Kinh tế
Tạo sức bật mới để Đà Nẵng phát triển
Trong Nghị quyết số 169/NQ-CP về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Tạo ra sức bật mới nhằm phát triển Đà Nẵng xứng đáng với vai trò là trung tâm và là đầu tàu, dẫn dắt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Nhiều dự án, khu đất được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang góp phần tăng trưởng giá trị xây dựng, thúc đẩy thị trường bất động sản và tăng nguồn thu ngân sách. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Để tạo sức bật mới đó, thành phố đã và đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực từ các dự án, khu đất; phát huy các tiềm năng, lợi thế, dư địa để phát triển; triển khai các quy hoạch và các công trình, dự án..., nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển.
Dư địa, động lực từ những dự án được tháo gỡ vướng mắc
Trong danh mục các nhiệm vụ, đề án triển khai chương trình hành động của Chính phủ có đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”. Thực tế, những năm qua, thành phố đã chủ động thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của mình và tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các dự án, khu đất trên địa bàn. Từ đó, hàng loạt dự án bất động sản, dịch vụ, thương mại... đang được triển khai thi công trên địa bàn thành phố. Các dự án này đã và đang tạo ra sự tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng, thúc đẩy thị trường bất động sản, đóng góp cho ngân sách thành phố...
Điều này càng khẳng định, các nguồn lực ở dự án, khu đất đang gặp khó khăn, vướng mắc là một dư địa phát triển quan trọng của thành phố. Việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc là nhằm khơi thông nguồn lực lớn này và tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ có chủ trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án để sớm khơi thông nguồn lực lớn và quan trọng này.
UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác nhằm triển khai, thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2-5-2024 của Bộ Chính trị về đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận của thanh tra, kiểm tra, bản án trên địa bàn một số tỉnh, thành phố” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong thông tin, từ kết quả tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư dự án, khu đất những năm gần đây, năm 2024 Sở Xây dựng đã triển khai thẩm định dự án và cấp phép xây dựng cho hơn 85 dự án với tổng mức đầu tư hơn 61.000 tỷ đồng.
Còn Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho rằng, thời gian qua, thành phố bám sát và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai cho đầu tư phát triển. Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo đó, quỹ đất phục vụ cho sản xuất công nghiệp, kết cấu hạ tầng, đô thị được mở rộng, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa và phát triển đô thị...
Thời gian đến, thành phố tiếp tục tập trung phổ biến và triển khai, thực hiện Luật Đất đai năm 2024 cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đã có hiệu lực thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND thành phố quy định chi tiết. Song song đó, thành phố tổ chức triển khai các chính sách đặc thù về đất đai theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy hoạch
Việc triển khai các dự án đầu tư công và tư theo quy hoạch, kế hoạch là giải pháp tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm, động lực. Nhiều dự án được thẩm định và cấp phép xây dựng trong năm 2024 có sự đóng góp của công tác lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch cũng như các đồ án điều chỉnh quy hoạch.
Theo ông Phùng Phú Phong, công tác quy hoạch có nhiều kết quả tích cực với việc hoàn thành 6 đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố đã phê duyệt 11 đồ án Quy hoạch phân khu, trong đó, hoàn thành lập và phê duyệt toàn bộ 9 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị; các đồ án Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được dự kiến hoàn tất phê duyệt vào cuối năm 2024. Các quy hoạch phân khu được phê duyệt giúp đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch chi tiết để triển khai nhiều dự án.
Trong Nghị quyết số 169/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu khẩn trương triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng kinh tế động lực miền Trung; xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị vệ tinh; tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tuân thủ các định hướng của quy hoạch vùng, hệ thống quy hoạch quốc gia; tổ chức, sắp xếp không gian các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp để bảo đảm phát triển nhanh, bền vững các ngành, lĩnh vực; kết nối liên vùng, liên ngành; có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình hợp lý; bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân. Cùng với đó, chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn; chuyển đổi khu bến Tiên Sa thành trung tâm du lịch - dịch vụ biển; tiếp tục mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cùng với các khu đô thị, dịch vụ vệ tinh trở thành tổ hợp khu đô thị - công nghệ cao sáng tạo, hiện đại, hạ tầng đồng bộ...
Chính phủ cũng chỉ đạo ưu tiên bố trí, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn ngân sách Trung ương để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các công trình, dự án đã được Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW đề ra và danh mục các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như khơi thông sông Cổ Cò; quy hoạch trung tâm nghề cá lớn (cảng cá Thọ Quang); đầu tư phát triển hạ tầng địa điểm tiềm năng trở thành khu du lịch quốc gia Sơn Trà; xây dựng cảng biển Liên Chiểu, khu đô thị Đại học Đà Nẵng; di dời ga đường sắt Đà Nẵng và phát triển đô thị; nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; phối hợp với tỉnh Quảng Nam mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế Nam Giang; mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa; mở rộng quốc lộ 14B, 14G và Hành lang kinh tế Đông Tây 2 (quốc lộ 14D)...
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thanh Tùng cho rằng, trước mắt, thành phố tập trung huy động nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư công và cũng coi đây như là nguồn vốn “mồi” để mời gọi, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chủ đầu tư khi triển khai các dự án trên địa bàn, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển thành phố.
HOÀNG HIỆP