Kinh tế

Ngành giao thông với các phương án, kịch bản phòng, chống thiên tai năm 2024

08:26, 02/08/2024 (GMT+7)

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, trong mùa bão năm 2024 có 10-13 cơn bão hoạt động trên Biển Đông và 2-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng. Ðể chủ động ứng phó với tình hình thời tiết ngày càng phức tạp, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý triển khai duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật giao thông.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng về triển khai công tác ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão năm nay, ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT (ảnh), cho biết:

- Với tinh thần không chủ quan, xem nhẹ, chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông do thiên tai gây ra, Sở GTVT đã xây dựng và tích cực triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Cụ thể, các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của từng cơ quan, đơn vị tiếp tục được kiện toàn tổ chức; quán triệt và thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) phù hợp với năng lực từng đơn vị; thành lập các đội xung kích, chủ động xây dựng phương án phòng, chống và đối phó với thiên tai phù hợp.

Ngành giao thông cũng yêu cầu các ban quản lý dự án, các đơn vị thi công công trình hạ tầng giao thông bảo đảm an toàn trong mọi tình huống thiên tai đột xuất, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản trên công trình đang thi công; triển khai dứt điểm các hạng mục công trình dưới nước trước mùa mưa lũ và tổ chức nghiệm thu những phần việc, hạng mục đã thi công hoàn thành và dở dang để làm cơ sở đánh giá ảnh hưởng của bão, lũ đến công trình sau này.

Các đơn vị chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống, thực hiện chế độ trực ban nghiêm ngặt trong mùa lụt, bão; có kế hoạch cụ thể về lực lượng và phương tiện để ứng cứu; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết và diễn biến của bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động triển khai phương án phòng, chống thiên tai của đơn vị mình. Đặc biệt, dự phòng vật tư, vật liệu, thiết bị, phương tiện (nhất là đối với các công trình trọng yếu) để kịp thời ứng cứu, xử lý khi có sự cố xảy ra. Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tập kết sẵn các vật tư cần thiết trong các bãi chứa của đơn vị để chủ động trong công tác triển khai, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông đối với các công trình đường bộ đang khai thác. Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng dự phòng sẵn các vật tư phục vụ xử lý sự cố hệ thống đèn tín hiệu.

* Ngành giao thông đã xây dựng các kịch bản và phương án chống và ứng phó trong thời gian xảy ra thiên tai cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Dựa vào đặc điểm của thiên tai, địa hình và thực tế đã xảy ra, đơn vị xây dựng 7 kịch bản về thiên tai của thành phố Đà Nẵng, từ kịch bản bão và bão mạnh đến bão rất mạnh và siêu bão (có gió từ cấp 12 trở lên). Bên cạnh đó là lũ, phân loại lũ theo các mức lũ tại sông Cẩm Lệ đạt mức báo động III; trên báo động III + 1m; trên báo động III + 1,5m và trên báo động III + 2m. Ngoài ra là lũ quét, sạt lở đất; khi xuất hiện mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Đặc biệt là kịch bản vỡ hồ chứa nước; sóng thần; mưa lớn gây ngập lụt đô thị sẽ được thực hiện theo các kế hoạch về ứng phó thảm họa thiên tai của thành phố Đà Nẵng và phương án phòng, chống thiên tai của ngành giao thông.

Khu vực bán đảo Sơn Trà bị sạt lở do mưa lớn ngày 14-10-2023. Ảnh: THÀNH LÂN
Khu vực bán đảo Sơn Trà bị sạt lở do mưa lớn ngày 14-10-2023. Ảnh: THÀNH LÂN

Để chủ động và chuẩn bị tốt nhất trong công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, ngành tổ chức cuộc họp để phân công, rà soát công việc (trước 24 giờ kể từ khi dự kiến có thiên tai xảy ra). Cụ thể, khi thiên tai xảy ra, các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở, nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đường thủy nội địa phải thường trực 24/24 giờ để theo dõi sát diễn biến tình hình. Các đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị bảo trì đường bộ có trách nhiệm cung cấp cụ thể các tổ, đội thi công khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác; tập trung lực lượng, phương tiện, thiết lập hệ thống thông tin chỉ huy, theo dõi sát diễn biến của thiên tai, lụt, bão để chủ động triển khai kịp thời các phương án phòng, chống thiên tai... Đồng thời, căn cứ vào mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng của thiên tai, lụt, bão, điều kiện địa hình và tình hình thực tế để lựa chọn, áp dụng các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời và bảo đảm các yêu cầu sau: cứu người, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân; tiến hành điều động, trưng dụng nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị dự phòng khi nhận được yêu cầu của UBND thành phố, Ban chỉ huy PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự thành phố. Các đơn vị tích cực gia cố, sửa chữa ngay tại chỗ các vị trí, khu vực công trình đường bộ xảy ra sự cố để làm giảm nhẹ thiệt hại lụt, bão gây ra… Các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ, tín hiệu giao thông, đường thủy nội địa theo phân cấp chuẩn bị sẵn sàng việc điều động nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị dự phòng của đơn vị được giao quản lý để chống thiên tai, nhất là bảo đảm giao thông trên một số tuyến cầu, đường trên địa bàn.

* Cảm ơn ông!

THÀNH LÂN thực hiện

.