Ông Sáu Léo "cướp cơm Hà Bá"

.

ĐNO - Dáng người nhỏ với làn da đen sạm là hình ảnh ban đầu khi tiếp cận với người "cướp cơm Hà Bá" trên sông Cẩm Lệ suốt hàng chục năm qua.

Ông tên là Ngô Văn Léo, hay còn gọi là Sáu Léo (sinh năm 1963, trú tổ 2, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).

Ông Ngô Văn Léo trên chiếc thuyền nhỏ của mình dưới chân cầu Cẩm Lệ. Ảnh: QUỐC KHẢI
Ông Ngô Văn Léo trên chiếc thuyền nhỏ của mình dưới chân cầu Cẩm Lệ. Ảnh: QUỐC KHẢI

"Nghiệp vận vào thân"

Hơn 20 năm mưu sinh trên chiếc ghe nhỏ neo đậu trên sông Cẩm Lệ, ông Léo cùng gia đình đã gặp không biết bao nhiêu trường hợp tìm đến cái chết do buồn chuyện tình cảm, túng quẫn... Dù ngày nắng hay đêm mưa, ông cũng không ngần ngại dốc hết tốc lực, chèo chiếc ghe nhỏ ra giữa dòng nước xiết, cố gắng cứu vớt những người tìm đến cái chết. 

Chỉ tay vào những dòng ghi chép vội trong mảnh giấy nhỏ, ông Léo cho biết, vụ việc gần nhất mà ông tham gia cứu giúp là vào ngày 15-9-2017, lúc đồng hồ đã điểm 23 giờ 25 phút.

Đang thiu thiu ngủ trên chiếc thuyền neo đậu sát bờ sông, ông Léo nghe thấy tiếng động mạnh phát ra từ giữa lòng sông như thể có vật gì rơi nhanh từ phía trên cầu xuống dưới. Bằng linh tính và giác quan của một người gắn bó với sông nước, ông Léo cùng vợ là bà Huỳnh Thị Lới ngay lập tức chèo thuyền ra giữa sông để cứu người.

Lúc ấy là giữa đêm, nước chảy xiết, vợ chồng ông Léo, người giữ chèo, người căng mắt tìm kiếm “vật thể” vừa rơi xuống.

Sau gần 15 phút đảo quanh khu vực, phát hiện thấy mái tóc đen của người phụ nữ trồi lên mặt nước cùng bóng dáng một nam giới đang cố vùng vẫy, ông dặn vợ chèo hết tốc lực để mình nhảy xuống, bơi ra cứu người.

Vật lộn với nước xiết một hồi, ông ôm chặt người phụ nữ bằng một tay, tay kia kẹp sát mạn thuyền để theo vào bờ. Chưa đầy 15 phút sau, ông đã tiếp cận nam thanh niên kia để đưa họ vào bờ cấp cứu kịp thời.

Hỏi ra mới biết, hai nạn nhân được vợ chồng ông Léo cứu sống là một cặp tình nhân. Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 15-9, sau khi đi chơi cùng bạn, người nữ tên H.T.T.D (trú quận Cẩm Lệ) hẹn người nam H.V.T (trú huyện Hòa Vang) ra cầu Cẩm Lệ nói chuyện. Do khúc mắc trong tình cảm, D. nhảy xuống sông Cẩm Lệ tự vẫn, cùng lúc đó, T. cũng hoảng loạn lao theo để cứu D nhưng vì không biết bơi nên chới với trong dòng nước xiết.

“Lúc họ trấn tỉnh rồi, tui mới từ từ khuyên nhủ, nói rằng các con còn quá trẻ, đời còn dài phía trước, chuyện gì có thể giải quyết được thì mắc gì tìm đến cái chết”, ông Léo kể và cho biết phải khuyên nhủ hồi lâu họ mới bình tâm.

Trong một đêm hè giữa năm 2017, ông Léo cùng con trai đầu là anh Ngô Văn Phương cũng cứu được người phụ nữ trẻ đang mang thai bất ngờ nhảy xuống sông.

Dòng nước khi đó chảy khá mạnh, ông Léo bất chấp nguy hiểm, vươn mình bơi đến chỗ người này đang chấp chới để ôm vào bờ.

“Lúc tỉnh, chị này khóc ngon lành rồi trách sao lại cứu mình làm gì. Thật tình tui bối rối lắm, mà cũng quen rồi nên từ từ tìm cách khuyên nhủ để chị về nhà với người thân”, ông Léo nói.

Ông tâm sự, bao nhiêu năm gắn bó với khúc sông này, việc cứu người, vớt xác từ lâu đã trở thành cái nghiệp lúc nào không hay.

“Có nhiều bữa tui ngủ say quá chẳng biết chi, sáng ra mới hay tin có người tự tử gần khúc sông tui neo đậu. Rứa là mấy hôm sau cứ mất ăn mất ngủ, chẳng làm chi được vì day dứt mãi”, ông ngậm ngùi.

Cả gia đình cùng cứu người

Nhiều năm gắn bó dưới chân cầu sông Cẩm Lệ, "giành cơm" với Hà Bá, giật lại sự sống cho nhiều người từ tay thần chết, ông Léo không nhớ nổi đã cứu bao nhiêu người đuối nước, vớt bao nhiêu xác chết ở khúc sông này và chứng kiến biết bao gia đình đau khổ vì mất người thân.

Với ông, nghĩa tử là nghĩa tận, những thi thể ông vớt được trên khúc sông này nếu chưa được thân nhân đến nhận, ông Léo đều tự bỏ tiền túi để lo hương đèn, nhang khói cho họ.

Ông trời chẳng phụ lòng người, có trường hợp được ông cứu sống đã nhận ông làm “cha nuôi”, cũng có người trở thành đôi bạn tâm giao cùng hàn huyên, uống trà với ông dưới chân cầu ngày qua ngày.

Ít ai biết rằng, cả ba đời gia đình trước đây của ông Léo cũng đều ngược xuôi mưu sinh bên bến sông Cẩm Lệ và đều cứu được hàng chục mạng người trên khúc sông này. Trước năm 1975, ông theo cha chèo đò đưa người qua lại trên dòng sông Cẩm Lệ. Sau khi người cha qua đời, cả gia đình ông dựa vào chiếc ghe chở khách qua sông để kiếm sống.

Từ ngày có cây cầu Cẩm Lệ bắc qua sông, người đi đò cũng thưa dần rồi hết hẳn. Công việc ngày càng khó khăn, ông cải hoán đò thành thuyền du lịch. Tuy nhiên, chiếc thuyền hoạt động không được bao lâu thì phải dừng hẳn do thành phố có chủ trương kiểm soát chặt các tàu cải hoán thành tàu du lịch.

Không mưu sinh cùng chiếc thuyền du lịch nữa nhưng ngày qua ngày, ông vẫn cứ lui tới khu vực hai chiếc thuyền neo đậu để canh giữ tài sản của mình. “Tui ngủ trên ghe quen rồi, về nhà là ngủ không được, ngủ trên ghe có việc gì xảy ra thì còn xoay sở kịp”, ông Léo nói.

Hai chiếc thuyền của ông giờ đây không còn ngược xuôi nhiều trên dòng sông Cẩm Lệ, nhưng thi thoảng vẫn đưa khách ra dòng sông để thả hoa, phóng sinh, cầu siêu cho những người đã khuất.

“Ai thuê thì tui chở, ai trả tiền thì tui nhận, không đòi hỏi. Vụ việc mới nhất của cặp tình nhân vừa rồi cũng có người nhà đến tặng tiền mà tui không nhận, vì tui nghĩ mình làm điều thiện cũng là vừa giúp họ, vừa giúp cho mình. Tui còn gắn bó với dòng sông này chừng nào thì vẫn sẵn sàng cứu người chừng đó”, ông Léo vừa nở nụ cười nhân hậu vừa nói.

Như Báo Đà Nẵng đã đưa tin, chiều 28-11, Công an phường Khuê Trung đến trao giấy khen của Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho ông Ngô Văn Léo (sinh năm 1963, trú tổ 2 phường Khuê Trung) vì có hành động dũng cảm, cứu kịp thời đôi tình nhân nhảy cầu tự tử vào đêm 15-9.

“Không chỉ cứu người lúc bị nạn, từ nhiều năm nay, ông Léo còn tham gia tìm kiếm những người chết đuối, trôi sông trên địa bàn để bàn giao cho gia đình an táng”, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung Lê Công Đông cho hay.

QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.