Kinh tế
Gấp rút sửa chữa hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đẩy nhanh các thủ tục để triển khai sửa chữa mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự kiến hoàn thành trong tháng 11-2024; đồng thời lực lượng chức năng cũng đang tập trung các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.
Đơn vị quản lý triển khai sửa chữa mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Cuối tháng 6 vừa qua, VEC và các nhà thầu đã xác định được trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan, làm cơ sở pháp lý để VEC xây dựng kế hoạch khắc phục hư hỏng mặt đường trong giai đoạn trước. Theo đó, VEC đã có văn bản yêu cầu Trung tâm khai thác vận hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc phát hiện và kịp thời khắc phục hư hỏng công trình. Đến nay, trung tâm đã xử lý xong 13 vị trí và đang tiếp tục rà soát, thực hiện các điểm hư hỏng phát sinh. Được biết, kế hoạch bảo trì năm 2024, VEC sẽ bố trí 31,2 tỷ đồng cho công tác sửa chữa đột xuất đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đối với một số vị trí bong bật, hằn lún ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, VEC đã chỉ đạo, đôn đốc huy động thiết bị, nhân lực khắc phục xong toàn bộ trước ngày 30-9.
Theo tìm hiểu, hiện nay lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi trung bình khoảng 6.000 xe/ngày đêm. Trong đó, xe tải chiếm trên 51% (xe tải nặng loại 4, 5 trục chiếm trên 32%), lớn hơn nhiều so với các tuyến đường cao tốc khác của VEC từ 10-20%. Việc xe tải nặng lưu thông thường xuyên (có thể có xe quá tải) đã ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường, gây hằn lún vệt bánh xe.
Trong quá trình khai thác, Trung tâm khai thác vận hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc VEC) thường xuyên rà soát, thống kê các vị trí hư hỏng trên tuyến; phát hiện một số điểm bong bật, rạn nứt, hằn lún và đã nhanh chóng khắc phục tại những vị trí khẩn cấp. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để chưa thể thực hiện do một số nhà thầu xây lắp có liên quan đang trong quá trình xét xử của tòa án dẫn đến việc tồn tại các điểm bong bật, hằn lún. Vì vậy, đối với các vị trí còn lại, VEC đã thành lập đoàn, tổ chức tổng kiểm tra, rà soát và thực hiện kế hoạch khắc phục sửa chữa nhằm bảo đảm chất lượng khai thác trong thời gian tới.
Theo VEC, đơn vị đã và đang nỗ lực đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà thầu để triển khai gói thầu sửa chữa mặt đường với giá trị 15 tỷ đồng. Thời gian thực hiện khắc phục sửa chữa tình trạng mặt đường bắt đầu từ tháng 10-2024 và dự kiến hoàn thành trong tháng 11-2024. Ngoài ra, để kiểm soát tình trạng xe quá tải đi vào tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, VEC đã triển khai kế hoạch bố trí hệ thống cân kiểm soát tải trọng xe tại các điểm vào đường cao tốc, dự kiến đưa vào vận hành trong quý 1-2025.
Về phương án bảo đảm an toàn giao thông, ngày 27-9, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ cao tốc số 5 - phòng 6 (Cục CSGT - Bộ Công an) đã tổ chức ký cam kết với hàng trăm tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải về việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Thiếu tá Lê Xuân Thưởng, Đội trưởng Đội 5 - Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (Cục CSGT) cho hay, thời gian qua, lực lượng CSGT cùng với các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên tuyến. Cụ thể, qua tuần tra kiểm soát, đơn vị đã phát hiện trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có 1.329 trường hợp phương tiện vi phạm, lập 1.411 biên bản vi phạm hành chính; tổng tiền phạt trên 5,3 tỷ đồng. Đồng thời, tước giấy phép lái xe 585 trường hợp, tạm giữ phương tiện 72 trường hợp. Một số hành vi vi phạm chính như vượt quá tốc độ 468 trường hợp; lái xe có nồng độ ma túy 11 trường hợp; lái xe vi phạm nồng độ cồn 12 trường hợp; phương tiện chở vượt quá số người quy định 41 trường hợp.
Để kéo giảm tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cục CSGT đã chỉ đạo Đội CSGT đường bộ cao tốc tiếp tục tăng cường thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát dọc tuyến; tổ chức theo dõi, giám sát, ghi hình, tốc độ xe lưu thông dọc tuyến để ghi nhận lại các hình ảnh, hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn như lấn làn, vượt ẩu, chạy quá tốc độ...
Các đơn vị tăng cường các giải pháp, xử lý mạnh về nồng độ cồn, ma túy, các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, các vụ tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc này, để kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu cao nhất những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người, gây thiệt hại lớn về tài sản...
PHƯƠNG UYÊN