Trở về với trái tim ấm

.

Xa quê hương khi mới 9 tuổi, đến nay đã 42 năm, nhưng suốt gần 20 năm qua dấu chân ông in khắp nơi trên mảnh đất quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, trong những chuyến hồi hương đầy ý nghĩa. Với ông, tình cảm, dòng máu quê hương không ngừng chảy trong huyết quản của mình…

Nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật y tế tại Đà Nẵng đã được thực hiện bởi Project TVD. Trong ảnh: Bác sĩ Đinh Anh Trí (thứ 3 từ phải qua) đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật y tế tại Đà Nẵng đã được thực hiện bởi Project TVD. Trong ảnh: Bác sĩ Đinh Anh Trí (thứ 3 từ phải qua) đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Gần một tuần qua, khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đón một người thầy hết sức đặc biệt nhưng không xa lạ. Ông tên là Đinh Anh Trí, bác sĩ hàng đầu về điều trị ung thư phụ khoa, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Mayo Clinic (thành phố Jacksonville, bang Florida, Mỹ).

Ông cũng chính là người khởi xướng “Chương trình đào tạo hợp tác quốc tế bác sĩ ung bướu-phụ khoa”, có sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế đầu ngành trong lĩnh vực này đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Canada. Đà Nẵng là thành phố duy nhất tại châu Á và là một trong 5 thành phố trên toàn thế giới cùng lúc được triển khai chương trình này trong vòng 2 năm tới. Những ca bệnh cụ thể sẽ được hội chẩn trực tuyến, thông qua việc kết nối với hệ thống 10 máy tính trên toàn cầu, được đặt ở các quốc gia có nền y tế phát triển.

Nói về dự án này, bác sĩ Đinh Anh Trí chia sẻ, ung thư hiện nay là một thách thức với y học thế giới. Việc chẩn đoán bệnh, tìm phương pháp điều trị ban đầu hết sức quan trọng đối với bệnh nhân, quyết định trực tiếp đến quá trình, thời gian và hiệu quả điều trị của họ.

Điều quan trọng nhất thông qua chương trình này đó là những bác sĩ, nhân viên y tế tại khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ có cơ hội trau dồi chuyên môn khi được trao đổi, làm việc với các bác sĩ có tay nghề cao của quốc tế.

“Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng có nhiều trang thiết bị hiện đại giống như nhiều bệnh viện trên thế giới nhưng tất cả vẫn chỉ là máy móc, phụ thuộc vào con người. Chúng ta phải không ngừng trau dồi, học hỏi, tiếp thu những tiến bộ của y học thì những trang thiết bị y tế mới phát huy đúng hiệu quả của nó”, bác sĩ Trí cho biết.

Bác sĩ Hoàng Thanh Hà (khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) cho biết, những chương trình đào tạo có sự tham gia hỗ trợ của các bác sĩ hàng đầu thế giới là hết sức cần thiết, giúp đội ngũ y, bác sĩ được tiếp cận với những tiến bộ mới trong y học; bởi trên thực tế tại nhiều cơ sở y tế trong cả nước, việc chẩn đoán ung thư vẫn còn nhiều sai sót. Điều này khiến quá trình điều trị ung thư của bệnh nhân trở nên khó khăn, không hiệu quả.

“Việc tìm ra phương pháp hội chẩn, điều trị bước đầu hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian, hiệu quả điều trị. Điều chúng tôi cần từ chương trình của bác sĩ Trí là cái nhìn chính xác, toàn diện khi tiếp cận một bệnh nhân ung thư. Nhìn nhận đúng bản chất của bệnh thì chắc chắn những bước điều trị tiếp theo sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều”, bác sĩ Hà cho biết.

Mỗi tháng, các bác sĩ tại khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung bướu sẽ phải trải qua kỳ thi kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, dưới sự giám sát, góp ý của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ung thư. Chương trình kết thúc sau khi các “học viên” trải qua kỳ “thực tập” kéo dài 3-6 tháng tại Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore (National University Hospital).

“Tôi muốn các bạn được tiếp cận, làm việc trong những môi trường y tế hiện đại của thế giới. Những gì các bạn tiếp thu được hy vọng sẽ trở nên thiết thực trong quá trình làm việc sau này, đặc biệt sẽ tốt hơn cho bệnh nhân. Bởi bác sĩ ở đâu cũng giống nhau cả, tất cả chúng ta đều vì bệnh nhân”, bác sĩ Trí trải lòng.

Những người “nuôi” di sản

Dù cố sắp xếp lại ký ức, bác sĩ Đinh Anh Trí vẫn không nhớ nổi đây là chương trình thứ mấy ông triển khai tại quê nhà, kể từ lần quay trở về đầu tiên vào năm 1999. “Tôi chỉ là người thừa kế, tiếp nối tâm nguyện, di sản của ba mình để lại”, ông nói.

Người mà bác sĩ Trí nhắc đến, không ai khác chính là cố giáo sư, bác sĩ Đinh Văn Tùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế Toàn khoa Đà Nẵng, tiền thân của Bệnh viện Đà Nẵng bây giờ. Năm 1975, bác sĩ Đinh Văn Tùng cùng gia đình sang Mỹ định cư, khi đó, người con của ông-bác sĩ Đinh Anh Trí chỉ mới 9 tuổi.

“Từ nhỏ tôi chỉ thích làm việc trong lĩnh vực khảo cổ học, nhưng rồi lớn lên tôi đã yêu hình ảnh ba và các anh mình khoác màu áo của bác sĩ lúc nào không hay. Đó cũng là lý do hôm nay tôi có mặt ở đây”, bác sĩ Đinh Anh Trí cười tươi chia sẻ.

Suốt một đời cống hiến cho y học, giáo sư Đinh Văn Tùng vẫn thường xuyên trăn trở, đau đáu với quê hương. Y học nước nhà kém phát triển, các y bác sĩ không có điều kiện tiếp cận những tiến bộ của y học thế giới, cuối cùng người bệnh vẫn chịu thiệt thòi. Đó cũng là lý do vào năm 1999, ông đứng ra vận động thành lập dự án bác sĩ tình nguyện - Project TVD, trở thành nơi kết nối những y, bác sĩ tại Mỹ và một số quốc gia khác, tham gia các chương trình đào tạo miễn phí, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực y khoa.

Trong thời gian giảng dạy tại Đại học Y khoa Texas (UTMB), giáo sư Tùng đã khuyến khích các đồng nghiệp đến thăm Việt Nam, Đà Nẵng để đưa kiến ​​thức mới giảng dạy cho các bác sĩ địa phương. Hoạt động đầu tiên của Project TVD gắn bó với Đà Nẵng bắt đầu từ năm 1999, khi đích thân ông cùng các giáo sư, bác sĩ tại Trường Đại học Y khoa Texas (UTMB) tổ chức khóa đào tạo, giảng dạy cho các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng. Với tâm huyết và uy tín suốt một đời cống hiến cho y học, Project TVD do ông sáng lập ngày càng thu hút đông đảo các bác sĩ có chuyên môn cao cùng tham gia.

Bác sĩ Đinh Anh Trí (phải) hướng dẫn một ca mổ ung thư buồng trứng tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ Đinh Anh Trí (phải) hướng dẫn một ca mổ ung thư buồng trứng tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Năm 2003, giáo sư, bác sĩ Đinh Văn Tùng qua đời. “Tài sản” ông để lại không chỉ là những đóng góp cho nền y học thế giới qua một đời nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo hàng ngàn bác sĩ, mà hơn hết là 4 người con của ông đều làm việc trong ngành y giờ đây vẫn duy trì và phát triển Project TVD cho đến tận ngày hôm nay.

Dù bận rộn với phòng khám, lịch giảng dạy tại các trường đại học, công trình nghiên cứu y khoa tại Mỹ, nhưng mỗi năm, 4 anh em đều phân chia nhau trở về quê hương thực hiện các chương trình công tác xã hội, hỗ trợ kỹ thuật.

Người con trai cả, bác sĩ Đinh Anh Tuấn, hiện là giảng viên khoa Sản và Phụ khoa tại Trường Y khoa Robert Woods Johnson (New Jersey) đã hỗ trợ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng trong kỹ thuật siêu âm thai nhi, những ca đẻ khó. Người con trai thứ là bác sĩ Đinh Anh Tuệ hiện làm giảng viên tại Bệnh viện Methodist Houston và Weill-Cornell Medical College.

Với chuyên môn trong lĩnh vực phẫu thuật, tạo hình, bác sĩ Tuệ gắn bó với hình ảnh tái tạo bộ sinh dục cho “chú lính chì” Thiện Nhân. Bác sĩ Đinh Anh Trí, người trực tiếp điều hành Project TVD không chỉ thường xuyên trở về Đà Nẵng mà có khi còn hiện diện ở châu Phi xa xôi, vùng cực Bắc hẻo lánh - nơi cần những đôi tay tài năng và trái tim ấm của người bác sĩ thiện nguyện.

Người em gái của bác sĩ Trí, tiến sĩ y tế cộng đồng Đinh Anh Thơ đã không ít lần trở về Việt Nam, Đà Nẵng với nhiều giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông. Thông qua hoạt động của Project TVD, rất nhiều chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực y khoa đã được thực hiện tại Đà Nẵng trong thời gian qua.

Đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố có thêm những cơ hội được tiếp cận với tiến bộ trong y khoa thế giới, không ngừng nâng cao kiến thức, chuyên môn để phục vụ tốt hơn cho người bệnh.

Ở tuổi ngoài 50, tâm huyết, dự định của bác sĩ Đinh Anh Trí dành cho mảnh đất quê hương vẫn chưa dừng lại. “Quê hương là nơi để trở về. Và thật ý nghĩa nếu chúng ta biết làm cho quê hương trở nên tốt đẹp hơn bằng chính sức lực, tâm huyết của mình. Có rất nhiều cách nhưng với bản thân tôi, được hỗ trợ chuyên môn cho các bác sĩ tại quê nhà là điều không có gì hạnh phúc hơn. Bởi thành quả gặt hái được đó chính là những nụ cười của bệnh nhân, họ xứng đáng được chữa trị, cứu sống kịp thời”, bác sĩ Trí chia sẻ.

PHAN CHUNG


 

;
.
.
.
.
.