Những con đường Đà Nẵng

Đường Tôn Đức Thắng - điểm nhấn vùng ven đô

10:42, 10/09/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Đường Tôn Đức Thắng - tuyến phố vinh dự mang tên vị Chủ tịch nước đầu tiên của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - được đánh dấu bằng điểm nhấn cầu vượt nút giao thông ngã ba Huế, và là gạch nối giữa hai quận Thanh Khê và Liên Chiểu ra vùng ngoại ô thành phố.

Đường Tôn Đức Thắng bắt đầu từ cầu vượt Ngã Ba Huế
Đường Tôn Đức Thắng bắt đầu từ cầu vượt ngã ba Huế

Trước đây, khi chưa có đường tránh Nam Hải Vân, đường Tôn Đức Thắng là tuyến Quốc lộ 1A đi hai miền Nam - Bắc. Với sự chuyển mình mạnh mẽ của bộ mặt đô thị loại 1, đường Tôn Đức Thắng giờ đây tấp nập, đông đúc người qua lại, dẫn về một “phố thị thu nhỏ” chốn ven thành.

Có lẽ, sự đông đúc ấy bắt đầu từ khi Bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng được dời về đây. Với chiều dài 3.800m, đường Tôn Đức Thắng được nhận diện là con đường có mật độ cây xăng dày nhất, nhì thành phố (8 trạm).

Đến nay, tuyến đường mang tên Bác Tôn đã phát triển nhộn nhịp không khác gì những con đường nằm ở trung tâm thành phố. Từ đây, các doanh nghiệp lớn, nhỏ bắt đầu ồ ạt kéo về mở cửa hàng, đầu tư phát triển kinh doanh trên.

Bến xe mới khang trang và hiện đại
Bến xe mới khang trang và hiện đại

Dọc tuyến đường này là trụ sở, chi nhánh của những ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Ngân Hàng TMCP An Bình (ABbank), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Quân đội (MB Bank)... Đặc biệt, càng về cuối đường, nhịp sống lại càng sôi động hơn với một loạt những cửa hàng điện tử - điện máy khang trang như: Đệ Nhất Phan Khang - Đà Nẵng 2, Thế giới di động, FPT Shop, Viettel Store, Khởi Minh, thêm cả cửa hàng chuyên doanh xe máy Tân Hưng Yên khá lớn.

Sát dãy cửa hàng điện tử - điện máy này là một “thiên đường cưới” với hàng loạt các showroom áo cưới lớn nhỏ nằm sát nhau: HongKong Wedding, Đẹp+ Wedding, Bella Wedding, Thiên Đường Wedding,… tạo nên một diện mạo đầy sôi động, thu hút sự chú ý của người qua lại và đáp ứng nhu cầu của cư dân nơi vùng ven đô.

Điểm cuối con đường là ngã ba dẫn vào chợ Hòa Khánh, khu chợ lớn nhất quận Liên Chiểu với độ ồn ã, náo nhiệt suốt cả ngày. Song, nơi đây vẫn có những đoạn lắng lại cảm xúc với sự tọa lạc của hai ngôi chùa lớn là chùa Quang Minh và chùa Hòa Mỹ. Những dịp lễ Tết, rằm, mồng một, bà con Phật tử lại về đây dâng hương cầu nguyện những điều thiện tạo trong cuộc sống, khiến cả một khu phố ấm áp đầy chất tâm linh.

l
Con đường nhộn nhịp người qua lại

Dạo trước, khi Đà Nẵng chưa có tượng Phật Bà Quan âm trên chùa Linh ứng - Bãi Bụt hay tượng Phật Thích ca trên đỉnh Bà Nà thì dấu ấn Đức Phật lớn nhất miền Trung ở chùa Quang Minh trở thành điểm chỉ dẫn của nhiều người. Hễ người lữ hành phương xa nào muốn tìm đường về Hòa Vang - Liên Chiểu chỉ cần nói đến “Chùa Ông Phật” là biết.

Ngày nay, khi công trình giao thông khác mức ngã ba Huế được đưa vào sử dụng, người dân sống quanh cầu vượt lại có thêm một không gian để cảm nhận về sự đổi thay vượt bậc của thành phố. Hằng ngày, người dân có thể ngắm con đường trên cao, phóng tầm mắt về phía Tây nhìn những dãy núi xa xa mà gần gũi cùng những khu đô thị mới khang trang, hiện đại.

Ngoài ra, đường Tôn Đức Thắng còn là chốn đi về quen thuộc của các bạn sinh viên. Đây là nơi tọa lạc của hai trường đại học lớn của thành phố: Đại học Sư phạm ở đoạn giữa và Đại học Bách khoa ở cuối đường. Con đường giờ đây luôn tấp nập xe cộ lưu thông, đông nghẹt người qua lại. Khác hẳn với những gì diễn ra gần 20 năm về trước, không một ánh đèn điện soi cho con đường nhựa nhỏ, hẹp, tối tăm, đầy đất cát.

Nơi ươm mầm tương lai các thế hệ thầy cô giáo
Nơi ươm mầm tương lai các thế hệ thầy cô giáo

Còn nhớ, những học sinh ngoại thành như chúng tôi hồi đó, mỗi lần đi học thêm ở trường Phan Châu Trinh, Lê Quý Đôn, có cảm giác mình như thật quê mùa với chúng bạn. Chiếc xe đạp cà tàng vượt cả chục cây số để xuống phố rồi lại trở về sau mỗi buổi học như muốn rã ra...

Tuy vậy, đôi lúc cái ý nghĩ mâu thuẫn nảy sinh trong đầu khi chịu đựng sự ồn ã khó chịu của khói xe lẫn những bon chen xuôi ngược của dòng đời trên tuyến đường hiện tại. Chợt thèm con đường của ngày xưa, chẳng mấy khi bụi bặm đến mức người di chuyển trên xe máy, xe đạp và cả xe khách cũng phải mang đến hai lớp khẩu trang như bây giờ.

Hôm nay, như bao con đường khác trong lòng thành phố, khi ánh đèn cao áp bắt đầu sáng lên, đường Tôn Đức Thắng khoác lên mình tấm áo lung linh với diện mạo tươi trẻ. Nó đánh dấu vùng đất vốn nửa quê, nửa phố nay đã bắt nhịp với lối sống sôi động và hiện đại ở thành phố năng động bậc nhất miền Trung này.

Duyên Anh - Thùy Linh

.