Những con đường Đà Nẵng

Đường 2-9: Giao thoa giữa truyền thống và hiện đại

11:08, 24/03/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Đường 2-9 là cung đường mang đậm hơi thở thời đại với những điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn song vẫn lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Đó chính là nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của đường 2-9 giữa vô vàn con đường khác của phố biển Đà Nẵng.

Chợ hoa Xuân tấp nập người mua kẻ bán, nhất là những ngày cận Tết
Chợ hoa Xuân trên đường 2-9 tấp nập người mua kẻ bán, nhất là những ngày cận Tết. Ảnh: Vũ Bình

Những cây cầu nối bờ vui

Cách đây 70 năm, ngày 2-9 đã trở thành cột mốc lịch sử trọng đại của đất nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để ghi nhớ mốc son hào hùng của dân tộc, một trong những trục giao thông quan trọng của thành phố Đà Nẵng đã được trang trọng đặt tên 2-9. Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, đường 2-9 hoàn thành, xuất hiện trên bản đồ thành phố, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất nơi đây.

Điều thú vị là, trải dài 4.500m, đường 2,9 có đến 5 cây cầu cùng bắc nhịp nối đôi bờ sông Hàn. Điểm khởi đầu của đường 2-9 nối liền với đường Bạch Đằng thơ mộng, giao với cây cầu có kiến trúc độc đáo mang hình dáng con rồng vươn mình ra biển - cầu Rồng. Điểm kết thúc của đường 2-9 cũng giao với một cây cầu khác mang tên Hòa Xuân, đồng thời nối liền với đường Cách Mạng Tháng Tám.

Ngoài hai cây cầu ấy, ngang qua trục đường 2-9, người dân còn có thể ngắm 3 cây cầu duyên dáng khác. Đó là cầu Nguyễn Văn Trỗi có “tuổi thọ” lâu đời, do hãng RMK (Mỹ) thiết kế và thi công, hoàn thành vào năm 1965 với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam. Đó là cầu Trần Thị Lý được thiết kế theo hình dáng cánh buồm căng gió vươn ra biển, được khánh thành vào dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng cùng với cầu Rồng. Đó là cây cầu nối từ quận Hải Châu qua quận Ngũ Hành Sơn -  cầu Tiên Sơn.

Ban ngày, những cây cầu này hiên ngang giữa đất trời, như “kim chỉ nam” dẫn đường, nối những tuyến phố bên bờ đông sông Hàn hướng thẳng về phía đường 2-9. Đêm buông, những cây cầu khoác lên mình tấm áo lung linh như những thiếu nữ đang vào độ xuân tươi, níu chân người bằng nét thi vị riêng.

Giá trị văn hóa độc đáo

Không chỉ nhìn ngắm những cây cầu thơ mộng bên dòng sông Hàn, du khách ngang qua cung đường 2-9 còn có cơ hội khám phá những giá trị văn hóa độc đáo.

Tọa lạc ở địa chỉ số 2 đường 2-9, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (hay còn có tên gọi khác là Cổ Viện Chàm) nhiều năm qua vẫn là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Được xây dựng từ cách đây 100 trăm, bảo tàng là nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý hiếm, lưu giữ quá trình phát triển vàng son của Vương quốc Chămpa cổ. Đây là một trong 12 bảo tàng (trong tổng số 119 bảo tàng của cả nước) được xếp hạng Bảo tàng hạng 1. Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn góp phần giúp kiến trúc Pháp ở Đà Nẵng trở thành quỹ di sản kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử to lớn với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Chămpa và kiến trúc Pháp.

Rời không gian cổ kính, trầm mặc của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, du khách có thể ghé thăm chùa An Long ngay sát cạnh, số 4 đường 2-9. Chùa được xây dựng từ năm 1657 với tên gọi ban đầu là chùa Long Thủ, đến nay đã trải qua 358 năm thăng trầm lịch sử. Chùa An Long hiện còn lưu giữ tấm bia bằng đá sa thạch màu xám có hình dáng tựa quả chuông úp. Đây là một trong những tấm bia cổ nhất ở Đà Nẵng, được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nhớ đến đường 2-9, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến Đài Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của thành phố, vốn quen thuộc với người dân Đà Nẵng bằng tên gọi thân thương – Tượng đài 2-9. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Đài Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của thành phố được đặt trang trọng giữa con đường 2-9. Đài Tưởng niệm này nhắc nhớ mỗi người về lòng tri ân đối với những anh hùng dân tộc đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đài Tưởng niệm là sự tổng hòa ý tưởng của kiến trúc sư Phạm Sỹ Chức, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và cố họa sĩ, nhà điêu khắc Đỗ Toàn. Với ba cánh tạo thành chân vạc chụm lại và đẩy lên cao, Đài Tưởng niệm sừng sững giữa đất trời, như tinh thần kiên trung, bất khuất, vươn lên mọi gian khổ của người dũng sĩ Cách mạng Việt Nam.

Cứ thế, trải qua bao gió bụi thời gian, những di sản văn hóa độc đáo trên cung đường 2-9 vẫn âm thầm làm sứ mạng thiêng liêng của mình, gìn giữ bao giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đường 2-9, đoạn giao với đường lên cầu Trần Thị Lý và đường Duy Tân
Đường 2-9, đoạn giao với đường lên cầu Trần Thị Lý và đường Duy Tân. Ảnh: Trâm Anh

Thiên đường giải trí

Qua 20 năm, cùng với sự đổi thay mạnh mẽ của thành phố, diện mạo đường 2-9 cũng ngày càng khang trang hơn. Dẫu vậy, cho dù quá khứ hay hiện tại, cung đường này vẫn luôn là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm trong lòng mỗi người con Đà thành.

Trên cung đường 2-9, nhiều người trải qua ngày trọng đại nhất của cuộc đời mình – nên duyên vợ chồng – dưới sự chứng kiến, chúc phúc của bạn bè, thân quyến trong dãy nhà hàng tiệc cưới sang trọng. Hay đó có thể là vỉa hè đầu đường 2-9, nơi “hò hẹn” của những nhịp điệu thể dục chào ngày mới, nơi tâm tình, trải lòng, bỏ quên mọi lo toan cuộc sống trong gió đêm dịu nhẹ. Nơi đây, dịp Tết đến, còn là điểm đến yêu thích của người người, nhà nhà, để cùng nhau lưu lại những khoảnh khắc xuân tươi bên người yêu thương giữa rực rỡ sắc hoa.

Mỗi độ xuân về, không con đường nào nhộn nhịp, rộn ràng không khí giao mùa như đường 2-9. Bởi lẽ, hằng năm, khu vực Quảng trường 2-9 lại trở thành chợ hoa xuân, ngập tràn muôn hoa khoe sắc hoa. Dù những ngày cuối năm thường hay tất bật nhưng người dân Đà Nẵng vẫn tranh thủ, thu xếp thời gian để dạo chơi chợ hoa xuân. Đến với chợ hoa, cư dân phố biển không chỉ mang sắc xuân về nhà mà còn cùng người thân, bạn bè tạo nên những hồi ức đẹp.

Mới đây, tờ The Guardian (Anh) đã đăng tải bài viết về sự thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Trong đó, Đà Nẵng là một trong những thành phố có sự chuyển mình ngoạn mục. Trong môi trường mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, nhiều khu vui chơi, giải trí đã được xây dựng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Và mấy năm trở lại đây, đường 2-9 trở thành một trong những con đường tập trung nhiều địa điểm giải trí đặc sắc nhất của thành phố, điển hình như: Câu lạc bộ bơi lội, Công viên Châu Á với vòng quay Mặt trời - Sun Wheel - top 10 vòng quay lớn nhất thế giới, Trung tâm giải trí phức hợp Helio Center…

Có thể nói, đường 2-9 là cung đường giao thoa giữa truyền thống và hiện đại khi hội tụ đủ đầy cả những di sản văn hóa đặc sắc lẫn các dự án mang tầm khu vực và quốc tế. Không chỉ là tuyến đường gắn với nhiều kỉ niệm, hồi ức quê hương của những người con Đà thành, đường 2-9 còn là điểm nhấn không thể bỏ qua trong hành trình khám phá phố biển xinh đẹp của du khách.

TRÂM ANH

.