Lớp học kỹ năng sống của cô Loan

.

ĐNO - “Mỗi người đều có cách đóng góp cho xã hội của riêng mình. Những người có điều kiện kinh tế, họ dùng tài chính để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Còn mình là giáo viên, mình có kiến thức, có kinh nghiệm giảng dạy, có những bài học thì mình sẽ tận dụng những kỹ năng đó để chia sẻ cho học trò…”.

Từ suy nghĩ này mà lớp học kỹ năng sống miễn phí của cô Phạm Thị Thùy Loan (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu) ra đời.

Những bài học sinh động, những câu chuyện thực tế và cách dẫn dắt hài hước khiến học sinh mê tít cô Loan.
Những bài học sinh động, những câu chuyện thực tế và cách dẫn dắt hài hước khiến học sinh "mê tít" cô Loan.

“Cô Loan hài hước”, “Cô Loan đáng yêu”… là những biệt danh mà học trò ở trong/ngoài Trường THCS Nguyễn Huệ đặt cho cô Loan.

Ngày thường đóng vai một cô hiệu phó nghiêm nghị nhưng mỗi thứ bảy hằng tuần, cô lại là một diễn giả hài hước với hàng chục câu chuyện thú vị xoay quanh các vấn đề về chống xâm hại tình dục trẻ em, cách xử lý cảm xúc, cách đối diện với nguy hiểm…

Lớp học của cô Loan không giới hạn độ tuổi, không phân biệt học sinh trong hay ngoài trường, không thu học phí, chỉ một thứ “có” đó là các em góp mặt và tiếng cười.

Em Thu Thảo (học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Văn Cừ) thổ lộ: “Em biết đến lớp học kỹ năng của cô Loan từ một người bạn của em. Ban đầu, em định không tham gia vì nhà em ở bên quận Sơn Trà, còn lớp học của cô thì mở tại Trường THCS Nguyễn Huệ - khá xa nhà em.

Tuy nhiên, bạn em đi học về kể bao nhiêu là chuyện vui nên em nhờ mẹ chở đi học thử. Những bài học cô giảng về giới tính, về xâm hại tình dục… tưởng như đã cũ, đã quá quen thuộc vậy mà hóa ra, điều em biết chỉ là thông tin hời hợt bên ngoài chứ chưa hiểu hết giá trị giáo dục bên trong.

Em thích nhất ở cô là buổi học nào cô cũng hỏi học sinh cần biết điều gì, tò mò về vấn đề nào… Khi chúng em chia sẻ suy nghĩ, mong muốn của mình thì buổi học sau cô dựng bài học đó”.

Cô Loan chia sẻ, cơ duyên của lớp học này là từ dự án Hành trình yêu thương do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các trường thực hiện.

Từ khi còn là cô giáo Tổng phụ trách Đội, cô đã thường xuyên đồng hành với học trò trong các hoạt động ngoại khóa. Hơn 10 năm làm việc, cô nhận thấy học trò của mình còn thiếu rất nhiều kỹ năng. Vậy là cô lên kế hoạch xây dựng các bài học của riêng mình.

Từ việc kế thừa những kiến thức từ bộ sách Hành trình yêu thương, cô Loan trực tiếp liên hệ với các giảng viên Khoa Tâm Lý, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng); cô đọc các tài liệu về tâm lý lứa tuổi, tìm các dẫn chứng cụ thể trên mạng internet… để tự mình trau dồi thêm kiến thức nhằm truyền thụ những thông tin gần gũi, chân thực, dễ hiểu nhất đến học sinh.

Vì lớp học tập hợp những trẻ có độ tuổi chênh lệch nên việc dạy của cô Loan cũng gặp khá nhiều khó khăn. Với trẻ tiểu học, chỉ cần lời nói ngọt ngào, sự thân thiện, gần gũi là đủ làm các em thích thú nhưng với trẻ lớn hơn thì cần cả sự hóm hỉnh, sâu sắc mới thu hút các em đến lớp.

Về ngôn ngữ, với trẻ nhỏ, khi dạy về giới tính, phải dùng những từ ngữ dễ hiểu, trong sáng. Còn với học sinh THCS hay THPT, các vấn đề cần được nhìn thẳng, không quanh co, ẩn dụ.

Có lẽ, nhờ đọc nhiều sách, xem nhiều thông tin về tâm lý lứa tuổi, cô Loan “nắm” được hầu hết ngôn ngữ giới trẻ đương thời.

Em Hải Triều (học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Lợi), hồn nhiên nói: “Có nhiều vấn đề con không dám hỏi ba mẹ, ví dụ như biểu hiện của tuổi dậy thì hay việc con thích bạn cùng lớp… Con không nói với ba mẹ mà con cũng không biết nói với ai. Vậy là con cứ im lặng thôi.

Từ khi con đi học lớp cô Loan thì con thấy dễ chia sẻ hơn, con cởi mở hơn với ba mẹ và con nhận ra, ba mẹ cũng lắng nghe và thông cảm với con”.

Lớp học Kỹ năng sống này mới được mở trong dịp hè vừa qua, chỉ được thông báo trên facebook cá nhân của cô Loan nhưng nay đã được khá nhiều người biết đến.

Cô Loan nói rằng, cô sẽ không đóng khung các bài học mà sẽ dạy theo hình thức “Trẻ cần cái gì, cô sẽ dạy cái đó”. Việc hiểu được những thiếu hụt trong nhận thức, kỹ năng của học trò thôi thúc cô mở và duy trì lớp học này.

“Tôi nghĩ mình không cần làm cái gì to tát. Mình dùng chính những hiểu biết của mình, một phần thời gian của mình… là có thể giúp được học trò rồi”, cô Loan nói.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.