Kinh tế
Hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng mở rộng thị trường
Tại hội nghị “Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024” do UBND thành phố tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC)- Đà Nẵng năm 2024 diễn ra ngày 2-8, các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã cung cấp thông tin, trao đổi ý kiến, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác.
Các doanh nghiệp ký kết hợp tác tại hội nghị. Ảnh: V.H - M.Q |
Tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Một doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm thì trước tiên phải có năng lực cạnh tranh ở Việt Nam đủ tốt. Bên cạnh đó, cần nhanh nhạy, nắm bắt tốt các chính sách, hiệp định thương mại tự do để có chiến lược phù hợp; tận dụng cơ hội tham gia các triển lãm quốc gia và quốc tế để tăng cường cơ hội kết nối giao thương. Đà Nẵng có rất nhiều sản phẩm đã và đang khẳng định thương hiệu trong và ngoài nước như: nước mắm Nam Ô, chả bò, chả cá… Vì vậy, cần thiết có thêm các chương trình thúc đẩy các sản phẩm đặc trưng này có thêm nguồn lực để phát triển hơn.
Là đơn vị có thị trường xuất khẩu chiếm 70% nguồn doanh thu cũng như phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đề xuất Bộ Công Thương xây dựng hàng rào kỹ thuật từ cơ chế đến tính chất đặc thù của sản phẩm để hỗ trợ các doanh nghiệp thuần Việt xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam có ký kết hợp tác chiến lược toàn diện. Bộ Công Thương cũng cần kiểm soát hơn nữa việc cấp chứng nhận xuất xứ để hạn chế gian lận xuất xứ hoặc trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh với thương hiệu Việt.
Đồng hành doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Chủ tịch Hội cơ khí Đà Nẵng đề xuất thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, vốn đầu tư và các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Về đề xuất với Bộ Công Thương, ông Hòa mong muốn Bộ tiếp tục hỗ trợ các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp cơ khí, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ mới, xây dựng nhà máy thông minh.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho hay, để tạo ra bước chuyển biến mới, phát huy tối đa vị trí, vai trò quan trọng và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của mình, Đà Nẵng cần các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá. Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành với các địa phương nói chung và Đà Nẵng nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nội địa và thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của thành phố ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường kỳ vọng, dưới chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố, thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các địa phương, Thương vụ Việt Nam tại các nước tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan hữu quan để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục duy trì liên hệ, trao đổi, xúc tiến hơn nữa để những hoạt động kết nối đi đến hợp tác thật sự hiệu quả. Về phía thành phố tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn; thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước và kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.
MAI QUẾ - VĂN HOÀNG