Những con đường Đà Nẵng
Đường Trần Hưng Đạo - diện mạo đổi thay từng ngày
1. “Đường chiều về Đà Nẵng, sóng nước lao xao như thì thầm. Một điệu hò khoan, với những câu ca ôi dịu dàng”. Cứ mỗi sớm tối đi về đường Trần Hưng Đạo, nghe những câu hát quen thuộc chảy dài trên dòng sông Hàn, tôi thấy mình như trẻ lại vài ba tuổi.
Không nghĩ thì thôi, mà đã nghĩ thì lại nhớ cái-ngày-xưa quá. Nhớ xóm nhà chồ… Nhớ làng chài thuở ấy… Nhớ má tôi chèo đò trên sông… Tất cả đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho con đường Trần Hưng Đạo đang vươn mình khoe sắc, đổi thay từng ngày.
Dọc đường Trần Hưng Đạo là những nhà hàng, khách sạn cao cấp. |
Từ ngày lập gia đình, được thành phố bố trí chung cư ở phường Nại Hiên Đông, tôi lại có dịp đi đi về về con đường quen thuộc mà một thời tôi tung tăng cắp sách đến trường. Nằm dọc ven bờ sông Hàn nhưng không giống cái nhộn nhịp, huyên náo như đường Bạch Đằng ở phía bờ tây, đường Trần Hưng Đạo ở phía bờ đông trông có vẻ trầm mặc, tĩnh lặng hơn.
Đôi lần tan giờ làm việc, ngồi sau xe, tôi với tay chỉ cho chồng từng chỗ thương chỗ nhớ: chỗ này ngày xưa là nhà của bà ngoại, chỗ kia là trường mẫu giáo Họa Mi - nơi 4 chị em đều học, đều nhớ từng gương mặt hiền hậu của mỗi cô… Khi xe chạy ngang qua Thánh đường Nhượng Nghĩa, cảm giác nhớ thương dường như dồn dập hơn khiến tôi cảm thấy cay cay nơi sóng mũi.
Tuổi thơ tôi đã từng gắn bó với ngôi thánh đường này, với chúng bạn chúng bè chơi trốn tìm, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… Nhất là những ngày mưa nằm dưới bậc tam cấp cuối cùng của ngôi thánh đường, nghe nước mưa chảy dài, bọn chúng tôi tưởng tượng như đang nằm dưới dòng suối mát lạnh. Với con bé thuở lên năm lên bảy, ngôi thánh đường ngày ấy giống như một tòa lâu đài rộng lớn mà đi mãi, chạy mãi cũng không bao giờ khám phá hết được.
Đường Trần Hưng Đạo là nơi mời gọi bước chân của du khách gần xa mỗi mùa pháo hoa đến. |
2. Đã gần mười lăm năm rồi kể từ khi xóm làng chài Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, An Hải Tây giải tỏa nhường chỗ cho con đường Trần Hưng Đạo, bây giờ mọi thứ đã đổi thay nhưng dường như mọi ngóc ngách của con đường này tôi đều thuộc làu. Nhiều lần có việc đến khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông, hỏi thăm đời sống của bà con nơi đây, gặp lại các cô, các chú, các bác từng ở cùng xóm ngày ấy, tự nhiên thấy nhớ thấy thương chi chi đâu.
Ngồi tâm sự bác Bốn Tâm (xóm nhà chồ ngày xưa), nghe vài câu chuyện bâng quơ của gia đình bác, mới thấy rằng từ khi mở đường Trần Hưng Đạo, đời sống của người dân xóm làng chài đã đổi thay rất nhiều. Không còn cảnh những ngày mưa nằm nhà chồ mà lo ngay ngáy không ngủ được, không còn cảnh phải bơi thúng gánh từng thùng nước sạch từ trong bờ ra nhà chồ để sinh hoạt, không còn cảnh mưu sinh bấp bênh, con cái học hành không đến nơi đến chốn…
Từ ngày được bố trí chung cư, gia đình bác Bốn Tâm cũng như bao người dân làng chài ngày ấy được sống trong những ngôi nhà khang trang, vững chãi để vừa “an cư lạc nghiệp” vừa lo cho cháu con ăn học đủ đầy. Với những hộ dân không vướng giải tỏa, khi đường Trần Hưng Đạo được mở, nhiều nhà ra mặt tiền, tiện lợi làm ăn buôn bán, hoặc cho thuê để mở khách sạn, nhà hàng, đời sống của họ cũng dần khấm khá lên.
3. Chiều… Nghe gió ngoài sông Hàn lồng lộng thổi vào, xua bớt đi cái nắng gay gắt của tiết trời Đà Nẵng những ngày tháng 5 mà ngỡ như cơn gió quen thuộc nào đó đưa tôi trở về với cái ngày xưa ấy. Đứng nhìn nước sông Hàn chảy về hướng biển, tôi lại thấy thấp thoáng dáng hình quen thuộc của những bà má tần tảo chèo đò nuôi con ăn học.
Từ ngày có đường Trần Hưng Đạo, có cây cầu sông Hàn nối những bờ vui, các má, các dì, các cô không còn làm nghề chèo đò chở khách qua sông, chở cá cho các chủ tàu nữa. Có dì sắm rổ rá đi bán cá ngoài chợ, có cô làm công nhân vệ sinh môi trường, có người bán buôn nhỏ nhưng hầu như đời sống của họ cũng đỡ phần nhọc nhằn hơn.
Dì Huỳnh Thị Hường (65 Ngô Trí Hòa, phường Nại Hiên Đông), ngày xưa từng chèo đò nuôi 4 người con ăn học thành tài vẫn nhớ như in cái cảnh khó khăn của mười lăm năm trước. “Hồi xưa, thức 2, 3 giờ sáng, chèo ghe cá đến trưa cũng chỉ được mấy chục ngàn mà không đủ ăn. Từ ngày giải tỏa, dì có chút vốn dành dụm buôn bán, nhà dì cũng đỡ rồi. Con cái lấy chồng cưới vợ, dì có thêm cháu nội ngoại, cũng chẳng mong chi cả”, dì Hường cười rón rén.
4. Tôi hỏi đám bạn thiếu thời kể về những ký ức khi chưa có đường Trần Hưng Đạo, đứa thì nói nhớ xóm nhà chồ, đứa nhớ trường xưa lớp cũ còn với tôi lại thấy nhớ nhất là bến phà An Hải.
Dù không phải là người dân làng An Thị nhưng với tôi bến phà An Hải là một phần ký ức không bao giờ phai mờ mỗi khi rời xa mảnh đất Đà thành này. Khi cầu sông Hàn khánh thành vào năm 2000, bến phà không còn nữa, tôi lại thấy nhớ quay nhớ quắt hình ảnh con bé 8 tuổi bước xuống phà mà cứ sợ rơi tõm xuống sông. Bến phà không còn nữa, ở ngã ba đường Nguyễn Công Trứ và Trần Hưng Đạo bây giờ là dãy nhà hàng tiệc cưới, quán cà phê, khách sạn mọc lên như chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất "Quận Ba" này.
Lâu lâu nhớ, lâu lâu buồn, chạy qua Ngã Năm, dọc theo đường Nguyễn Công Trứ ra hướng bờ sông, tôi vẫn nhớ như in gốc đa già năm ấy, nhà cô giáo chủ nhiệm tôi hồi lớp 5, nhà bà thầy thừa chuyên trị rôm sảy cho trẻ nhỏ… Phà không còn nữa nhưng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, mỗi lần chạy ngang qua ngã ba đường Nguyễn Công Trứ và Trần Hưng Đạo, tâm hồn tôi lại như trôi đi theo tiếng phành phạch của chuyến phà năm xưa.
Thánh đường Nhượng Nghĩa bây giờ quay ra mặt tiền đường Trần Hưng Đạo trông có vẻ khang trang hơn, đẹp hơn. |
5. Một lần tán gẫu trên facebook, tôi tình cờ quen với cô Nguyễn Thiên Kim (việt kiều Mỹ), bạn của cô giáo chủ nhiệm hồi đại học của tôi. Lúc đó tôi có làm vài câu thơ vui nói về sự đổi thay của "Quận Ba" bây giờ kể từ khi đường Trần Hưng Đạo được mở, thế mà cô hỏi tôi cho kỳ được.
Cô nói, cô vốn là người con của mảnh đất làng chài Nại Hiên Đông, xa quê lâu lắm rồi, giờ đọc lại mấy câu “Con gái Quận Ba không bằng bà già Quận Nhất” lại thấy nhớ quê không chịu nổi. Khoảng vài tháng sau, cô trở về Đà Nẵng, ngạc nhiên trước sự đổi thay của làng chài, ngạc nhiên vì ven sông Hàn bây giờ là con đường Trần Hưng Đạo sớm tối nhộn nhịp xe cộ, có những cây cầu đẹp bắt nhịp qua sông, có tòa nhà cao tầng Azura, có khách sạn cao cấp, có quán cà phê tĩnh lặng để thả hồn mình những buổi chiều buồn không biết đi đâu…
Nhìn sang bên kia sông Hàn, cô thốt lên: “Bây giờ bên ni cũng có thua kém gì bên tê đâu con gái nhỉ”. Hai cô cháu ngồi ở quán cà phê Molly bên cạnh góc tòa nhà Azura, cô bắt tôi đọc cho cô nghe lại bài thơ vui ấy. “Câu nói “Con gái Quận Ba không bằng bà già Quận Nhất” giờ cũng chỉ còn là dĩ vãng”, lời cô nói như thoảng vào trong gió. Chắc hẳn chỉ có những người xa quê lâu ngày như cô Thiên Kim mới nhận ra sự đổi thay kỳ diệu của mảnh đất "Quận Ba" kể từ khi đường Trần Hưng Đạo được mở.
Những dãy nhà chồ đã lùi xa, không còn con đường đất đỏ xưa kia chúng tôi bì bõm lội nước đi học trong mùa mưa, không còn bến đò nữa... Tất cả đã nhường chỗ cho con Trần Hưng Đạo đang dần đổi thay từng ngày.
6. Dù không náo nhiệt như đường Bạch Đằng đã có lịch sử từ rất lâu, đường Trần Hưng Đạo có vẻ tĩnh lặng như “cô gái” tuổi mới lớn còn e thẹn. Thế nhưng từ nhiều năm nay, nhờ những dự án du lịch được thành phố chú trọng đầu tư, con đường này bỗng thay da đổi thịt.
Nằm ở phía đông đường Trần Hưng Đạo, đoạn giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn, những đôi yêu nhau đến Đà Nẵng có thể bày tỏ tình cảm vĩnh cửu bằng cách treo một ổ khóa tình yêu lên cây cầu thơ mộng vừa xây xong trên sông Hàn. Cây cầu khóa tình yêu hiện đang là điểm đến hấp dẫn của giới trẻ để chụp hình cưới, để đi dạo hay chỉ giản đơn là chụp ảnh để lưu lại những khoảng khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
Hay mỗi tối, nhiều người lại chở con ra bờ đông sông Hàn hóng gió để thoát khỏi cái nắng gắt của những ngày đầu hè. Họ cho con chơi các trò chơi câu cá, đạp xích lô, tô tượng, chơi thú nhún… như để tìm lại một phần tuổi thơ mình đã mất.
Vào những ngày cuối tháng 4, đường Trần Hưng Đạo lại đón hàng nghìn lượt khách hội tụ về dòng sông Hàn thơ mộng để thưởng thức những màn pháo hoa rực rỡ, quyến rũ của các anh tài pháo hoa đến từ nhiều nước trên thế giới. Qua 7 mùa pháo hoa rồi, thương hiệu pháo hoa Đà Nẵng chưa hề làm nhàm chán bước chân của du khách gần xa.
Nhiều người cho rằng đường Trần Hưng Đạo xứng đáng được gọi là “con đường pháo hoa” để tạo nên điểm nhấn du lịch hấp dẫn, tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng của mảnh đất “đầu biển cuối sông”. Tương lai, dọc con đường này sẽ có thêm khu chợ đêm sông Hàn, có bến đỗ cho những chuyến tàu du lịch đón khách và nhiều dự án du lịch khác nữa. Trong ngân hàng tên đường của Đà Nẵng, đường Trần Hưng Đạo sẽ nối dài những tên đường khác nữa, trở thành con đường du lịch hấp dẫn ở quận Sơn Trà nói riêng và thành phố nói chung.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN