Những con đường Đà Nẵng
Đường Phan Châu Trinh: Chút hoài niệm giữa lòng phố thị
ĐNĐT - Không quá rộng, dài nhưng đường Phan Châu Trinh là một trong những tuyến phố chính và rất lâu đời của Đà Nẵng. Cùng với những hàng cây xanh rợp bóng mát, đường Phan Châu Trinh luôn sầm uất, tấp nập người qua lại.
Những ánh nắng chiếu qua từng tán lá của hàng cây cổ thụ khiến đường Phan Châu Trinh vừa thơ mộng vừa mang chút hoài niệm. |
Thời Pháp thuộc, con đường này có tên Rue Marc Pourpe. Sau năm 1956, đổi thành đường Phan Châu Trinh và không thay đổi cho đến tận bây giờ. Bắt đầu từ đoạn giao với đường Lê Lợi và kéo dài 1.910m đến đường Trưng Nữ Vương, đường Phan Châu Trinh chỉ rộng 8,5m. Giữa lòng phố thị, con đường này lúc nào cũng tấp nập người, xe, nhất là tại nút giao thông quan trọng Phan Châu Trinh - Hoàng Diệu - Trần Bình Trọng - Trần Quốc Toản.
Với nhiều người dân Đà Nẵng, đặc biệt là những bạn trẻ, nhắc tới đường Phan Châu Trinh là người ta nhớ ngay đến những cửa hàng thời trang nằm san sát nhau. Đủ mọi thể loại từ áo dài, quần áo, váy, giầy dép… được bày bán bắt mắt khắp tuyến đường khiến người dân và du khách như đang lạc vào phố trưng bày thời trang đầy hấp dẫn và quyến rũ.
Đường Phan Châu Trinh là tuyến đường huyết mạch của Đà Nẵng, có từ lâu đời, và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông nội đô nên từ lâu, con đường này đã có nhiều khách sạn tọa lạc như khách sạn Xuân Hưng, Thanh Thanh, Sanouva, Phương Đông, BamBoo green… Thêm vào đó, những khách sạn mới sang trọng với thiết kế hiện đại, trẻ trung như điểm tô thêm cho sự sầm uất, hiện đại của con đường, cũng như níu chân biết bao du khách gần xa.
Đã không ít người trầm trồ, ngạc nhiên trước phong cách kiến trúc và nội thất bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, độc đáo của nhà hàng Samdi, hay thích thú với những thiết kế mới lạ, hiện đại của khách sạn Moonlight. Du khách đến lưu trú ở những điểm này vừa có thể thoải mái đi dạo dưới những hàng cây lâu năm rợp bóng mát, vừa thỏa sức mua sắm, dạo phố.
Cửa hiệu thời trang san sát khiến con đường được mệnh danh: con đường vàng của những tín đồ yêu thời trang. |
Xen kẽ giữa những nét hiện đại của hôm nay, không ít người Đà Nẵng sẽ mỉm cười thích thú khi đi qua những hiệu ảnh như Anh Đức, Trường Sơn. Thời gian trôi qua, vẻ bề ngoài của các cửa tiệm đổi thay nhiều nhưng với không ít người Đà Nẵng, nơi đây gợi nhớ nhiều kỷ niệm về những bức hình lưu niệm, lưu lại những khoảnh khắc đẹp của gia đình và người thân. Bình dị hơn nữa, nhắc đến đường Phan Châu Trinh, nhiều người nghĩ đến một món ăn cũng thuộc dạng “trứ danh” của Đà Nẵng đó là bánh mỳ. Hàng chục cửa hàng bánh mì nổi tiếng nằm trên tuyến đường này lúc nào cũng nườm nượp khách du lịch lẫn người dân địa phương khiến cho con phố mang một nét gần gũi, thân thuộc đến lạ kỳ.
Một trong những điểm nhấn rất được người dân và du khách quan tâm trên đường Phan Châu Trinh đó là sự có mặt của Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Với kiến trúc hiện đại, rộng và thoáng, Nhà hát Trưng Vương là trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của thành phố, nhiều chương trình nghệ thuật cũng như các hoạt động hội thảo, hội nghị, các sự kiện có tính quảng bá rộng lớn đều được tổ chức ở đây, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, giải trí của người dân thành phố cũng như du khách.
Cách đó không xa, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là nơi diễn ra những vở diễn đặc sắc như Phạm Công-Cúc Hoa, Dời đô, Đào Phi Phụng… Những trích đoạn sân khấu hay các chương trình nghệ thuật hấp dẫn đã thu hút đông đảo người dân và du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Mùa cao điểm khách tàu biển, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sáng đèn cả ngày để biểu diễn cho du khách thưởng thức nghệ thuật Tuồng đặc trưng của miền Trung.
Không gian xanh trên đường Phan Châu Trinh |
Nét yên bình, thanh tịnh nhất của con đường Phan Châu Trinh mà nhiều người dân Đà Nẵng thường hay lui tới đó là ngôi chùa Tam Bảo và chùa Phổ Đà - đây cũng là địa điểm của trường Trung cấp Phật giáo miền Trung. Dường như cái vẻ thanh bình, tự tại của các ngôi chùa như lan tỏa cả xung quanh, khiến người ta quên đi cái ồn ào, náo nhiệt của phố thị, để rồi chỉ cần bước chân vào cổng chùa thì những mệt mỏi, nhọc nhằn của cuộc sống thường ngày tan biến.
Năm 2012, cùng với trục đường Lê Lợi, con đường Phan Châu Trinh được tổ chức lưu thông một chiều theo hướng từ đường Lê Lợi - Phan Châu Trinh với điểm đầu là từ đường Đống Đa kéo dài đến đường Nguyễn Văn Linh (nối dài), sau đó được điều chỉnh lưu thông một chiều từ Đống Đa đến đoạn đường Phan Châu Trinh cắt đường Lê Hồng Phong, phần đường còn lại lưu thông hai chiều.
Các hoạt động kinh doanh, buôn bán vẫn cứ diễn ra, và trong cái xô bồ của cuộc sống, Phan Châu Trinh là con đường hiếm hoi còn giữ lại những tán cây xanh mát, rợp bóng. Điểm xuyết giữa những nét tươi mới, hiện đại của các công trình, thấp thoáng đâu đó nét hoài niệm, dung dị của đường Phan Châu Trinh giữa phố thị phồn hoa.
Bài và ảnh: Thu Hà