Người Đà Nẵng
10 năm âm thầm tìm mộ liệt sĩ
ĐNO - Suốt 10 năm qua, chị vừa một mình nuôi con, vừa dành tiền túi của mình âm thầm đi tìm mộ liệt sĩ. Hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ nằm dọc theo chiều dài đất nước cho đến tận nước bạn Lào, Campuchia đã được chị và đồng đội tìm kiếm, quy tập.
Chị Nguyễn Thị Tình đánh dấu những khu vực được xác định có mộ liệt sĩ trên bản đồ. |
Chị là Nguyễn Thị Tình (SN 1970, thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), thành viên của Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên B3.
Những chuyến đi nghĩa tình
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi có một cuộc gọi từ Hà Nội. Trong điện thoại, ông Nguyễn Văn Tỵ (trú huyện Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi trong sự xúc động: “Anh trai tôi là Nguyễn Văn Hợi đi bộ đội từ tháng 1-1966, hy sinh ở khu vực ấp Kim Liên, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Anh ngã xuống trong một đợt phục kích của địch, được bà con địa phương chôn cất. Trải qua năm tháng, gia đình thất lạc anh, đã nhiều lần vào Đà Nẵng tìm nhưng anh vẫn biệt tăm.
Nay gia đình tôi đã tìm được anh rồi. Tôi thật sự không biết nói gì hơn. Các anh ở trong ấy, xin cho tôi gửi lời hỏi thăm chị Tình, bác Doanh và chính quyền các cấp ở Đà Nẵng đã giúp đỡ gia đình”.
Gia đình ông Tỵ là một trong nhiều trường hợp đã tìm được mộ người thân từ sự giúp đỡ của chị Tình cùng người đồng đội, người bác thân thương Trần Ngọc Doanh và những thành viên trong đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Quân đoàn 3.
Căn nhà nhỏ của chị Tình ở thôn Quan Nam 1 chất đầy những bộ hồ sơ liệt sĩ, những tấm bản đồ chiến trường và… bụi. Như hiểu ánh mắt của chúng tôi, chị kể: “Những chuyến đi tìm mộ diễn ra với tần suất liên tục, có khi vừa về đến nhà đã lại phải đi, không kịp quét dọn nên nhà cửa bụi bặm vô cùng”.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và chị thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại. Những số máy từ khắp nơi gọi về khiến chiếc điện thoại của chị nóng ran, hầu hết những cuộc gọi đều liên quan đến liệt sĩ và thân nhân của họ. Sau mỗi cuộc điện thoại, chị lại vội vàng ghi chép, tra bản đồ và lên kế hoạch đi tìm kiếm. Rồi chị lại hướng dẫn các thân nhân liệt sĩ lập hồ sơ liệt sĩ, bổ sung thông tin để phục vụ cho công tác tìm kiếm.
“Mỗi ngày, tôi đọc, tôi nghe trên báo đài rất nhiều câu chuyện về mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin, về những gia đình dành nhiều năm tháng đi tìm mộ người thân thất lạc. Từ đó, tôi cứ nghĩ mãi về số phận của họ, một bên là những người lạc nơi tiền tuyến, một bên là nơi hậu phương cứ đợi, cứ tìm… Mình phải làm gì đó để giúp người ta đoàn tụ, dù trong hoàn cảnh nào”, chị Tình chia sẻ.
Nghĩ và làm, kể từ năm 2008, chị bắt đầu học bản đồ quân sự, tìm hiểu và nắm vững bộ giải mã ký hiệu chiến trường in trên bản đồ để áp dụng cho công việc tìm mộ liệt sĩ.
Năm nay đã là năm thứ 10 chị tham gia tìm mộ liệt sĩ. Chị không nhớ được mình đã tìm ra bao nhiêu mộ phần liệt sĩ thất lạc, đã giúp cho bao nhiêu liệt sĩ được đoàn tụ với gia đình.
Tròn 10 năm, dấu chân chị đã đi khắp các chiến trường từ Bắc tới Nam, từ núi rừng Hòa Vang cho đến những cánh rừng giữa đại ngàn Tây Nguyên. Mồ hôi, nước mắt của chị cũng đã rơi ở nhiều vùng đất của nước bạn Lào và Campuchia. Mỗi một nơi đi qua là một kỷ niệm, một trải nghiệm mà với chị, nó như một động lực để sống, để đi.
“Có những chuyến đi đã thành kỷ niệm, có những người gặp gỡ đã thành người nhà. Tôi vẫn nhớ nhất những ngày ở EaMơ (tỉnh Gia Lai), không có nhiều thức ăn, cả đoàn tìm kiếm phải ăn lá mỳ, ăn quả cà đắng qua bữa. Những bữa ăn giản dị, nhưng bà con nhiệt tình cho mình ở chung nhà, tiếp đãi mình như người thân. Hành trình tìm mộ nhờ vậy mà được tiếp sức”, chị bồi hồi kể lại.
Rồi cũng có những ngày chị phải băng rừng, nghe trên đầu mình tiếng những cơn mưa chiều nặng hạt, thấy trước mặt là rừng sâu thăm thẳm u linh, nghe đâu đó bên tai tiếng những con suối rì rầm, cảm nhận trong cơ thể là huyết áp không ổn định, nhưng chị vẫn cố gắng đi.
“Có những ngôi mộ, qua năm tháng đã bị vùi lấp dưới hàng lớp đất dày, đường đi thay đổi. Đội tìm kiếm phải mất rất nhiều ngày để dò đường. Ai cũng phải tranh thủ từng ngày, từng giờ để tìm kiếm, nếu không có những người đi tìm mộ, gia đình thân nhân liệt sĩ sẽ khó mà đưa được hài cốt người thân trở về. Một ngày người ta còn đợi là một ngày mình phải nỗ lực hơn”, chị nói.
Chị Tình (trái) làm thủ tục khâm liệm cho một hài cốt vừa được tìm thấy. |
Nỗi niềm sau mỗi chuyến đi
Ông Trần Ngọc Doanh, người cùng tham gia tìm mộ với chị Tình, cho biết: "Ở tuổi của chị Tình, có người sẽ lựa chọn công việc an nhàn, gần nhà và tận hưởng thời gian tự do. Nhưng Tình thì khác, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân lại làm việc trong quân đội, chị ấy thấm thía được nỗi chia ly và mất mát của những gia đình qua hai cuộc kháng chiến".
Bản thân chị Tình cũng mất người thân, dù không phải vì chiến tranh nhưng cũng để lại trong lòng chị nỗi trống vắng, mất mát. Gần 20 năm trước, chị nuốt nước mắt nhìn người chồng ra đi sau một tai nạn. Anh đi, để lại chị đứa con trai chỉ hơn 3 tháng tuổi và ngôi nhà vắng tiếng người chồng, người cha. Con chị giờ đã lớn, đã trở thành sinh viên của một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh.
Nhà chỉ có hai mẹ con, chị lại đi thường xuyên. Gia đình, họ hàng 2 bên không hề biết đến công việc tìm mộ của chị. Sợ gia đình ngăn cản, sợ con lo lắng, mỗi chuyến đi của chị đều diễn ra trong âm thầm. Chỉ đến thời gian gần đây, khi hình ảnh của chị xuất hiện thoáng qua trong một vài clip tìm mộ được phát trên mạng xã hội, người nhà mới biết chị đã làm công việc ý nghĩa này từ rất lâu.
“Có những chuyến đi dài ngày, có khi hơn 2 tuần liền. Đến khi tôi về đến Đà Nẵng, bắt vội chuyến xe buýt nội thành cuối ngày để về nhà. Tài xế và phụ xe thấy mình lấm lem, tóc tai rối bù mới hỏi chuyện. Đến khi biết tôi đi tìm mộ liệt sĩ, họ nhất quyết không thu tiền xe và còn chúc cho hành trình tìm mộ của tôi gặp nhiều thuận lợi", chị nhớ lại.
"Có một lần con trai bị ốm, chị Tình phải vào TP. Hồ Chí Minh chăm sóc con. Thế nhưng, chỉ sau một cuộc điện thoại báo tin về mộ liệt sĩ, chị ấy lại cùng chúng tôi lên đường, tạm gác chuyện gia đình sang một bên. Rất may, con trai chị đã lớn, rất hiểu và cảm thông, cũng như tự hào về công việc của mẹ", ông Trần Ngọc Doanh kể lại.
Chị tâm sự, chỉ muốn bản thân có thêm sức khỏe để đi. Chừng nào còn hồ sơ liệt sĩ, chị không thể yên lòng. Mỗi bộ hồ sơ là một nỗi niềm đau đáu của thân nhân liệt sĩ, thôi thúc chị ngày mai, ngày kia phải lên đường, tiếp tục “sứ mệnh” lớn lao mà chị đã lựa chọn.
Bài và ảnh: XUÂN SƠN