Kinh tế

Lãi suất tiết kiệm chuyển động trái chiều tại nhiều ngân hàng

09:05, 19/08/2024 (GMT+7)

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang ghi nhận nhiều biến động trái chiều.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) mới đây đã điều chỉnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Tại kỳ hạn 4 - 5 tháng, lãi suất tiền gửi được nâng thêm 0,2%/năm, lên mức 3,9 - 4%/năm; kỳ hạn 7 - 10 tháng tăng lên 5%/năm, cao hơn 0,3% so với trước. Các kỳ hạn 10 và 11 tháng lần lượt tăng 0,4% và 0,3%/năm, đưa lãi suất lên 5,1%/năm.

Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của VietBank cũng tăng thêm 0,3%/năm, đạt 5,6%/năm và kỳ hạn 15 tháng tăng nhẹ 0,1%/năm, lên 5,7%/năm.

Cùng xu hướng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm với một số thay đổi. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 1 - 2 tháng theo đó được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm, lên mức 3,15%/năm, phản ánh nhu cầu thu hút dòng vốn ngắn hạn từ khách hàng của Techcombank.

Đối với các kỳ hạn dài hơn, Techcombank vẫn giữ nguyên mức lãi suất tiết kiệm hiện hành, cao nhất lên tới 5,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiệm Phát lộc online.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng tham gia vào cuộc điều chỉnh lãi suất này như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)...

Trong số này, Sacombank có tới 2 lần tăng lãi suất ngay trong đầu tháng 8 với mức tăng lần lượt là 0,3 và 0,4%/năm cho mỗi đợt. Lãi suất huy động cao nhất của Sacombank hiện áp dụng ở kỳ hạn 24 - 36 tháng là 5,7%/năm.

Các ngân hàng còn lại có bước tăng phổ biến từ 0,2 - 0,4%/năm tùy từng kỳ hạn.

Đáng chú ý, trong xu hướng tăng này còn ghi nhận sự tham gia của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Lãi suất tiền gửi tại Agribank kỳ hạn 1 - 2 tháng được nâng thêm 0,1%/năm, lên 1,7%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng nhẹ lên 2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên của Agribank cũng được nâng lên 4,8%/năm từ mức 4,7%/năm trước đó.

Trong khi nhiều ngân hàng lựa chọn tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lại đi theo hướng ngược lại khi công bố biểu lãi suất mới với mức giảm tại một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng của OCB giảm từ 5,8%/năm xuống còn 5,6%/năm, trong khi kỳ hạn 36 tháng cũng được điều chỉnh giảm tương tự xuống 5,8%/năm.

Ngoài OCB, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng đã có những điều chỉnh giảm lãi suất. SeABank giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 9 tháng giảm còn 3,95%/năm và kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 4,5%/năm. ABBANK cũng thực hiện giảm lãi suất đầu vào từ 0,2 - 0,3%/năm tại hầu hết các kỳ hạn tiền gửi online, với mức lãi suất kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 4%/năm và kỳ hạn 6 tháng giảm xuống 5,3%/năm.

Mặc dù có những điều chỉnh trái chiều nhưng theo giới chuyên gia, xu hướng chung vẫn là lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất về khoảng 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất cho vay đầu ra được dự báo sẽ giữ nguyên, khi các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cùng quan điểm về xu hướng tăng của lãi suất huy động trong nửa cuối năm nay nhưng với lãi suất cho vay, ông cho rằng cũng sẽ có điều chỉnh tăng theo lãi suất huy động.

Theo ông Hiếu, việc lãi suất tăng là dấu hiệu của sự sôi động kinh tế, khi cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều gia tăng nhu cầu vay vốn. Điều này thúc đẩy các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động nhằm thu hút thêm tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn từ khách hàng.

"Việc tăng lãi suất là một giải pháp để thu hút dòng tiền mới, đảm bảo thanh khoản, nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí vay vốn, vì các ngân hàng cần duy trì biên độ lợi nhuận từ 3 - 4%", vị chuyên gia nhận định.

Theo TTXVN

.