Hạnh phúc khi cho đi yêu thương

.

ĐNO - Bà đến với những đứa trẻ bất hạnh từ thuở lọt lòng bằng tấm lòng của người bà, người mẹ. Và đối với những đứa trẻ, bà chính là người thân, nơi nương tựa, nơi những tâm hồn ngây thơ non nớt trao gởi niềm tin yêu, vượt qua những nỗi sợ đầu đời để lớn lên mỗi ngày.

Đối với bà Gương (áo đen, phải) được chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn từ thuở lọt lòng, được sống lại cảm giác làm mẹ, làm bà hơn một lần trong đời, đó là hạnh phúc!
Đối với bà Gương (phải) được chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn từ thuở lọt lòng, được sống lại cảm giác làm mẹ, làm bà hơn một lần trong đời, đó là hạnh phúc!

Bà là Nguyễn Thị Gương, người đã tình nguyện làm bảo mẫu chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn từ khi sinh ra tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Đà Nẵng (thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng, số 56 Thủ Khoa Huân, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, gọi tắt là Trung tâm), gần 10 năm nay.

Mỗi tháng, 15 ngày đêm, bà Gương lại vượt quãng đường gần 70 km (cả đi lẫn về) từ xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang để đến với những đứa trẻ, dù năm nay bà đã ngoài 60.

Vậy mà, chỉ trừ những lúc bất đắc dĩ, nhà có việc đại sự, như đám cưới cô con gái út cách đây mấy hôm, bà mới chịu ngồi nhà 3 ngày để lo tròn vẹn nghi lễ thành thân cho con.

“Chỉ mong xong việc để xuống liền với mấy nhóc, nhớ quá chừng chừng”, bà Gương cười, nói.

Buổi sáng hôm chúng tôi đến, bà Gương tiếp chuyện khách trong trạng thái tất bật: nấu cháo, bón cho cháu ăn, cho cháu ngủ, chơi đùa với các cháu, thay tã, dỗ trẻ khóc... 9 trẻ từ một vài ngày tuổi cho đến 17 - 18 tháng tuổi do bà Gương cùng một bảo mẫu khác cùng ca trực chăm bẵm từ bữa ăn, giấc ngủ đến giặt giũ áo quần, vệ sinh tắm rửa... Vì vậy, bà cứ luôn tay luôn chân.

Thấy người lạ đến, những đứa trẻ càng níu chặt lấy bà Gương không rời. Bà mắng yêu: “Khánh Tiên hư lắm nghe”, “Khánh Dũng nữa, ngoan bà thương nghe...”.

Bà Gương nhớ, bà đón Khánh Tiên về Trung tâm vào một ngày mưa gió, Khánh Dũng thì chừng nửa tháng sau. Trong chiếc khăn được quấn chặt người, những đứa trẻ vừa bị cha mẹ bỏ lại bệnh viện còn đỏ hỏn, mắt nhắm nghiền vì mê ngủ hoặc khóc thét vì khát sữa là những hình ảnh luôn ám ảnh tâm trí bà Gương.

Tiên, Dũng và rất nhiều đứa trẻ khác đã được người ta đặt lên tay người bảo mẫu già. Gần mười năm trôi qua, không biết đã bao lần như thế, song, đối với bà Gương, lần nào được ôm ấp những sinh linh bé bỏng trong vòng tay, bà cũng rưng rưng, nghẹn lòng, xót thương không biết nói sao cho hết.

Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà Tiên, Dũng đã lớn bổng, trở thành những đứa trẻ bụ bẫm biết cười, khóc, nũng nịu trong vòng tay bà Gương. Và đối với những đứa trẻ trước mắt chúng tôi, bà chính là người thân, nơi nương tựa, nơi những tâm hồn ngây thơ non nớt trao gởi niềm tin yêu, vượt qua những nỗi sợ đầu đời để lớn lên mỗi ngày.

Rồi đây, khi được 3 tuổi, Tiên, Dũng và những trẻ đang ở đây sẽ lại rời vòng tay bà để đến nơi khác có điều kiện phù hợp hơn, bà Gương sẽ lại nhiều đêm khóc ướt gối vì nhớ.

“May mắn có cháu sẽ được người tốt nhận nuôi, kỳ diệu hơn nữa, có cháu được đoàn tụ với gia đình, số còn lại sẽ được chuyển lên Trung tâm Hoa Mai, sẽ ổn hết, tôi không nên lo lắng đúng không”, bà Gương mắt ngấn nước tự trấn an mình.

Bà Gương (trong hình) đến với trẻ mồ côi bằng tấm lòng của người bà, người mẹ.
Bà Gương đến với trẻ mồ côi bằng tấm lòng của người bà, người mẹ.

Bà Lê Thị Mỹ, người quản lý Trung tâm cho hay, trước đây Trung tâm nhận nuôi nhiều trẻ hơn thì có 6 bảo mẫu, nay chỉ còn 9 trẻ với 4 bảo mẫu, chia thành hai ca thay nhau trực, mỗi ca 2 người chăm sóc trẻ, công việc mỗi ngày của các bảo mẫu kéo dài 24 tiếng: từ 8 giờ sáng hôm nay đến 8 giờ sáng hôm sau.

“Thù lao ít ỏi, thức đêm thức hôm, cực nhất là những khi trẻ bị đau ốm, người theo việc này, ngoài lòng yêu trẻ phải có sức khỏe, chịu khó, rất nhiều người đến rồi đi, không phải ai cũng làm được”, bà Mỹ nói.

Còn như bà Gương, vì lo cho sức khỏe mẹ già, con bà tìm đủ mọi cách khuyên bà nghỉ việc tại Trung tâm nhưng bà nhất quyết không. Bởi, đối với bà, được chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn từ thuở lọt lòng, được sống lại cảm giác làm mẹ, làm bà nhiều hơn một lần trong đời, đó là hạnh phúc!

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.