Người Đà Nẵng

Bảo mẫu của trẻ bất hạnh

16:17, 02/07/2022 (GMT+7)

ĐNO - Họ vừa là cha, vừa là mẹ, luôn yêu thương, chăm sóc trẻ bất hạnh, chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Đó là những bảo mẫu ở Trung tâm Từ thiện thuộc Hội từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng (quận Thanh Khê).

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (bìa phải) cùng các
Chị Nguyễn Thị Chín và chị Nguyễn Thị Kim Oanh (từ phải sang) cùng các con nấu ăn. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Trung tâm Từ thiện thuộc Hội từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng (Trung tâm) là nơi cưu mang nhiều trẻ em khó khăn, mồ côi cha, mẹ. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng hàng chục trẻ em, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết các em ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Hơn 5 năm làm bảo mẫu ở đây, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (55 tuổi) chia sẻ, những ngày đầu đến đây, chị tính bỏ cuộc vì công việc khá vất vả. "Trẻ ở đây có hoàn cảnh đặc biệt, đứa mất cha, đứa mất mẹ, bị bỏ rơi… nên tâm sinh lý không ổn định, khó bảo…", chị Oanh chia sẻ. Nhưng rồi dần dần, thấu hiểu hoàn cảnh của mỗi đứa, chị lại thấy thương.

Chị bảo, tụi nhỏ thiếu vắng tình thương của cha mẹ nên luôn "nổi loạn" để thu hút sự quan tâm của người lớn. Đơn cử như trường hợp của hai anh em Trần Quang Long và Võ Văn Linh (cùng mẹ khác cha). Sau khi mẹ bỏ đi, bà ngoại đã đưa các em vào Trung tâm. Lúc mới vào đây, Linh gần như sống trong tự ti, mặc cảm, không tiếp xúc, trò chuyện với ai, còn Long thì quậy phá, bướng bỉnh. Dần dần, được các mẹ quan tâm chăm sóc, dạy cho điều hay lẽ phải, giờ Linh đã mở lòng, hoà nhập với mọi người, Long thì đã biết giúp các mẹ công việc nhà.

Long chia sẻ, em thấy gắn bó và yêu thích “ngôi nhà” thứ 2 của mình. "Con vào Trung tâm này được hơn một năm rồi. Con được học và chơi với các bạn rất vui. Các mẹ ở đây chăm sóc con rất chu đáo. Bữa ăn khá ngon vì các mẹ luôn đổi món để tụi con không thấy chán", Long nói và cho biết em mơ ước sau này trở thành cầu thủ bóng đá và sẽ cố gắng để thực hiện ước mơ của mình.

Với trẻ ở trung tâm, các chị vừa là cô giáo, vừa là cha, vừa là mẹ và thực sự đã trở thành những người thân trong gia đình. Có chuyện gì, tụi nhỏ cũng chia sẻ với mẹ. Gắn bó đã nhiều năm, với chị Nguyễn Thị Chín (51 tuổi), nơi đây như một gia đình thật sự. Công việc của chị là quét dọn, cùng các mẹ nấu ăn, đưa đón các em đi học. Vất vả nhất là lúc tụi nhỏ thay nhau ốm, thậm chí phải nằm viện. Các chị phải túc trực bên giường bệnh, bón cho các em từng muỗng cháo, động viên các em uống thuốc để mau khỏi bệnh.

Chị Chín bảo cứ cuối tuần được về nhà (1 lần/tuần) ở xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang là chị lại nhớ tụi nhỏ đến không chịu được. Vậy là thu xếp xong công việc ở nhà, chị lại khăn gói vào ngày trung tâm để được gặp đàn con.

Dù mức thù lao chưa cao trong khi công việc nhiều nhưng chị Chín chia sẻ, chị muốn dành cả cuộc đời để gắn bó với những đứa trẻ có số phận không may mắn, dành hết tình thương, bù đắp những mất mát, thiệt thòi mà các em phải gánh chịu. Chị Chín, chị Oanh cũng như các chị ở đây đều có những nồi niềm trong cuộc sống hôn nhân, có lẽ vì vậy mà các chị thấu hiểu bất hạnh của những đứa trẻ khi mối quan hệ của người lớn đổ vỡ. Cũng vì thế mà sợi dây tình cảm, sự đồng cảm đã gắn kết họ lại để cùng nhau bước qua nỗi đau, hướng về một tương lai tươi sáng hơn.

Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Từ thiện, Hội từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng được Tổ chức “Trả lại Tuổi Thơ” (Hoa Kỳ) tài trợ kinh phí dài hạn, mỗi năm 4 tỷ đồng (hơn 170.000 USD) cho dự án “Nuôi dạy trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Đà Nẵng”. Các em vào đây đa phần có mồ côi cha hoặc mẹ, thậm chí mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi và phần nhiều là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không có nguồn nuôi dưỡng. Qua dự án, có 40 em từ 4 đến 18 tuổi được nuôi dưỡng về tất cả các mặt dinh dưỡng, y tế, giáo dục, đạo đức lối sống. Đến nay, nhiều em đã trưởng thành, được học hành, có việc làm ổn định.

PHƯƠNG MINH

.