Kinh tế
Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch biển
Là địa phương phát triển du lịch gắn với các sản phẩm du lịch biển, vì vậy, thành phố luôn chú trọng triển khai nâng cấp tiện ích công cộng và dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.
Vệt bãi biển phía đông thành phố được đầu tư nhiều tiện ích, dịch vụ phục vụ du lịch. Ảnh: N.P |
Cuối tháng 9-2024, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Công viên, Câu lạc bộ thể thao biển và bãi tắm Sơn Thủy (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) với tổng mức đầu tư hơn 34,6 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2024-2026 nhằm đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao, tắm biển của người dân; đồng thời phục vụ hoạt động, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao về thể thao biển.
Có niềm đam mê và thường xuyên trải nghiệm các hoạt động dịch vụ tại các bãi biển, anh Nguyễn Như Hiền (quận Cẩm Lệ) cho rằng: “Bãi biển Sơn Thủy là một trong những bãi tắm đẹp và tiềm năng với bãi cát trắng mịn, nước trong xanh. Tuy vậy, bãi biển này lại chưa được nhiều du khách biết đến vì chưa có nhiều tiện ích, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Hy vọng trong thời gian đến địa điểm này sẽ phát triển hơn để xứng đáng với lợi thế vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng”.
Với đề án “Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thành phố đang triển khai nhiều dự án nhằm đồng bộ hạ tầng cảnh quan, góp phần chỉnh trang đô thị, tạo điểm nhấn cảnh quan trên các tuyến đường trọng điểm về du lịch biển. Trong đó, nổi bật là 2 dự án “Đầu tư cải tạo cảnh quan, tạo một số điểm nhấn khu vực vỉa hè và bãi cát tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa” và “Đầu tư, bổ sung cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan, tiện ích công cộng phục vụ quản lý, khai thác du lịch ven biển tuyến đường Nguyễn Tất Thành”.
Hiện nay, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (ban quản lý) là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý toàn bộ các hoạt động tại các bãi biển của thành phố. Thời gian qua, ban quản lý triển khai thực hiện đồng bộ trong công tác quy hoạch, quản lý, bố trí sắp xếp dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và tiện ích công cộng. Cụ thể duy trì thường xuyên việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tiện ích công cộng, trồng cây xanh tạo thảm xanh ven biển, bố trí và sắp xếp lại các đơn vị kinh doanh dịch vụ, nâng cấp thường xuyên các tiện ích dịch vụ công cộng và các hoạt động dịch vụ tại bãi biển…
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại bãi biển được yêu cầu sửa chữa, trang trí lại khu vực kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ chuẩn chuyên nghiệp, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Ban quản lý còn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nội quy quy định, quảng bá các sản phẩm du lịch thông qua các kênh truyền thông mạng xã hội.
Đặc biệt, ban quản lý cùng các địa phương, đơn vị liên quan chú trọng bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch nhằm hướng đến xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường, đô thị văn minh, hiện đại và có môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Trong đó, đối với công tác cứu nạn tại bãi biển, các trạm cứu hộ được làm mới, trang bị thêm các phương tiện như cano, ván lướt cứu hộ, hệ thống phao giới hạn an toàn; hai đường dây nóng đặt cố định tại hai trạm điều hành ở hai tuyến biển là Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và tuyến Nguyễn Tất Thành, bố trí nhân viên trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân và du khách.
Các sản phẩm dịch vụ du lịch biển Đà Nẵng đáp ứng nhu cầu của người dân, khách du lịch. TRONG ẢNH: Hội thi Cứu hộ biển quốc tế Đà Nẵng 2024 nhằm nâng cao khả năng xử lý tình huống khi du khách tắm biển. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Ngoài việc tăng cường công tác giám sát đơn vị dọn vệ sinh bãi biển, ban quản lý còn thường xuyên kêu gọi cộng đồng chung tay làm sạch, đẹp bãi biển; nâng cao nhận thức của người dân và du khách đối với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh ven biển; tổ chức các hoạt động dọn vệ sinh theo chủ đề, lồng ghép tuyên truyền trong các sự kiện được tổ chức tại bãi biển…
Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng ban quản lý nhìn nhận, đến nay, các sản phẩm dịch vụ du lịch biển Đà Nẵng về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của người dân, khách du lịch và được đánh giá rất tốt ở một số tiêu chí như môi trường sạch đẹp, mức độ an ninh, an toàn cao, cơ sở hạ tầng, tiện ích bảo đảm.
Trong thời gian đến, ban quản lý tiếp tục triển khai đồng bộ các kế hoạch nhằm bảo đảm hạ tầng, kỹ thuật tại các bãi biển cũng như điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Trong đó, chú trọng công tác triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư dự án Công viên biển Mỹ An và đề án Phát triển du lịch cộng đồng Mân Thái - Thọ Quang, thiết kế cảnh quan, nâng cấp hạ tầng hai tuyến biển; bổ sung và xây lắp thêm các thiết bị tập thể dục, các trò chơi trẻ em và các thiết bị điện, điện chiếu sáng trang trí nghệ thuật, âm thanh cho các công trình điểm nhấn và cảnh quan. Theo đó sẽ hướng đến việc hình thành thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng “an toàn - văn minh - hấp dẫn” thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm.
TRẦN TRÚC