Người Đà Nẵng

Gieo yêu thương…

14:00, 13/10/2017 (GMT+7)

ĐNO - Cậu bạn học nhắn tin: “Chiều ni sinh nhật ta, mời tụi bây đến quán Nhúng Ớt, đường Phạm Quang Ảnh, quận Sơn Trà. Thân”. Đã quen với những tin nhắn kiểu như vậy. Các buổi tiệc tùng đều hẹn đến quán nhậu. Vậy mà, khi bước vào quán, dòng chữ: “10.000 đồng từ hóa đơn của quý khách sẽ được gửi vào Quỹ Mổ tim cho trẻ em nghèo. Bên trên tường treo 2 tấm bảng nhỏ: Quỹ hạt gạo và Bếp cơm vạn tình”, tự nhiên lòng tôi ấm áp lạ.

Qua tìm hiểu, được biết chủ quán là chàng thanh niên sinh năm 1986 - Hồ Ngọc Thanh. Khi được hỏi, động lực nào giúp cho anh quyết tâm làm công việc này, Thanh nói đơn giản: “Vì sinh ra trong gia đình nghèo nên mình thấu hiểu nổi khổ cực của người nghèo”.

Thanh nói anh không thích chụp ảnh. Anh làm từ thiện vì tự thân anh muốn làm, không muốn ai biết hay mang ơn. Những tấm hình này đều là bạn bè anh chụp và lưu giữ.
Thanh nói, anh không thích chụp ảnh. Anh làm từ thiện vì tự thân anh muốn làm, không muốn ai biết hay mang ơn. Những tấm hình này đều là bạn bè anh chụp và lưu giữ. Ảnh: NVCC

Thanh bảo, anh không tham gia vào tổ chức hay nhóm thiện nguyện nào cả. Những trường hợp được anh giúp đỡ từ trước đến nay đều là tự anh đi tìm hoặc họ biết anh mà đến.

Như trường hợp anh giúp đỡ gần nhất là cụ bà 85 tuổi, nuôi hai con bệnh tật (người bị ung thư, người tâm thần) ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Anh xem tin tức về bà lúc trời đã chạng vạng. Hình ảnh người mẹ già run rẩy bón từng muỗng cơm cho con khiến anh xúc động. Vậy là, mặc cơn mưa rào vừa đổ, anh xách xe men theo dòng sông Thu Bồn tìm bà. Đến nơi thì trời đã tối thẫm. Bà cụ già vẫn đang cần mẫn thu hoạch giá trên sông. Đón vị khách không mời mà đến, bà cụ bối rối đảo mắt tìm chiếc ghế gỗ duy nhất trong nhà mời khách ngồi nhưng có lẽ, đứa con tâm thần đã ném đi đâu mất.

“Lúc đó, cầm đôi tay gầy guộc của bà, ngắm nhìn khuôn mặt mà năm tháng đã vẽ nên những đường nhăn nguệch ngoạc, tôi tự nhủ: liệu cuộc đời người phụ nữ này đã có được một ngày sung sướng? Sau khi biếu bà một ít tiền sinh hoạt, tôi hỏi bà liệu bà còn nguyện vọng gì nữa không? Bà bảo bà còn một cuốn sổ nợ 10 triệu đồng, bà vay từ năm ngoái để lợp lại mái tôn dột nát. Vậy là tôi cầm cuốn sổ đến tận nhà chủ nợ và trả dứt điểm cho bà”, Thanh nhớ lại.

Không phải đến bây giờ, khi doanh thu mỗi tháng hàng trăm triệu đồng, Thanh mới làm từ thiện. Chàng thanh niên này đã yêu thích hoạt động thiện nguyện từ khi anh chỉ có hai bàn tay trắng. Ngày trước, không có tiền mặt thì anh góp công.

Vì học nghề bếp, giỏi nấu nướng nên anh đăng ký đi theo phụ nấu cơm, nấu cháo cho các đoàn đến làm từ thiện tại bệnh viện, trung tâm bảo trợ trẻ em… Thanh nói với tôi, chính những chuyến đi, gặp gỡ những người dân, thấy họ vất vả ngày đêm mà cái đói, cái nghèo vẫn dai dẳng bám riết lấy họ; những cụ già ngồi co ro trước hiên nhà người lạ trong tiết trời lạnh cóng, dùng những manh áo mưa làm áo ấm; những đứa trẻ chỉ mặc manh áo mỏng, đi chân đất vẫn hồn nhiên chơi đùa giữa cái lạnh căm căm mà không biết da thịt mình đang tím tái, những ánh mắt trong veo, ngơ ngác ấy đã ám ảnh Thanh trên suốt con đường về, thôi thúc anh đến với hoạt động thiện nguyện nhiều hơn nữa.

a
Nụ cười của những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khiến Thanh càng tâm nguyện với công tác từ thiện. Ảnh: NVCC

Hiện tại, Thanh đang duy trì 3 loại quỹ: Quỹ hạt gạo, Quỹ mổ tim và Bếp cơm vạn tình. Quỹ hạt gạo phát 3 đợt gạo trong năm, mỗi đợt từ 2 đến 3 tấn, phát tại quán cho người nghèo hoặc đến các vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Nam.

Bếp cơm vạn tình nấu và phát cơm cho người nghèo vào ngày rằm và mồng một hằng tháng. Và Quỹ mổ tim hỗ trợ cho các em nhỏ ở Nam Trà My mắc bệnh tim mổ tim tại Bệnh viện Đà Nẵng hoặc Bệnh viện Phụ sản-Nhi, mỗi em từ 7 đến 10 triệu đồng.

Thanh bảo, công việc từ thiện như có "ma lực" hấp dẫn, khiến người ta càng làm càng mê. Những ngày đầu đến với công việc này, anh làm theo bản năng. Tức là, giúp đỡ cho người khó khăn cái trước mắt. Càng về sau, anh càng suy nghĩ phải hướng đến việc giúp đỡ bền vững hơn.

Như năm ngoái, trong một lần mang quần áo, gạo, vật dụng cần thiết lên hỗ trợ cho người dân ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), Thanh nhận thấy, cuộc sống người dân ở đây quá khó khăn mà chỉ phụ giúp về lương thực là không đủ.

“Một đêm ở nóc Măng Ổi (Nam Trà My), chúng tôi đã phần nào thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả của những học sinh và cô giáo ở đây. Họ không có đèn điện để sinh hoạt. Những ngày trời nắng nóng, học sinh ở lại bán trú trong cái nóng hầm hập. Giáo viên không có điện để cập nhật thông tin, soạn bài giảng điện tử. Tôi nghĩ không có điện thì không thể phát triển được. Vì vậy, tôi đã hỗ trợ 5 máy phát điện trị giá 30 triệu đồng/máy cho người dân các xã Tất Vinh, Trà Nam, Trà Tập…”.

Những chuyến đi đến các vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Nam đem lại cho Thanh nhiều cảm xúc. Anh đang ấp ủ dự án “Cơm có thịt” tại một điểm trường của huyện Nam Trà My. Với Thanh, anh không quan tâm đến những vấn đề to tát như khởi nghiệp hay địa vị xã hội, không thích đi du lịch và trải nghiệm như nhiều người trẻ hiện nay… Cuộc sống với anh đơn giản là mỗi ngày trôi qua, giúp đỡ được thêm một người.

Từ một chàng trai bước vào đời với hai bàn tay trắng, đến nay, sở hữu quán ăn với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, người ta vẫn thấy anh ở lại quán mỗi tối, kê những chiếc ghế gỗ làm giường. “Tôi đã sửa nhà được cho mẹ, xây mồ yên mả đẹp cho cha, tạo công ăn việc làm cho người thân trong gia đình… cơ bản là hoàn thành chữ hiếu. Giờ đây, tôi chỉ muốn đem lại một phần nhỏ niềm vui trong cuộc sống cho mọi người, đó cũng là niềm vui sống của tôi”, Thanh trải lòng.

QUỲNH TRANG

.