Kinh tế
Đánh giá chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
ĐNO - Chiều 23-8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp Sở Giao thông vận tải và Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (BQLDA) tổ chức hội thảo đánh giá chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng với sự tham dự của đại diện các cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia sẽ phản biện chất lượng hồ sơ đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng là dự án nhóm A, diện tích đất khá lớn, đi qua địa bàn quận Thanh Khê, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, thực hiện từ nhiều nguồn vốn.
Do vậy, công tác phản biện chất lượng hồ sơ đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án rất cần thiết, giúp cung cấp thêm các luận cứ, thông tin khách quan, giúp chủ đầu tư và đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ; đồng thời để cơ quan thẩm quyền có thêm cơ sở thẩm định, phê duyệt hồ sơ.
Hội thảo phản biện làm rõ các vấn đề về: sự cần thiết đầu tư và các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng; dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư xây dựng dự án cũng như nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên phục vụ dự án; phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp của dự án.
Các chuyên gia thảo luận dự kiến thời gian thực hiện dự án, đồng thời tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay và xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội cũng như đánh giá tác động của dự án.
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt báo cáo cuối kỳ tại hội thảo. Ảnh: THU HÀ |
Các ý kiến phản biện, góp ý xoay quanh các nội dung như: đơn vị tư vấn cần xem xét điều chỉnh lại thời gian; bổ sung căn cứ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; sự cần thiết đầu tư cần phải đánh giá được lợi thế của việc đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư), đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đối với thành phố, cộng đồng cư dân khu vực dự án di dời và khu vực đầu tư xây dựng mới của dự án.
Việc phản biện chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mang tính thực tế cao, có nội dung thiết thực, nhằm nâng cao tính khả thi, tạo điều kiện tốt nhất cho việc hiện thực hóa dự án, góp phần phát triển bền vững của Đà Nẵng.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, dự án di dời toàn bộ các hạng mục công trình của ga Đà Nẵng và tuyến đường sắt hiện tại trong trung tâm thành phố ra vị trí mới để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện có, bảo đảm nhu cầu vận tải của ngành đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi nghiên cứu tuyến đường sắt có điểm đầu Km 750+000 lý trình đường sắt Thống nhất (trước ga Lăng Cô); điểm cuối Km 806+000 lý trình đường sắt thống nhất (ranh giới thành phố, sau ga Lệ Trạch). Chiều dài tuyến khoảng 56km, gồm khu vực đèo Hải Vân và phạm vi qua thành phố Đà Nẵng gồm: 5 ga tránh tàu; 2 ga trung gian; 1 ga lập tàu.
Hiện trạng ga Đà Nẵng có 3 chức năng gồm: ga hàng, ga hành khách và ga tác nghiệp kỹ thuật. Đơn vị tư vấn đưa ra các phương án cho giải pháp thiết kế di dời ga đường sắt Đà Nẵng giai đoạn 1, giai đoạn 2…
THU HÀ