Kinh tế

Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp cơ khí

07:32, 09/11/2024 (GMT+7)

Trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, công nghiệp cơ khí đóng vai trò quan trọng cho phát triển công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Bên cạnh nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, thời gian qua, thành phố có những chính sách hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp cơ khí.

Sở Công Thương phối hợp Tập đoàn Samsung thực hiện Chương trình hợp tác triển khai dự án tư vấn phát triển nhà máy thông minh tại Đà Nẵng năm 2024 cho 3 doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Đại diện Sở Công Thương,  Tập đoàn Samsung và Công ty TNHH Minh Thịnh Lợi ký kết hợp tác triển khai dự án. Ảnh: MAI QUẾ
Sở Công Thương phối hợp Tập đoàn Samsung thực hiện Chương trình hợp tác triển khai dự án tư vấn phát triển nhà máy thông minh tại Đà Nẵng năm 2024 cho 3 doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Đại diện Sở Công Thương, Tập đoàn Samsung và Công ty TNHH Minh Thịnh Lợi ký kết hợp tác triển khai dự án. Ảnh: MAI QUẾ

Nỗ lực đổi mới công nghệ

Hoạt động từ năm 2007, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Minh Thịnh Lợi (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là một trong những doanh nghiệp cơ khí hiện đại của thành phố trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu và sản xuất sản phẩm nhựa trong ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện các sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha…

Ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Giám đốc công ty cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế và tăng khả năng liên kết với các đối tác toàn cầu, công ty mới đầu tư nhiều thiết bị tân tiến như các khuôn có độ bóng cao với tốc độ 40.000 vòng; cùng với đó là những máy móc có kích thước lớn để sản xuất những khuôn lớn, áp dụng công nghệ tự động chạy xuyên đêm phục vụ cho việc sản xuất được thuận lợi, nhanh chóng. Những công nghệ này giúp giảm thiểu sai sót và nâng cao độ chính xác trong từng khâu sản xuất, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến hoàn thiện sản phẩm.

Tín hiệu tích cực là giữa tháng 10- 2024, công ty là một trong 3 doanh nghiệp được Sở Công Thương hỗ trợ thực hiện Chương trình hợp tác triển khai dự án tư vấn phát triển nhà máy thông minh tại Đà Nẵng với sự đồng hành của Tập đoàn Samsung. Qua đó, công ty kỳ vọng sẽ cải thiện phương thức quản lý nhân lực và chất lượng nhân lực.

Trong khi đó, Công ty TNHH Châu Đà là một trong số ít các doanh nghiệp cơ khí sớm được Sở Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (năm 2016). Công ty sản xuất gia công các sản phẩm cơ khí chính xác, cấu kiện, chế tạo sản phẩm máy móc cơ khí phục vụ sản xuất cho nhiều công ty lớn trên địa bàn thành phố cũng như trong nước như Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam, Công ty TNHH Thaco Trường Hải… bên cạnh đó là xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ông Tô Tấn Trung Dũng, Giám đốc công ty cho hay, để bắt kịp các yêu cầu về đổi mới công nghệ, hầu hết các công việc của công ty đã được tự động hóa bằng máy gia công công nghệ cao (CNC). Các công việc trước đây như lấy vật liệu (phôi), tiện, phay…. đều phải thực hiện bằng tay, thì hiện nay được máy tự động thực hiện một cách chính xác theo chương trình đã được lập trình. Tuy vậy, công ty đang thuê nhà xưởng với diện tích nhỏ nên khó đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Công ty mong muốn sớm có quỹ đất phù hợp để ổn định sản xuất vì thuê nhà xưởng chỉ mang tính tạm thời.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Theo Sở Công Thương, toàn thành phố có khoảng 110 doanh nghiệp có khả năng tham gia vào sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp toàn thành phố. Các doanh nghiệp cơ khí có thể tạm phân loại: doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới có trung tâm gia công công nghệ cao như Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Minh Thịnh Lợi; doanh nghiệp chế tạo kết cấu công trình xây dựng như Công ty CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường, Công ty CP chế tạo kết cấu thép VNECO.SSM; doanh nghiệp kinh doanh và thầu xây lắp thiết bị điện tử, điện tử viễn thông như Công ty CP Thương mại - Dịch vụ và Nhập khẩu điện tử viễn thông Vina Toàn Lực, Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam…

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo máy, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn khá ít, với khoảng 52 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này phần lớn là doanh nghiệp trong nước, quy mô nhỏ. Giá trị tăng thêm của ngành cơ khí chế tạo (không bao gồm các ngành sản xuất lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải) chiếm 14,4% tổng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo thành phố, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí và chế tạo máy móc chỉ chiếm khoảng 1,9%.

Để phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung và doanh nghiệp cơ khí nói riêng, Sở Công Thương đã hỗ trợ 2 tỷ đồng cho 5 lượt doanh nghiệp và dự án theo Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 11-8-2016 của HĐND thành phố về quy định nội dung và mức kinh phí hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố và Nghị quyết số 206/2018/NQ-HĐND ngày 19-12-2018 của HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND.

Giai đoạn 2022-2023, sở thực hiện Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố về quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với nguồn lực được phân bổ hơn 4,2 tỷ đồng. Theo đó, sở hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, tham gia xúc tiến thương mại, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ… Các hoạt động nổi bật là sở tổ chức hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ, hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo, triển khai chương trình hợp tác tư vấn phát triển nhà máy thông minh năm 2023 cho 2 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, tháng 9 đến 12-2024, sở cùng Tập đoàn Samsung tích cực hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp: Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH Minh Thịnh Lợi và Công ty TNHH in Trùng Khoa phát triển nhà máy thông minh. Về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, sở đang hoàn thành rà soát, đánh giá, chấm điểm hồ sơ đăng ký đầu tư vào Cụm công nghiệp Cẩm Lệ để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả lựa chọn. Sở sẽ sớm hoàn thành để báo cáo quy định tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, Hòa Nhơn 1.

MAI QUẾ

.