Người Đà Nẵng
Chị "Trang rỗi hơi"
ĐNO - Người dân nghèo nơi vùng quê ven con sông Cu Đê hiền hòa yêu mến gọi người phụ nữ tật nguyền ấy là “Trang rỗi hơi”. Bởi, người ta khỏe mạnh, có đủ vợ đủ chồng lo cuộc sống riêng đã bộn bề khó khăn, chị Trang chỉ có một mình nuôi mẹ già, thân lại tật nguyền, vậy mà vẫn miệt mài với công tác cộng đồng, giữ gìn vệ sinh thôn xóm, hết lòng giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn...
Chị “Trang rỗi hơi” không chịu được rác bẩn dù đó là rác nhà hàng xóm hay nhà mình. Ngoài may vá, việc dọn rác, phân loại rác cũng là “nghề” của chị. |
Chị Trang tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thùy Trang (45 tuổi), Tổ trưởng Phụ nữ số 2, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Theo hướng dẫn của người dân trong thôn, chúng tôi đến tiệm may nhỏ ven đường thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc - nơi ở và mưu sinh của chị Trang, lúc đã gần 12 giờ trưa.
Trời nắng như đổ lửa, chiếc quạt tường cũ trong căn phòng chừng 15m2 không đủ làm dịu cái không khí nóng bức, oi ả ngày cuối hạ đầu thu. Ở đó, người thợ may vẫn cần mẫn đạp máy liên hồi.
Chị Trang kể, cái chân bị teo và quẹo của chị là do bị nhiễm trùng xương từ thuở lên hai. Hồi đó, vì gia đình nghèo không có điều kiện chạy chữa đến nơi đến chốn, chị đành chịu cảnh tật nguyền đến giờ.
Thế nên, không biết từ bao giờ, người phụ nữ nhỏ bé này cứ thấy thương những người dân chất phác, còn nhiều khó khăn quanh mình. Dù tính ra, cuộc sống của chị và mẹ già chủ yếu trông cậy vào chiếc bàn may từ những năm 90 của thế kỷ trước, cũng chẳng khấm khá hơn ai, nhưng với chị vậy là đủ và còn “may mắn” hơn nhiều người.
Từ năm 2010, khi được chị em trong thôn xóm tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ phụ nữ số 2, chị Trang luôn đau đáu suy nghĩ phải làm gì đó để chia sẻ phần nào những khó khăn cho người nghèo, người già neo đơn trong thôn.
“Hũ gạo tình thương” của chị ra đời từ đó. Cứ mỗi quý một lần, chị Trang lọ mọ đi khắp thôn xin mỗi nhà ít gạo, gom thành những hũ gạo yêu thương đem tặng những người gặp khó khăn bất thường trong cuộc sống hay người già không còn sức lao động.
Cùng với “hũ gạo tình thương”, chị Trang còn vận động chị em trong tổ tích cực phân loại rác, lượm chai bao bán lấy tiền nuôi heo đất và sẽ đập vào các dịp lễ như Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6... Số tiền từ công sức lượm chai bao của chị và chị em trong tổ sẽ được đem đến tận nơi giúp những chị em khó khăn.
Ngoài ra, chị Trang còn sẵn sàng đến với chị em, đến với người nghèo khi nửa đêm đau ốm, khi người thân họ bị tai nạn bất thường, nghĩa là bất cứ khi nào, miễn họ cần đến chị.
Chị Trang được nhiều người dân nghèo trong thôn Nam Yên này gọi là “rỗi hơi” còn bởi thói quen thấy rác bẩn là “không chịu được” dù đó là rác trước cổng nhà mình hay nhà hàng xóm, rác ngoài đường, ven sông, chị đều phải dọn sạch ngay.
Phía trước tiệm may của mình, chị Trang đặt hẳn một thùng xốp đựng chai lọ, các loại rác có thể tái chế, một túi lớn đựng các loại rác còn lại. Thế nhưng vẫn rất nhiều người không biết vô tình hay cố ý bỏ rác nhầm chỗ, thế là cuối ngày chị Trang lại phải bới rác lên phân loại.
“Làm riết rồi quen, ngày nào không dọn dẹp, loay hoay với mấy thùng rác không chịu được”, chị Trang nói.
Nói về tất cả những việc chị đang làm, bị gọi là “rỗi hơi”, chị Trang chỉ cười hiền: “Quan trọng là mình thấy vui, ai cũng vậy thôi, làm việc gì vui thì không mệt nữa”.
Bài và ảnh: THANH TÂN