ĐNO - 10 năm qua, có một nữ thương binh đã xem Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Liên như mẹ của mình, yêu thương và chăm sóc tận tụy bởi "dùng chân tình đối đãi sẽ nhận lại yêu thương".
Được chăm sóc, trò chuyện cùng nhau là niềm vui đơn sơ của 2 người phụ nữ không có quan hệ ruột rà này. Ảnh: NAM BÌNH |
1. Căn nhà cuối con hẻm ngoằn ngoèo ở tổ 90, Hải An, phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn yên bình và thanh vắng. Nơi khoảnh sân, hai người phụ nữ ngồi bên nhau an tĩnh. Người phụ nữ trẻ tuổi hơn vừa chăm chút cắt móng tay cho người phụ nữ lớn tuổi ngồi trên chiếc xe lăn vừa nhẹ nhàng trò chuyện.
Thấy người phụ nữ lớn tuổi nở nụ cười rạng ngời và ngắm nghía những ngón tay vừa được cắt gọn, người phụ nữ trẻ tuổi bật cười trìu mến.
Nhìn bức tranh ấy, những người không quen biết với họ đều rất dễ lầm tưởng đấy là hai mẹ con. Thật ra, hai người phụ nữ ấy lại gắn bó với nhau bằng nghĩa tình của cháu dâu và cô chồng.
Người phụ nữ trẻ tuổi là chị Phùng Thị Trái, năm nay 62 tuổi, thương binh 2/4. Người phụ nữ lớn tuổi là Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Liên, nay đã ngoài 80 tuổi.
2. Năm 12 tuổi, cô gái nhỏ Phùng Thị Trái hăng hái tham gia cách mạng ở địa phương. Đến năm 17 tuổi, cô được mẹ hứa gả cho chàng trai Phạm Viết Tài, hơn chị 2 tuổi.
Chị kể: “Tuổi 17, tôi đã biết yêu thương gì đâu. Bao nhiêu tâm tình, tôi đều dành cho cách mạng. Hồi đó, gia đình chồng tôi ở tại quận Sơn Trà bây giờ. Bấy giờ, tôi nghĩ cưới xong thì có thể mở rộng địa bàn hoạt động cách mạng nên mới đồng ý…”.
Vậy là, chị lập gia đình. Về nhà chồng, chị tiếp tục âm thầm hoạt động cách mạng. Để thuận lợi, chị xin phép mẹ chồng được buôn bán để kiếm thêm ít đồng phụ giúp gia đình. Thế nhưng, phía sau những gánh hàng rau tần tảo sớm hôm của chị chính là vũ khí, đạn dược được bí mật vận chuyển đi khắp nơi, phục vụ chiến trường.
Một năm sau ngày cưới, chị bị bắt, chịu đủ màn tra tấn của kẻ địch. “Khi thì địch dùng đinh đóng vào các khớp chân, lúc khác lại dùng roi điện quất tới tấp. Ác hơn, địch còn dùng hỗn hợp nước gồm ớt, xà phòng, dầu gió để đổ vào mũi của tôi. Vài lần trong tuần, địch lại trói tôi đi diễu hành khắp nơi nhằm hạ bệ ý chí của tôi. Rứa mà không hiểu vì răng, ở trong tù, càng bị tra tấn, tôi càng lỳ đòn, nhất quyết phải thắng địch mới được…”, chị xúc động nhớ lại.
Không cạy được miệng của chị, địch lại càng tra tấn dữ dội hơn. Thế nhưng, đòn nhục hình tàn bạo nào cũng không thể làm gãy đổ sự kiên cường, bất khuất của chị.
Hai năm sau, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, chị tự do, trở về với tổ ấm nhỏ của mình, sống trọn vẹn đạo hiếu của người con, thủy chung của người vợ.
3. Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Liên là người cô thứ tám của chồng chị, có chồng và con cùng hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước. Cách đây 9 năm, khi Mẹ già yếu, đơn độc, chị đón Mẹ về chăm sóc.
“Cô có nhiều cháu nhưng chỉ thích ở cùng tôi. Với tôi, đó là niềm vui, hạnh phúc. Ba mẹ chồng đã qua đời, tôi coi cô như là mẹ mình. Chồng mất, tôi nghĩ mình phải có nghĩa vụ chăm sóc cô…”, chị cười rạng rỡ.
Người già, đôi khi không tránh khỏi sự trái tính, trái nết. Thế nhưng, đức tính chịu thương, chịu khó, kiên trì đã trở thành một phần máu thịt của chị. Vậy nên, cho dù Mẹ khó chịu bao nhiêu, chị vẫn giữ nguyên nụ cười trong trẻo của mình, dịu dàng trò chuyện, xoa dịu dấu ấn tuổi già của Mẹ. Chị bảo, chị xem Mẹ Phạm Thị Liên như là Mẹ mình, dùng chân tình đối đãi sẽ nhận lại yêu thương.
Thảng hoặc, vết tích chiến tranh lại hành hạ chị. Những cơn nhức buốt xương tủy âm ỉ. Đôi chân lắm lúc không thể đứng vững. Những cơn đau đầu bất chợt ập đến. Mỗi lúc ấy, chị đều cố gắng vượt qua, mạnh mẽ đấu tranh với bệnh tật bởi luôn đau đáu về người cô chồng cần người chăm sóc.
Chị lo lắng: “Mẹ chỉ thích kề cận với tôi, không thích những người khác lại gần. Tôi cũng không biết tại sao Mẹ lại dành tình cảm đặc biệt như vậy cho mình. Nhưng điều đó cũng khiến tôi rất lo lắng, nhỡ như tôi có đau ốm thì Mẹ sẽ như thế nào?...”.
Rời khoảnh sân rực nắng ấy, đọng lại trong lòng người viết là bức tranh thủy mặc đẹp như tấm lòng trong của chị Phùng Thị Trái – đơn sơ mà thanh cao!
Bà Trần Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ, mặc dù gia đình không khá giả nhưng chị Trái chăm sóc Mẹ Liên rất chu đáo, tận tụy; là tấm gương điển hình trong việc chăm sóc, tri ân những gia đình có công với cách mạng. Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, chị Trái chỉ mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau của Mẹ, để Mẹ vui trong những năm tháng cuối đời. |
NAM BÌNH