Người Đà Nẵng

Nữ điều dưỡng trưởng tận tâm với nghề

18:40, 27/02/2024 (GMT+7)

ĐNO - Vững vàng chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm, thân thiện, hết lòng với người bệnh, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao… là những lời nhận xét của đồng nghiệp và bệnh nhân khi nói về chị Nguyễn Thị Hồng Thêu, Điều dưỡng trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng.

Chị Thêu kiểm tra hồ sơ bệnh án, trao đổi công việc với các điều dưỡng viên.
Chị Thêu (thứ 2, trái sang) kiểm tra hồ sơ bệnh án, trao đổi công việc với các điều dưỡng viên.

Ở tuổi 43, chị Nguyễn Thị Hồng Thêu đã có 23 năm gắn bó với Bệnh viện Đà Nẵng, nơi mà chị luôn xem là ‘ngôi nhà thứ hai” của mình.

Chị Hồng Thêu bắt đầu làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc và Đơn vị Đột quỵ từ năm 2001, đến năm 2019 chuyển sang công tác tại Khoa Đột quỵ. Đây là một trong những khoa được xem là “đầu sóng ngọn gió” của Bệnh viện Đà Nẵng trong việc chẩn đoán, điều trị, giành mạng sống cho người bệnh thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Bệnh nhân đến bệnh viện ai cũng cũng đau, nhưng bệnh nhân đột quỵ luôn là những người đặc biệt, nhất là với những người trẻ tuổi, bởi phía trước còn cả tương lai, cả thanh xuân tươi đẹp, nên việc mắc bệnh một cách đột ngột luôn khiến họ dễ gặp những sang chấn về tâm lý khi phải đối diện với vấn đề sức khỏe. Để chữa lành vết thương ấy không chỉ có y học hiện đại, mà còn cả tấm lòng bao dung, ân cần, cảm thông, chia sẻ.

Nhiều câu chuyện, nhiều đêm trắng cùng đồng nghiệp giành giật sự sống mong manh cho người bệnh trong từng giây, từng phút … khiến chị nhớ như in và trăn trở, ưu tư cho đến tận bây giờ.

Đó là trường hợp nữ bệnh nhân Ph.Th.H, 36 tuổi, bị xuất huyết não, liệt nửa người. Hoàn cảnh chị H rất khó khăn, chồng không có việc làm ổn định, 2 con nhỏ. Ngày nhập viện cấp cứu, gia đình không có tiền, chị H lại không có bảo hiểm y tế.

Với tình trạng bệnh của chị H, không cho phép những người làm công việc ‘cứu người’ như chị Thêu dành thời gian suy nghĩ lâu, bởi tính mạng của bệnh nhân lúc này ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Chị Thêu cùng với đội ngũ y bác sỹ nhanh chóng cấp cứu, chẩn đoán, điều trị trong khoảng “thời gian vàng” mong đạt được hiệu quả cao nhất.

Đến nay, bệnh nhân H đã trải qua 2 lần phẫu thuật. Để có chi phí thực hiện, chị Thêu phải cố gắng kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cũng như lãnh đạo bệnh viện quan tâm hỗ trợ. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định, đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc đối với không những bản thân chị mà cả tập thể y bác sĩ nơi đây.

Bệnh nhân đến với Khoa Đột quỵ phần lớn là rất nặng, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên việc điều trị, chăm sóc rất khó khăn; số lượng bệnh nhân nhiều càng khiến cho đội ngũ điều dưỡng cũng như y bác sĩ chịu nhiều áp lực. Là bệnh viện tuyến cuối của thành phố nên số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng rất lớn. Bênh cạnh đó còn có nhiều bệnh nhân ở các địa phương lân cận chuyển tuyến đến.

Có những bệnh nhân bị bệnh rất nặng, cần phải cấp cứu khẩn cấp đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế phải có chuyên môn cao, kỹ thuật chuyên sâu, tay nghề vững vàng, sự phối hợp song hành tốt giữa đội ngũ y bác sỹ và điều dưỡng để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong điều trị và chăm sóc.

Chị luôn đau đáu, suy tư trước những ca bệnh nặng, ca bệnh có hoàn cảnh khó khăn bởi việc điều trị rất tốn kém, làm cho cuộc sống của bản thân cũng như gia đình họ càng thêm vất vả. Vì thế, chị rất mong nhận được sự chung tay của chính quyền địa phương, hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Vất vả là vậy nhưng chị Thêu và đồng nghiệp của mình vẫn luôn giữ vững sự lạc quan. Bởi chính sự lạc quan ấy không chỉ giúp cho chị và đồng nghiệp có thêm niềm tin, nghị lực, sự đam mê tận hiến với nghề mà quan trọng hơn, đó còn là chỗ dựa tinh thần, là động lực giúp cho người bệnh cố gắng vượt qua những khó khăn, những nỗi đau bệnh tật để phục hồi; giúp cho gia đình người bệnh được yên tâm; giúp cho xã hội thêm tin tưởng.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, chị Thêu còn tổ chức công tác giảng dạy, bồi dưỡng, hướng dẫn cho điều dưỡng trong khoa thực hiện nhiệm vụ một cách khoa học, bài bản, hiệu quả, đặc biệt là với những điều dưỡng mới.

Bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của người điều dưỡng và quan trọng là dòng chảy của sự hy sinh thầm lặng có sẵn trong con người chị. Chị luôn chọn cách trao đi yêu thương một cách ân cần, trân trọng nhất. Chị luôn luôn tâm niệm như vậy, hết mình vì người bệnh, vì đồng nghiệp, vì mọi người, cống hiến được bao nhiêu là chị tình nguyện, không mong cầu nhận lại gì ngoài sự hồi phục trở lại sớm của người bệnh.

THẢO TRANG

.