Đội cứu hộ cá heo Sa Sa

.

ĐNO - Phải thức trắng đêm, ngâm mình nhiều giờ trong dòng nước lạnh của biển, trong sóng to, mưa lớn, việc cứu nạn như trực chiến không trừ bất cứ giờ nào... nhưng những thử thách đó không làm nản lòng những người trẻ yêu biển. Họ chính là thành viên của nhóm Sa Sa - nhóm tình nguyện viên chuyên cứu hộ những động vật biển gặp nạn trôi dạt vào bờ.

Ngâm mình dưới biển giúp những chú cá heo bị bạn giữ thăng bằng và thở là việc thường xuyên của nhóm tình nguyện viên trẻ Sa Sa.
Ngâm mình dưới biển giúp những chú cá heo bị nạn giữ thăng bằng và thở là việc thường xuyên của nhóm tình nguyện viên trẻ Sa Sa.

“Sa Sa là tên của chú cá heo con đầu tiên được nhóm cứu khi trôi dạt vào bờ biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), nhóm cũng được thành lập từ sau cái ngày đặc biệt (ngày 30-6-2018), chúng tôi gặp chú cá heo tội nghiệp ấy”, anh Lê Chiến, Nhóm trưởng Sa Sa chia sẻ.

Khi đó, anh Chiến - tình nguyện viên của tổ chức bảo vệ môi trường biển One Ocean đang lang thang quanh Sơn Trà đi thực địa cho đề tài “Bảo tồn và tái tạo rạn san hô Sơn Trà” thì nhận được tin báo về Sa Sa.

Anh lập tức gọi thêm một người bạn nữa đến địa điểm cá heo Sa Sa bị trôi dạt vào bờ. Khi vừa đến nơi, Sa Sa đang được một một nam du khách cùng 2 nam sinh đang cố gắng đẩy chú cá heo ra xa bờ để tìm cách bơi về với đại dương.

Nhưng vì bị một vết thương khá nặng ở hông (nghi bị cá mập cắn) nên Sa Sa không thể tự bơi được. Thế là, suốt đêm 29 và rạng sáng 30-6, cả nhóm đã thay nhau ôm giữ Sa Sa ở vùng nước gần bờ, giúp chú cá heo bị thương có thể giữ thăng bằng và thở được.

Sau hàng tiếng thay nhau ngâm mình duới nước, nhận định Sa Sa bị thương nặng và đã kiệt sức, nếu để ngoài biển thì khả năng sống sót rất thấp, gần 1 giờ sáng, cả nhóm lại chạy vạy tìm cách đưa chú cá lên bờ. Cả đêm hôm ấy, mọi người thay nhau chăm sóc, cho Sa Sa uống sữa, trò chuyện trấn an chú cá heo lạc đàn.

"Thật tiếc là sau đó, dù được sự chăm sóc tận tình của các chuyên gia tại Vinpearl Nha Trang (nhóm quyết định gửi Sa Sa vào Vinpearl Nha Trang vì ở đấy mới có điều kiện chăm sóc cá heo tốt nhất), nhưng Sa Sa đã không qua khỏi", anh Chiến ngậm ngùi.

Một ngày cuối tháng 7 vừa qua, nhóm trưởng Chiến nhận được thông tin người dân bắt gặp cá heo trôi dạt vào bờ biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam.

Vậy là, anh lại cùng những người bạn tức tốc lên đường. Sau một đêm ngâm mình dưới biển trong sóng to mưa lớn để túc trực, giúp cá thở và một ngày theo dõi, chăm sóc, nhóm đã đưa chú cá heo bị kiệt sức tên Mun trở lại biển cả an toàn.

“Tiễn Mun ra biển xong, cả nhóm lên xe máy trở về Đà Nẵng dù mệt lả nhưng cảm giác như đi trên mây, hạnh phúc khó nói thành lời”, anh Chiến thổ lộ.

Cũng theo trưởng nhóm Lê Chiến, việc cứu cá heo bị dạt vào bờ không là chuyện hiếm hoi ở Việt Nam, song, cứu thành công không nhiều. Bởi, những chú cá heo bị dạt vào bờ thường là đã bị thương, kiệt sức, nên đòi hỏi những kiến thức sơ cấp cứu bài bản và những am hiểu cần thiết về loài cá này, nhiều trường hợp còn cần sự giúp đỡ của chuyên gia.

“Nhiều người nghĩ rằng, cứ thấy cá heo còn sống dạt vào bờ, thì lập tức đưa cá trở lại biển cả là cứu cá, thực tế trong nhiều trường hợp, chúng ta đã hại loài động vật biển thông minh, nhạy cảm bậc nhất này. Vì rất nhạy cảm nên cá heo rất dễ bị căng thẳng (stress) khi đám đông vây quanh, mà chúng ta lại rất hay vây quanh như thế.

Điều chúng tôi lo lắng nữa là tập tục người dân miền biển thấy cá heo (người ta còn gọi là cá ông) trôi vào bờ thì làm nghi lễ chôn cá ông lấy may, nhiều trường hợp bị chôn sống. Chúng ta tôn trọng văn hóa người đi biển, nhưng đã đến lúc cần thay đổi những điều này”, anh Chiến nhìn nhận.

Nguyễn Minh Thu - thành viên nữ hiếm hoi của nhóm bộc bạch, cô thực sự hạnh phúc và cảm thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa vô cùng từ ngày rong ruổi theo nhóm tình nguyện viên Sa Sa.

Để đủ sức theo những hành trình cứu cá, những thành viên của nhóm Sa Sa phải thường xuyên luyện tập thể lực để rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức chịu đựng, độ dẻo dai. (Trong ảnh: Nhóm đang tập thể lực tại khu vực công viên biển Đông Đà Nẵng) (Ảnh: Nhóm Sa Sa cung cấp)
Để đủ sức theo những hành trình cứu cá, những thành viên của nhóm Sa Sa phải thường xuyên luyện tập thể lực để rèn luyện sức khỏe, nâng cao sức chịu đựng, độ dẻo dai. (Trong ảnh: Nhóm đang tập thể lực tại khu vực Công viên Biển Đông) (Ảnh: Nhóm Sa Sa cung cấp)

Một thành viên khác của nhóm - thành viên danh dự Đỗ Quang Anh, cũng là huấn luyện viên thể lực, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn trên biển cho nhóm, hào hứng chia sẻ rằng anh rất hứng thú với những cuộc tìm kiếm, cứu cá của nhóm Sa Sa.

“Mỗi người một việc khi nhận được tin báo. Họ làm việc hăng hái, thành thục, nhịp nhàng dù đến với nhau chưa lâu. Họ có chung sức trẻ, sự nhiệt huyết và tình yêu với biển, khiến người có tuổi như tôi cũng sung lây”, anh Quang Anh hóm hỉnh nhận xét.

Những ngày qua, nhóm đang ngày đêm ngụp lặn, tìm kiếm quanh các bãi biển biển dọc Sơn Trà để tìm chú rùa bị thương vốn được một nhóm người trẻ cứu khỏi thói quen ăn thịt rùa biển ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) về thả ở biển Đà Nẵng, đồng thời nghe ngóng thông tin cá heo được báo bị dạt vào bờ ở biển Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam).

Hiện anh Chiến đang dự định thành lập nhóm cắt lưới ma-loại lưới được coi là “thảm họa sinh thái” làm bị thương, chết rất nhiều, động, sinh vật biển. Anh Chiến cho biết, điều đáng mừng là ý tưởng này của anh nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều bạn trẻ - những người trẻ Đà Nẵng luôn đong đầy tình yêu với biển cả, đại dương bao la.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.