xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ cơ sở vật chất như phòng thực hành, thí nghiệm…

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng Trường Khoa học máy tính, Trường Đại học Duy Tân (DTU), cho biết DTU tập trung phát triển các chương trình đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn và bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2024, hiện có gần 100 sinh viên đăng ký theo học chuyên ngành này. Song song với triển khai đào tạo trình độ đại học, trường quan tâm đến đào tạo ngắn hạn, đào tạo nâng cấp kỹ năng về thiết kế vi mạch cho sinh viên và đội ngũ cán bộ giảng viên các ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, điện - điện tử.

Chương trình đào tạo ngắn hạn này được triển khai từ sự phối hợp của DTU với Công ty CP Giáo dục quốc tế SunEdu và hỗ trợ của tập đoàn Cadence (Hoa Kỳ). Đối với đào tạo đội ngũ giảng viên, DTU đang hợp tác các đại học: Purdue (Hoa Kỳ), Chungbuk (Hàn Quốc) để gửi giảng viên theo học các chương trình sau đại học về thiết kế vi mạch bán dẫn.

Ngoài các cơ sở giáo dục, bản thân các doanh nghiệp cũng triển khai các giải pháp để tăng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Synopsys Nam Á cho biết, hiện Công ty TNHH Synopsys Việt Nam- chi nhánh Đà Nẵng có gần 300 nhân viên làm việc với mục tiêu 2 năm tiếp theo là 400 nhân viên. Chi nhánh Đà Nẵng thường xuyên có các chương trình trao đổi sinh viên kỹ thuật, hỗ trợ các chương trình đào tạo giảng viên, sinh viên cho các trường đại học… Song song, nhân viên công ty luôn được trau dồi các kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành vi mạch bán dẫn.

Trong khi đó, phát triển nhân lực cũng là mối quan tâm của Công ty TNHH điện tử Foxlink Đà Nẵng vì nhu cầu tương lai lên đến 5.000 người. Ông Lin Kofan, đại diện công ty cho biết, Đà Nẵng là trọng điểm phát triển trong tương lai mà Foxlink quy hoạch ở Đông Nam Á. Theo đó, nhà máy được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có vốn đầu tư ban đầu 28 triệu USD với yêu cầu về nhân lực là những kỹ sư có trình độ cao. Vì vậy, vào ngày 20-2-2024, Foxlink Đà Nẵng đã ký kết với Trường Đại học Đông Á để hợp tác đào tạo nhân lực lĩnh vực công nghệ cao.

MAI QUẾ

.