Người Đà Nẵng
Những người chuyên giúp phụ nữ lỡ làng, mảnh đời bất hạnh
ĐNO - Thời gian qua, chị Trần Thị Hương, nhân viên phát triển cộng đồng thuộc Sở Lao động, Thương binh và xã hội cùng các đồng nghiệp đã giúp cho hàng chục phụ nữ lỡ làng vượt qua nghịch cảnh, có cuộc sống ổn định.
Chị Hương (phải) trao quà hỗ trợ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. |
Rất nhiều trường hợp phụ nữ mang bầu không được gia đình thừa nhận, sợ dư luận… tìm đến và nhờ giúp đỡ đều được chị và các nhân viên Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội hỗ trợ.
Đơn cử như trường hợp chị N 22( tuổi). Chị N. vốn là sinh viên một trường cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố. Sau khi học được 1 năm, N. nghỉ học và đi làm. Công việc của chị là tiếp thị bia Heineken với thu nhập 6 triệu/tháng. Trong quá trình đi làm thì gặp anh M. - việt kiều hồi hương. Sau một năm quen biết và thường xuyên gặp gỡ, thời gian sau, chị phát hiện mình mang thai và đã thông tin cho anh. Ban đầu, anh M. tỏ ra rất vui mừng và chăm sóc cho hai mẹ con chu đáo. Tuy nhiên, khi thai được gần 6 tháng, chị phát hiện anh đã có gia đình và con cái.
Sau khi bị phát hiện, anh cũng tìm mọi cách để né tránh chị và tới nay mất liên lạc hoàn toàn. Chị tìm mọi cách liên lạc với anh để được sự hỗ trợ về mặt kinh phí trong quá trình sinh đẻ nhưng vô vọng.
Chị đã nghỉ làm từ khi thai được 3 tháng do không đáp ứng được nhu cầu của công việc vì mang thai. Hiện chị đang ở nhà vì thai ngày càng lớn nên không có chỗ nào nhận chị làm thêm.
Chị N. đang tìm phòng trọ mới để sinh đẻ vì phòng trọ hiện tại chủ nhà trọ không cho phép chị ở lại trong lúc sinh em bé khiến chị lo lắng đến cùng cực vì đơn độc một mình, không còn tiền trong túi khi sắp vượt cạn. Sau khi nhận thông tin, chị Hương cùng các nhân viên thuộc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tiếp nhận, hỗ trợ tâm lý và kết nối với dự án Holt để hỗ trợ cho chị N. sinh con an toàn và hỗ trợ các chi phí ăn uống, phòng trọ, sinh đẻ.
Hương kể, với chị em ở Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội công việc này không giới hạn thời gian. Có lần, có trường hợp đẻ vào đêm 30 Tết, vậy là các chị như chị Hương, chị Mai ở Trung tâm gác mọi công việc trong gia đình, phân công nhau, người chạy đôn chạy đáo đi tìm phòng trọ, rồi dọn dẹp cho sạch sẽ, người bỏ tiền túi đi lo nộp viện phí cứ như lo cho người thân ruột thịt của mình.
Khi đó, các chị không còn nghĩ đó là công việc, nhiệm vụ mà cao hơn là tình thương yêu giữa con người, sự xót xa cho những số phận bất hạnh và cả những sinh linh sắp ra đời. Hương kể, nhiều trường hợp ban đầu định sinh xong sẽ bỏ con nhưng được các chị động viên, cảm động trước tình cảm của những người vốn xa lạ dành cho mình, họ lại giữ lại đứa con ruột rà máu mủ…
Không chỉ giúp cho những trường hợp lỡ làng, chị và đồng nghiệp còn giúp đỡ, kết nối cho nhiều trường hợp trẻ có hoàn cảnh bất hạnh được tiếp cận các dịch vụ xã hội để vượt qua khó khăn.
Đơn cử như trường hợp em H. mắc hội chứng down, bị tim bẩm sinh còn ống động mạch, tăng áp phổi và thông liên nhĩ. Lúc H. được hơn 3 tuổi thì phát hiện thêm bệnh ung thư máu dòng tủy, gây ra thiếu hụt tiểu cầu dẫn đến rối loạn đông máu, thường xuyên xuất huyết qua miệng. Các biểu hiện khác của bệnh này là đau nhức xương sống và vùng ngực, nôn, táo bón, chán ăn, mệt mỏi, hay bị viêm nhiễm, cân nặng sụt giảm. Em đã trải qua 6 đợt hóa trị trong vòng 2 năm.
Cha H. làm nghề rửa xe lưu động thu nhập không ổn định, mẹ em phải nghỉ việc ở nhà từ khi sinh H. cho đến nay. Thời gian gần đây mẹ H. được phát hiện bị bệnh ung thư. Hiện nay, cuộc sống của gia đình H. rất khó khăn. Sau khi Trung tâm tiếp nhận thông tin, chị Hương và đồng nghiệp đã kết nối hỗ trợ sinh kế với số tiền gần 7 triệu cho mẹ H. để bán đồ ăn vặt tại nhà để có thêm thu nhập lo cho em. Hiện nay, gia đình em đã vượt qua được khó khăn về mặt kinh tế và ổn định cuộc sống.
Với Hương và những chị em làm nghề công tác xã hội, mỗi một người đến đây đều mang trong mình những số phận và khi giúp được một mảnh đời vượt lên nghịch cảnh là niềm hạnh phúc và động lực để các chị cố gắng hơn nữa.
THIÊN DI