ĐNO - Hơn 2 năm nay, lớp học miễn phí của cô giáo Đào Thị Nhung (64 tuổi, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu) đã dìu dắt các học trò nghèo vững bước đến trường, trở thành người có ích cho xã hội.
Lớp học của cô Đào Thị Nhung mở cửa từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần để dạy các em. Ảnh: H.H |
Chúng tôi ghé thăm lớp học của cô Nhung vào một chiều mùa đông. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm sâu trong con hẻm trên tuyến đường Trưng Nữ Vương, cô Nhung đang quét dọn căn phòng nhỏ, kê lại bàn ghế ngay ngắn để đón các em học sinh.
Khoảng 17 giờ, các em học sinh lần lượt đến lớp. Cô Nhung đón các em từ cổng, ân cần hỏi thăm chuyện học hôm nay ở trường, kéo ghế chỉ các em ngồi vào vị trí. Xong xuôi đâu đấy, cô bắt đầu buổi dạy.
Cô Nhung vốn là giáo viên dạy Ngữ văn. Sau khi về hưu, cô tham gia công tác tại địa phương. Cô hiện là Tổ trưởng Tổ dân phố 25, Chi hội phó Chi hội phụ nữ 25, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Bình Hiên, Phó Ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 5 phường Bình Hiên.
Vừa bận bịu với công tác xã hội, cô Nhung còn chăm sóc người mẹ ngoài 80 tuổi và chị gái mắc bệnh hiểm nghèo. Dù vậy, cô luôn có cách sắp xếp mọi việc để vừa hoàn thành nhiệm vụ xã hội, vừa chu toàn việc nhà và duy trì đều đặn lớp học cho các em học sinh.
Các em học sinh con hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được cô Nhung chỉ dạy miễn phí. Ảnh: H.H |
Cô Nhung cho biết, học sinh của cô có đủ độ tuổi, nhưng nhiều nhất là các em tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Với các em tiểu học, cô dạy tất cả các môn. Với các em cấp 2, cô chủ yếu dạy môn Ngữ văn. Có một điều đặc biệt, ở lớp của cô Nhung, nhiều em là con hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cô dạy hoàn toàn miễn phí.
Hai anh em ruột Vũ Trọng Bình (học sinh lớp 5) và Vũ Trọng Khang (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Bạch Đằng) là hai trong số nhiều học sinh được cô Nhung dìu dắt, chỉ dạy tận tình suốt thời gian qua.
Hoàn cảnh của hai anh em Bình, Khang rất khó khăn. Bố mẹ ly hôn, hai em sống với ông bà ngoại lớn tuổi, đau ốm thường xuyên. “Trong một lần đi khảo sát tình hình đời sống ở khu dân cư, tôi tình cờ biết đến hoàn cảnh gia đình của hai em. Thời điểm đó hai em học rất yếu do không có ai kèm cặp. Tôi bàn với gia đình đưa các em đến lớp để tôi chỉ dạy”, cô Nhung kể.
Cô Nhung cần mẫn rèn từng nét chữ cho học trò. Ảnh: H.H |
Ông Lê Văn Thương (78 tuổi, ông ngoại của hai em Bình, Khang) tâm sự: “Từ ngày hai cháu được cô Nhung dạy dỗ, học lực tiến bộ rõ rệt. Cháu Bình 4 năm nay đều đạt học sinh giỏi. Cháu Khang từ chỗ học kém nay đã tiến bộ rất nhiều. Các cháu có được như ngày hôm nay tất cả đều nhờ cô Nhung. Không những dạy miễn phí, cô Nhung còn chu cấp sách vở, bút mực cho các cháu suốt 2 năm qua. Gia đình tôi cảm ơn cô nhiều lắm”.
Hay em Phan Thị Thùy Trang (học sinh Trường Tiểu học Bạch Đằng) cũng được cô Nhung dạy miễn phí nhiều năm nay. Gia đình Trang có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ không có việc làm ổn định, thường xuyên vắng nhà. Em sống cùng ông bà lớn tuổi. Vì không có người kề cạnh nhắc nhở, Trang dần xao nhãng việc học. Biết chuyện, cô Nhung tìm đến nhà thuyết phục em đến lớp. Không chỉ dạy miễn phí, đầu mỗi năm học mới, cô Nhung còn tặng sách vở, bút mực để Trang yên tâm đến lớp.
Trong quá trình dạy, cứ em nào thiếu thứ gì, cần hỗ trợ gì, cô Nhung đều sẵn sàng đáp ứng. Có em cần sách mới, cô Nhung liền mua sách mang đến tận nhà. Có em hết vở, hết bút, cô Nhung ra hiệu sách mua rồi gói ghém cẩn thận trao tận tay các em.Cuối mỗi học kỳ, em nào đạt được điểm thi cao, có học lực tốt cô Nhung đều tặng thưởng khuyến khích.
Những dịp Tết Thiếu nhi, trung thu, Tết Nguyên đán, cô Nhung lại tổ chức liên hoan cho các em tại lớp, tặng quà bánh để các em mang về nhà. Nhờ vậy, lớp học của cô Nhung không lúc nào ngớt học sinh. Cuối năm nay, cô Nhung dự định tặng 2 chiếc xe đạp cho 2 em học sinh khó khăn của lớp để các em có thể tự đến trường.
“Trong suốt 35 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” và hơn 2 năm duy trì lớp học cho các em học sinh nghèo, mỗi ngày trôi qua, tôi nhìn thấy các em học sinh tiến bộ từng ngày, ngoan ngoãn, lễ phép. Đó là những quả ngọt lớn nhất và quý giá nhất mà tôi có được. Nhiều thế hệ học sinh đã thành danh, trở thành những người có ích cho xã hội là động lực để tôi tiếp tục với công việc này”, cô Nhung bộc bạch.
HUY HOÀNG