ĐNO - Trong danh sách dàn diễn viên phim “Đảo của dân ngụ cư”, có một cái tên lạ lẫm - Lê Hiền Hạnh. Khuôn mặt của cô chưa một lần xuất hiện trong phim, Hạnh chỉ góp đôi chân của mình cho vai diễn Chu. Thế nhưng, đôi chân của Hạnh đã trở thành điểm nhấn cảm xúc của bộ phim.
Lê Hiền Hạnh tại buổi giới thiệu phim "Đảo của dân ngụ cư" |
Những ai đã từng trò chuyện với Lê Hiền Hạnh (30 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu) đều rất dễ bị thu hút trước nét cười ẩn hiện nơi khoé mắt và rực rỡ nơi bờ môi của cô gái người Đà Nẵng. Tôi cũng không là ngoại lệ.
Gần ba tiếng đồng hồ ngồi tỉ tê chuyện trò, cô gái với giọng nói dịu ngọt bao giờ cũng căng tràn sức sống và nhiệt huyết, ngay cả khi kể về những tủi phiền của cuộc đời mình khi sống với một đôi chân không lành lặn.
Bi kịch ập đến bất ngờ năm Hạnh khoảng 3 tuổi. “Hồi đó, nhà mình gần ga tàu lửa. Như mọi ngày, mẹ bế mình băng sang đường ray tàu để đi chợ. Nhưng hôm ấy, một chuyến tàu ngang qua đã mang mẹ về bên kia thế giới. Còn mình bị hất văng ra xa, may mắn thoát chết nhưng vĩnh viễn mất đi đôi chân”, giọng Hạnh nhẹ tênh.
Cha của Hạnh, một người đàn ông nghĩa tình, cố gắng chống chọi với nỗi đau mất người đầu ấp tay gối, bán hết gia sản, ẵm bồng con gái nhỏ đi khắp nơi để chữa trị. Nhưng mọi hy vọng đều dần lụi tàn, may mắn không mỉm cười với cha con Hạnh.
“Ngoại có hai người con nhưng chỉ có mẹ là con gái nên cưng chiều vô cùng. Bao nhiêu tình thương dành cho mẹ, ông bà ngoại dồn hết cho mình. Sợ ba không thể chăm sóc mình tỉ mỉ, chu đáo, ông bà ngỏ ý đón mình về chăm sóc. Từ đó, mình lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của ông bà. Còn ba, chừng như vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau, đã quyết định tu tại gia cho đến bây giờ”, Hạnh hồi tưởng.
Ông bà của Hạnh không bảo bọc, bó hẹp Hạnh trong bốn bức tường nhà. Hạnh muốn đi học, ông bà miệt mài cõng cháu đến trường.
Hạnh xúc động: “Thật ra, ông bà cho mình đi học không có ước vọng gì nhiều, chỉ mong mình có thể biết đọc, biết viết và bớt cô đơn”. Thế nhưng, sự kiên trì và bản lĩnh của Hạnh lại vượt xa kỳ vọng của người thân.
Cô gái nhỏ giờ đây đã có thể tự mưu sinh bằng sức lao động, trí tuệ của mình với công việc thiết kế đồ họa tại Công ty FPT. Chẳng những thế, bên cạnh công việc chính, Hạnh còn tranh thủ thời gian rảnh thử sức với bán hàng trên mạng.
Thế nhưng, quả ngọt của hiện tại in hằn không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt lẫn máu trong quá khứ của cô gái kiên cường. Những cơn đau dai dẳng từ di chứng của vụ tai nạn khiến việc học của Hạnh liên tục đứt quãng.
Nhưng Hạnh chưa bao giờ từ bỏ khao khát với con chữ, cứ khoẻ lại chút xíu thì vội vàng đến trường. Vượt qua chặng đường gian khó ấy, cuối cùng, Hạnh cũng hoàn thành xong chương trình phổ thông.
Thương cháu, ông bà từng nhiều lần khuyên Hạnh dừng việc học, tựa nương vào ông bà. Thương ông bà, Hạnh lại từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học, lựa chọn học nghề để có thể nhanh chóng tìm việc, đỡ đần gánh nặng kinh tế cho ông bà.
Thế là, Hạnh tự điều khiển xe lăn đến các lớp học về tin học, Anh văn, thiết kế đồ họa. Chặng đường xa, gập ghềnh, không ít lần đôi bàn tay của Hạnh trầy trụa, rướm máu.
Vậy nhưng, Hạnh vẫn chưa một lần nản chí, luôn bền bỉ theo đuổi mục tiêu của mình. Đôi mắt sáng bừng, Hạnh bảo: “Khao khát bước ra thế giới bên ngoài là động lực thôi thúc mình không ngừng học tập, đi làm và bước về phía trước bằng chính sức lực của bản thân”.
Dẫu luôn lạc quan về cuộc đời, vẫn có một mảnh ghép yếu đuối Hạnh muốn che đậy - đó là không muốn phô bày đôi chân tong teo của mình trước ánh nhìn của người khác. Tuy nhiên, sự mặc cảm, ngại ngần này đã thuộc về “thì quá khứ” bởi Hạnh giờ đây đã dũng cảm đối mặt với vết sẹo cơ thể mình.
Cơ duyên đến từ lời mời đóng thế đôi chân cho nhân vật Chu, nữ chính của bộ phim “Đảo của dân ngụ cư”.
Lê Hiền Hạnh và đạo diễn phim "Đảo của dân ngụ cư" Hồng Ánh |
Hạnh cười rộn rã: “Mình máu nghệ thuật lắm nên rất muốn được thử sức nhưng chưa có cơ hội. Vậy nên, khi cơ hội đến, mình đã vội vàng bắt lấy, cũng là để cho bản thân một trải nghiệm quý giá”.
Lần đầu tiên phô diễn đôi chân trần nhiều năm giấu kín dưới tà váy dài trước nhiều ánh nhìn lẫn máy quay, Hạnh ngượng ngùng, bần thần hồi lâu rồi hít thở sâu, tự trấn an bản thân.
“Khoảnh khắc ấy, cảm giác như cánh cửa sắt cuối cùng giam hãm mình trong mặc cảm đã sụp đổ”, Hạnh ríu rít.
Vậy là, nhiều ngày liền, sau khi tan giờ làm, Hạnh chăm chỉ đến trường quay ghi hình. Yêu cầu nào của đạo diễn, Hạnh cũng đều chăm chú lắng nghe, ghi nhớ và nỗ lực thực hiện. Ngay cả việc điều khiển ngón chân nhúc nhích - điều Hạnh chưa bao giờ thực hiện thành công trước đây, Hạnh cũng gồng người, kiên trì hoàn thành.
Và đôi chân của Hạnh đã trở thành điểm nhấn cảm xúc của bộ phim. Đa phần, hình ảnh đôi chân cận cảnh của Hạnh mang đến cảm giác cô đơn, bất lực. Nhưng cũng có khi, đôi chân buông thõng của Hạnh lại vô cùng lãng mạn với phân đoạn người cha cõng Chu ra biển, trong chiếc váy trắng và đôi chân trắng thả lỏng xuống rất chân thực....
Dẫu chân thực hay huyền bí, rõ ràng, đôi chân của Hạnh đã thầm lặng góp phần vào sự thành công vang dội của bộ phim. Nhưng hơn hết, cũng từ đó, Hạnh mạnh dạn sống với đam mê của bản thân. Mỗi lúc rảnh rỗi, Hạnh thường đến các quán cà phê nhạc sống và tự tin lên sân khấu hát ca những giai điệu tự tình.
KHA MIÊN