Kinh tế

Nông dân Hòa Vang xây dựng nông thôn mới

07:53, 23/10/2024 (GMT+7)

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm, hiến đất mở đường, xây dựng công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường… là những đóng góp tích cực của nông dân huyện Hòa Vang trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nông dân xã Hòa Tiến phối hợp các hội, đoàn thể địa phương livestream bán hàng quảng bá nông sản địa phương trên mạng xã hội. Ảnh: H.L
Nông dân xã Hòa Tiến phối hợp các hội, đoàn thể địa phương livestream bán hàng quảng bá nông sản địa phương trên mạng xã hội. Ảnh: H.L

Cánh đồng Dương Sơn, xã Hòa Tiến được người dân tích cực trồng sen, súng kết hợp nuôi ốc bươu đen trên diện tích hơn 5.000m2. Đây là diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, được nông dân khai hoang, cải tạo nhằm mang lại nguồn lợi kinh tế cũng như xóa điểm nóng ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Trinh, nông dân thôn Dương Sơn cho biết, ông cùng người dân trong thôn bỏ ra 2 tháng cải tạo và góp vốn gần 120 triệu đồng triển khai xuống giống sen, súng, ốc bươu. Cách đây 3 tháng, cánh đồng sen, súng cho vụ hoa đầu tiên. “Chúng tôi vừa bán hoa, bán hạt cho người dân có nhu cầu và tiếp tục xuống giống cho vụ hoa mới. Hiện ốc bươu cũng đã cho thu hoạch khá thường xuyên nên mọi người rất phấn khởi”, ông Trinh chia sẻ.

Cánh đồng thôn Dương Sơn là một trong những điểm sáng khai hoang đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ngoài thu lợi từ sen, súng, ốc bươu, một số hộ dân đang tính đến việc mở rộng mô hình trồng rau sạch nhằm tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, cho hay năm 2023, xã đầu tư xây dựng 11 tuyến kênh tổng chiều dài 3.232m và 2.276m đường giao thông nội đồng, 9 tuyến mương thoát nước… để hỗ trợ người nông dân tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Theo bà Tâm, hiệu quả của nông thôn mới chính là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì thế, thời gian qua, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng giá trị mặt hàng nông sản.

Tương tự, nông dân xã Hòa Phú tích cực tham gia thực hiện mô hình “Thôn thông minh trong việc tang” nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình văn hóa và cải thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Theo đó, khi gia đình có người mất, sẽ được người thân thực hiện tang lễ theo nguyên tắc “4 không”, gồm không rượu bia; không hạt dưa, thuốc lá; không thuê dàn nhạc; không rải, đốt vàng mã. Ngoài ra, không để thi thể người quá cố quá 48 giờ, chôn cất trong nghĩa trang hoặc tiến hành hỏa táng.

Thời gian qua, phong trào “Nông dân xây dựng nông thôn mới” được Hội Nông dân huyện Hòa Vang triển khai thực hiện gắn với đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, chương trình “Thành phố 4 an”.

Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, các cấp hội nông dân trên địa bàn bám sát kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”. Đồng thời, phối hợp chính quyền, mặt trận, đoàn thể tuyên truyền, khuyến khích nông dân tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, sử dụng và bảo quản công trình.

Đơn cử năm 2023, qua phong trào “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, Hội Nông dân huyện vận động hội viên hiến 12.000m2 đất, tham gia 2.557 ngày công trị giá hơn 2,3 tỷ đồng, chưa kể mỗi chi hội xây dựng và quản lý một tuyến đường giao thông nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp... Qua đó, phong trào xây dựng nông thôn mới được hội viên nông dân hưởng ứng tích cực, thể hiện vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng, phát triển Hòa Vang thành đô thị loại IV.

Đến nay, huyện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí của thành phố, gồm Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong và 22 thôn được công nhận “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”. Theo bà Vân, hiện mỗi năm, mỗi cơ sở hội phấn đấu thực hiện mới một mô hình về môi trường. Mỗi chi hội thực hiện 1km đường văn minh, trồng cây xanh gắn với bảo vệ môi trường.

“Thời gian đến, Hội Nông dân huyện tập trung chỉ đạo các cấp hội tăng cường vận động hội viên, nông dân tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khôi phục diện tích đất bỏ hoang đưa vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đất nông nghiệp, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, qua đó phấn đấu xây dựng Hòa Vang trở thành đô thị sinh thái giàu bản sắc”, bà Vân cho biết.

HUỲNH LÊ

.