Kinh tế

Xây dựng thành phố sự kiện, lễ hội: Hướng phát triển du lịch bền vững

07:55, 14/11/2024 (GMT+7)

Những năm gần đây, thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, giải trí lớn góp phần giới thiệu hình ảnh, con người Đà Nẵng đến du khách trong và ngoài nước. Song, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, thành phố cần mở rộng các sự kiện ở đa lĩnh vực nhằm hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm của các sự kiện, lễ hội mang tầm khu vực và quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị; qua đó tăng cường quảng bá du lịch địa phương trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến...

Không khí lễ hội giữa chốn mây ngàn tại Khu du lịch Bà Nà Hills sẵn sàng chào đón du khách dịp Tết Ất Tỵ và năm 2025. Ảnh: NGỌC HÀ
Không khí lễ hội giữa chốn mây ngàn tại Khu du lịch Bà Nà Hills sẵn sàng chào đón du khách dịp Tết Ất Tỵ và năm 2025. Ảnh: NGỌC HÀ

Lễ hội pháo hoa quốc tế năm 2008 đánh dấu khởi đầu cho hành trình xây dựng thương hiệu thành phố sự kiện - lễ hội, đến nay Đà Nẵng đã đăng cai và tổ chức thành công các sự kiện tầm cỡ quốc tế như cuộc thi dù bay quốc tế, cuộc thi đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016; Tuần lễ Cấp cao APEC 2017...

Việc tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện lớn đã giúp Đà Nẵng trở thành một trong những địa điểm được ưu tiên tổ chức những sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế trong những năm gần đây, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Đà Nẵng đến du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là định hướng của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ, đối với ngành văn hóa, năm 2023, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố. Với thành công của sự kiện, tháng 11, thành phố Đà Nẵng đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) về tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) giai đoạn 2025-2030; định hướng xây dựng DANAFF trở thành một sự kiện điện ảnh uy tín ở châu Á và thế giới, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế - xã hội thành phố và cả nước.

“Việc xây dựng DANAFF trở thành sự kiện thương hiệu phù hợp với định hướng và lộ trình phát triển của thành phố cũng như định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển của ngành điện ảnh. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới, chúng tôi tập trung xây dựng những cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các đoàn làm phim. Trước hết, thành phố sẽ hỗ trợ nhanh chóng thủ tục địa điểm quay; huy động các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở lưu trú và ẩm thực, các khu, điểm du lịch cùng góp sức để tạo nên một cơ chế đôi bên cùng có lợi. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng một số cơ chế ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp điện ảnh, hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá cho các đoàn làm phim; đẩy mạnh xúc tiến điểm đến Đà Nẵng tới các đoàn làm phim một cách đồng bộ, hiệu quả”, ông Hà Vỹ chia sẻ.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vitraco Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng đã hình thành 9 nhóm sản phẩm du lịch thu hút khách, trong đó có du lịch lễ hội/sự kiện; du lịch văn hóa - lịch sử, vui chơi giải trí. Đối với du lịch lễ hội, sự kiện, thành phố có khá nhiều sự kiện đặc sắc trong thời gian qua như lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2024, lễ hội bóng đá Việt Nam - Brazil năm 2024, lễ hội tận hưởng Đà Nẵng, Giải BRG Open Golf Championship Danang 2024…

Lễ hội tận hưởng Đà Nẵng năm 2024 tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước.  TRONG ẢNH: Nghệ thuật thả diều trong chuỗi sự kiện lễ hội tận hưởng Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ
Lễ hội tận hưởng Đà Nẵng năm 2024 tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Nghệ thuật thả diều trong chuỗi sự kiện lễ hội tận hưởng Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ

Tuy nhiên, để thúc đẩy quảng bá hình ảnh Đà Nẵng hơn nữa, ngoài sự kiện trình diễn, thành phố cần chú trọng đăng cai tổ chức các sự kiện lớn đa ngành nghề trong và ngoài nước.

“Thành phố Đà Nẵng là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên, có tiềm năng lớn về giáo dục, y tế, tài chính… Hằng năm, nhiều sự kiện, hội thảo lớn mang tầm quốc gia, quốc tế ở các lĩnh vực được các trường đại học, đơn vị chuyên ngành liên quan tổ chức tại thành phố. Đối tượng người tham dự là những chuyên gia, nhà nghiên cứu có điều kiện và sẵn sàng sử dụng, trải nghiệm các dịch vụ. Vì thế, trong xây dựng thương hiệu thành phố sự kiện, cần chú trọng đến sự kiện giáo dục, y tế, tài chính…”, ông Tùng nêu ý kiến.

Xây dựng thương hiệu thành phố sự kiện - lễ hội phải gắn liền với truyền thông, quảng bá nhằm tạo sự thu hút du khách trong và ngoài nước. Theo đó, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đề xuất thành phố chú trọng truyền thông điểm đến Đà Nẵng để góp phần phát triển du lịch.

Cụ thể, ngành thông tin và truyền thông cần xây dựng kho dữ liệu lịch sử, văn hóa, kiến trúc liên quan đến tên đường, tên danh nhân, địa điểm lịch sử (mã QR) theo các ngôn ngữ phổ biến; truyền thông sự kiện lễ hội văn hóa - thể thao - du lịch; truyền thông thương hiệu sản phẩm đặc trưng địa phương; khai thác nhiều hơn nguồn du học sinh Việt Nam để mở rộng kết nối và truyền thông cho Đà Nẵng trên thị trường quốc tế…

Đối với ngành văn hóa - giải trí, cần duy trì và mở rộng tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa - thể thao; rà soát thúc đẩy phát triển các trung tâm, tổ chức các trò vui chơi có thưởng…

NGỌC HÀ

.