Người Đà Nẵng
Nặng lòng với quê hương
ĐNO - Thời trẻ, ông dũng cảm cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Về già, ông nỗ lực gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nặng lòng với quê hương, ông dành cả cuộc đời lặng lẽ cống hiến...
Nhiều người dân coi ông như là “từ điển bách khoa” về lịch sử của làng, nhất là về Nghĩa trủng Hòa Vang (còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung). Ảnh: XUÂN SƠN |
1. Năm 17 tuổi, chứng kiến cảnh quê hương chìm trong bom đạn, Huỳnh Trung (SN 1942) sục sôi ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Từ Điện Bàn (Quảng Nam), chàng thanh niên ra thành phố Đà Nẵng vừa học nghề thuốc Nam vừa làm giao liên cơ sở cho cách mạng.
Năm 1964, sau khi bị lộ, ông trở về quê nhà, tham gia công tác ở xã, tích cực vận động thanh niên lên đường nhập ngũ. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, ông xin được ra chiến trường, trực tiếp cầm súng.
Hòa bình lập lại, ông công tác tại Công ty CP Dược Trung ương 3 rồi về địa phương, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ). Dù thời bình hay thời chiến, dẫu ở cương vị nào, ông đều nặng lòng với quê hương, cống hiến đầy tâm huyết.
Đặc biệt, từ ngày gắn bó với vùng đất Khuê Trung, ông luôn miệt mài tìm hiểu lịch sử nơi đây cũng như gìn giữ, phát huy cội nguồn văn hoá. Nhiều người dân coi ông như là “từ điển bách khoa” về lịch sử của làng, không biết điều gì lại đến gõ cửa nhà ông, nhất là về Nghĩa trủng Hòa Vang (còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung) nằm ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.
2. Trầm tư, ông bảo, mỗi hiện vật đều có một công năng, một giá trị lịch sử, văn hóa riêng, gắn liền với mỗi một cuộc đời, một giai đoạn lịch sử. Cũng từ suy nghĩ này, ông thường hay theo chân các bậc tiền bối trong làng để nghe kể lại chuyện xưa, nhất là những câu chuyện gắn với cùng đất thiêng Nghĩa trủng Hòa Vang.
Nhắc đến nơi này, giọng ông bỗng chốc hào sảng hơn. Ông nhắc đi nhắc lại rằng, mỗi một dấu tích trong khuôn viên rộng gần 3.000m2 đều rất thiêng liêng, không chỉ có các ngôi mộ đã nhuộm màu thời gian mà còn có Nhà thờ Tiền hiền Khuê Trung, am Bà, giếng Chăm, cây mù u...
Chẳng ai biết cây mù u có từ bao giờ, theo lời kể của các bậc tiền hiền, hàng trăm năm nay, vững chãi theo thời gian, cây mù u như chứng nhân lịch sử của quá trình đổi thay ở vùng đất này và tỏa bóng mát chở che cho những người con nơi đây.
“Nghĩa trủng Hòa Vang là nơi yên nghỉ của hàng ngàn nghĩa sĩ ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Tôi nghe kể rằng, ngày trước, tri ân những người đã kiên cường chiến đấu vì quê hương, dân làng Khuê Trung đã đóng góp công điền để chôn cất, xây dựng mồ mả của các tử sĩ.
Nhà có ruộng nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, ai ai cũng bày tỏ chút lòng thành. Khi số lượng tử sĩ nhiều lên, diện tích đất ngày càng eo hẹp thì quyết định cho xây mộ tập thể”, ông hồi tưởng.
Truyền thống "uống nước nhớ nguồn" được người làng Khuê Trung đặc biệt khắc nhớ, ghi lòng tạc dạ. Từ bao đời nay, người dân Khuê Trung nói chung, các khu dân cư quanh nghĩa trủng nói riêng đều rất tôn kính vùng đất thiêng Nghĩa trủng Hòa Vang cũng như những tiền nhân ngã xuống vì nền độc lập nước nhà.
Tư liệu, hình ảnh liên quan đến Nghĩa trủng Khuê Trung được ông cất giữ cẩn thận. Ảnh: TRÂM ANH |
3. Tôn trọng giá trị lịch sử, nặng lòng với nét đẹp văn hoá, trong quá trình nơi đây tu sửa, ông cùng nhiều người khác thường xuyên có mặt. Thấy nhiều vật dụng xưa cũ bị xếp lại một góc, ông thương tiếc lật giở từng món, nâng niu ngắm nhìn.
Phát hiện các bài vị thuộc am Bà trong số ấy, ông lật đật đem về lại, lau chùi chỉn chu. Sau đó, ông tỉ mỉ lót lớp giấy trắng lên bài vị, dùng bút chì tái hiện những nét chữ rồi mang đi nhờ người dịch giùm. Nhờ vậy, danh xưng trên bài vị mới lộ diện là Bà Thiên Y A Na và Ngũ Hành nương nương, gồm: Hỏa Đúc Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi.
“Người dân Khuê Trung và các khu vực lân cận rất tin và thường xuyên đến viếng. Đặc biệt, hằng năm, Lễ tế nghĩa sĩ và Lễ giỗ tiền hiền hội làng Khuê Trung được tổ chức long trọng, đông đảo người dâng lễ phẩm tưởng nhớ công đức người xưa”, ông tự hào.
Nặng lòng với quê hương, ông lặng lẽ gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: XUÂN SƠN |
Mong mỏi lễ tế được tổ chức nhằm giữ vững bản sắc truyền thống, ông lại lặn lội sưu tầm văn tế và tìm hiểu cặn kẽ cách thức tổ chức. Chiếc kiệu rước trong làng không còn, ông cũng miệt mài hỏi chỗ này, chỗ kia và thành tâm thỉnh về để nghi lễ được chỉn chu nhất có thể. Không chỉ chăm lo đồ lễ cho làng, ông còn dành dụm tiền, sắm sửa cho riêng mình 2 bộ vật dụng lễ để ai cần thì hỗ trợ.
Cuộc trò chuyện với ông thảng hoặc lại bị gián đoạn vì có người gọi đến hỏi cách thức cúng, bài trí bàn thờ... Hỏi, ông cười khiêm tốn: “Tộc họ nào có thắc mắc gì về tế lễ, tôi đều sẵn sàng hướng dẫn, từ cách thiết kế bàn học trò gia lễ, đến thiết lễ, trang trí, sắp đặt bàn cúng ngũ hành làm sao cho đúng...”.
Buổi nói chuyện kéo dài theo dòng tâm sự của ông. Ông bảo, không biết từ bao giờ, những phong tục, tập quán, lề lối của dân tộc ngấm dần, ăn sâu vào máu thịt của mình. Từng bước tìm hiểu, học hỏi, ông ngày càng đam mê. Sự đam mê ấy đã thôi thúc ông phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nặng lòng với quê hương, tâm huyết với bản sắc dân tộc, ông luôn nỗ lực chia sẻ thông tin mình biết cho mọi người...
YÊN LAM