Như thường lệ, ngay từ sáng sớm, các kỹ sư Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng lại bắt đầu một ngày mới đi “khám” sức khỏe cho các cây cầu bắc qua sông Hàn. Với họ, được nhìn thấy những cây cầu hiền hòa nối nhịp đôi bờ đông tây “khỏe mạnh”, tỏa sáng lung linh mỗi khi đêm về là niềm vui và hạnh phúc để tiếp tục công việc của mình.
Kỹ sư Đặng Văn Nguyên Vũ kiểm tra lực căng của dây cáp cầu Trần Thị Lý. |
Phơi mình “bắt bệnh”
Đúng vào đợt cao điểm của nắng nóng đầu tháng 7, mới 8 giờ sáng mà nắng đã đổ lửa xuống mặt cầu Trần Thị Lý nóng ran. Lúc này, hộp kỹ thuật của hệ thống quan trắc đã báo 36,50C. Mồ hôi vừa toát ra trên áo các kỹ sư đã vội bốc hơi, để lại những vết loang trắng xóa.
Sau quãng đường từ trạm thường trực của Đội quản lý nằm dưới chân mố cầu đầu tiên, lên mặt cầu, anh Lê Ngọc Biên, Đội trưởng Đội Quản lý cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng, quệt những giọt mồ hôi trên gương mặt đỏ gấc, cho biết: “Hằng ngày, mỗi tổ trực có 4 người sẽ phân công kiểm tra tình hình sức khỏe của cầu theo Sổ tay bảo dưỡng, vận hành cầu. Tuy tổng chiều dài của cầu Trần Thị Lý là 731m nhưng các kỹ sư phải đi bộ một quãng 3km”. Thấy tôi tỏ vẻ khó hiểu, anh Lê Ngọc Biên giải thích: “Tất cả đội chúng tôi có 18 người được chia thành 4 tổ. Ngoài một tổ bảo vệ thì 3 tổ còn lại thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì và vận hành cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Các kỹ sư phải đi hai vòng, một vòng trên mặt cầu và một vòng dưới dầm hộp cầu để về lại trạm. Trong quá trình đi kiểm tra, các kỹ sư phải quan sát kỹ hệ thống thoát nước, khe co giãn, đầu neo của cáp treo, hệ thống lan can và gờ chắn lề bộ hành, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tín hiệu cảnh báo giao thông, quan sát lớp phủ mặt cầu… rồi ghi chép lại vào sổ nhật ký theo dõi”.
Không nhớ đã bao lần đi qua cây cầu này về đêm, ấn tượng trong tôi là những cáp dây văng duyên dáng tô điểm bởi ánh điện màu lung linh huyền ảo. Nhưng lần này, tôi thực sự bất ngờ khi kỹ sư Đặng Văn Nguyên Vũ mở một nắp cửa nhỏ ngay giữa cầu, dẫn chúng tôi xuống dầm hộp cầu tối om, ngột ngạt bằng một cầu thang sắt dựng đứng một góc khoảng 80-85 độ. Trái ngược với cái nắng, cái gió ở trên cầu, phía trong dầm hộp cầu là một đường hầm dài nóng bức, cách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cảm nhận được độ rung mạnh của các mố cầu khi có ô-tô chạy qua. Xung quanh chúng tôi chằng chịt các trụ bê-tông, ống thép to bằng một người ôm, cảm giác như đang ở trong một địa đạo quân sự được xây dựng kiên cố. Nếu không có chuyên môn kỹ thuật thì khó có thể phát hiện được những hư hỏng.
Sau khi đi quan sát kỹ từng mố cầu và các đầu neo của cáp treo, kỹ sư Đặng Văn Nguyên Vũ cho biết: “Bình thường nhiệt độ ở bên ngoài và nhiệt độ bên trong cầu chênh nhau từ 5 đến 100C nên ngày nay trở nên hầm hập. Nhất là vào ban trưa và chiều tối, hơi nóng tích tụ trong các trụ bê-tông, cốt thép phả ra càng trở nên oi bức, khó thở. Có thời điểm, hệ thống quan trắc thông báo lên đến 40-410C. Tuy có máy đo nhưng các kỹ sư vẫn phải đi kiểm tra hằng ngày và có ghi chép, báo cáo cụ thể. Bởi việc kiểm tra bằng mắt thường sẽ chi tiết hơn, mới bảo đảm độ an toàn cao được”.
Hiện trên các cầu vượt sông Hàn, chỉ cầu Trần Thị Lý mới có hệ thống quan trắc nên công việc kiểm tra cũng khác hơn so với cầu Rồng, cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước. Mỗi đầu neo của dây văng được nối với ống dẫn tới hệ thống quan trắc đặt trong dầm hộp cầu. Hệ thống quan trắc sẽ thông báo nhiệt độ ở các vị trí của thân cầu và lực căng của dây cáp. Tất cả các số liệu này sẽ được truyền về máy tính hiển thị qua các thông số. “Để tiện cho việc quản lý vận hành của cây cầu, mỗi tổ sẽ phân công từng người theo dõi hệ thống quan trắc, nhật ký quan trắc, nhật ký cầu và xe quá tải qua cầu. Sau khi kiểm tra, nếu có sự cố xảy ra thì các kỹ sư phải có báo cáo đề xuất ngay với cấp trên để có biện pháp xử lý. Ngoài những hư hỏng thông thường có thể phát hiện bằng mắt thường, thì ở những vị trí đặc biệt các kỹ sư phải có chuyên môn nghiệp vụ mới “bắt” được bệnh”, anh Nguyên Vũ cho biết thêm.
Không có máy quan trắc như cầu Trần Thị Lý, công việc kiểm tra của các kỹ sư ở Đội Quản lý vận hành cầu Thuận Phước và Sông Hàn có phần vất vả hơn. Mỗi ngày, các kỹ sư phải đo nhiệt độ khe co giãn bằng máy đo nhiệt cầm tay, còn lực căng của dây cáp phải qua quá trình kiểm định hằng tháng mới đo được. Đặc biệt, khi đi kiểm tra dây cáp ở cầu Thuận Phước, nếu sức khỏe của các kỹ sư không tốt thì có thể xây xẩm, chóng mặt, rất dễ rơi xuống sông. Nhìn những sợi dây cáp dài chênh vênh giữa không trung, anh Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Quản lý cầu Thuận Phước và Sông Hàn nhún vai như thể mọi việc ở đây đã quá quen thuộc với mình trước sự lo ngại của tôi. Anh Tuấn tự tin trấn an: “Tuy dây cáp của cầu Thuận Phước có độ cao 86m so với mực nước biển, nhưng hầu hết sức khỏe của các anh em ở đây đều khá tốt nên ai cũng có thể đi kiểm tra dây cáp. Nếu anh nào cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt thì hôm đó chúng tôi sẽ cho nghỉ để bảo đảm an toàn tính mạng. Còn vào những ngày gió bão thì phải đợi bão tan mới đi kiểm tra. Trong khi các hạng mục như mặt đường, lan can, độ co giãn của cầu phải được kiểm tra hằng ngày, thì các hạng mục trên cao như dây cáp, dầm tháp… phải kiểm tra hằng tháng”.
Đối với cầu Rồng, công tác quản lý và vận hành hệ thống hiệu ứng phun lửa là quan trọng nhất. Để bảo đảm an toàn trong quá trình bơm nạp nhiên liệu, khống chế tối đa lượng dầu cặn đọng ở vòi phun, các kỹ sư thường xuyên kiểm tra khu vực vận hành, nơi bơm đẩy nhiên liệu phục vụ hiệu ứng phun lửa. Mặc dù lượng khói đi kèm với dòng lửa từ miệng rồng sẽ bị lẫn vào màn đêm nhưng các kỹ sư vẫn muốn giảm tối đa lượng khói, tránh làm ô nhiễm môi trường.
Đòi hỏi tính chuyên môn kỹ thuật cao
Hầu hết công tác kiểm tra của tất cả các cây cầu trên sông Hàn đều được thực hiện theo Sổ tay bảo dưỡng, vận hành cầu. Tuy nhiên, mỗi cây cầu có thiết kế và kết cấu đặc biệt riêng nên cũng có thêm những cách kiểm tra, bảo trì khác nhau. Cầu càng hiện đại thì công việc kiểm tra đòi hỏi người kỹ sư càng phải có kinh nghiệm và chuyên môn sâu. Dường như quen với thời tiết khắc nghiệt, các kỹ sư Đội Quản lý cầu Thuận Phước và cầu Sông Hàn rắn rỏi và khá nhanh nhẹn dưới cái nắng mùa hè oi bức. Ngoài có sức khỏe tốt, những kỹ sư nơi đây nắm rất chắc kiến thức về kết cấu và quy trình vận hành của từng cây cầu để có giải pháp đề xuất kịp thời với cấp trên nếu phát hiện sự cố bất thường xảy ra. Kỹ sư Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Toàn bộ cầu Thuận Phước được làm dầm hộp thép và có mặt kết cấu phức tạp nên công tác duy tu bảo dưỡng khó khăn hơn, nhất là kiểm tra các hạng mục cáp dây treo, cáp chủ trụ tháp. Điều này buộc người kỹ sư phải nắm vững thiết kế, kết cấu để quản lý, bảo trì và vận hành tốt hơn”.
Chia sẻ với chúng tôi về công nghệ mới được sử dụng tại cầu Thuận Phước, anh Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Do công nghệ mới không phù hợp với môi trường ở Việt Nam nên chỉ sau một năm đưa vào sử dụng, mặt bê-tông nhựa của cầu Thuận Phước đã phát sinh hư hỏng cục bộ và sau đó lan rộng, trong đó chủ yếu là hiện tượng xô dồn làm mặt cầu lồi lõm sóng trâu. Nguyên nhân dẫn đến mặt cầu nhanh chóng bị hư hỏng là do hiệu ứng nhiệt trong dầm hộp thép vào mùa hè lên quá cao. Bên cạnh đó là sự biến dạng lớn của kết cấu cầu treo dây võng và lượng xe quá tải trọng qua cầu khá nhiều. Hiện tại chưa có một công nghệ hoàn chỉnh cho kết cấu mặt cầu trên bản thép theo hướng này nên các rủi ro về kỹ thuật là khó tránh khỏi”.
Khác với cầu Trần Thị Lý, đường xuống dầm hộp cầu Thuận Phước đi vòng ra bên hông cầu bằng một mặt thành bê-tông rất dốc. Trong dầm hộp cầu, những trụ thép chằng chịt hừng hực hơi nóng tỏa ra. Cảm giác càng ghê rợn hơn khi có tiếng gió rít luồn qua các khe hở và tiếng ầm ầm như búa bổ mỗi lúc ô-tô chạy qua. Theo chân các kỹ sư vào trong dầm hộp cầu, chúng tôi nghe rõ những tiếng va đập mạnh phát ra như thể có một trận động đất lớn. Với kinh nghiệm của mình, anh Nguyễn Anh Tuấn như một con sóc lách người qua những khe hở nhỏ giữa những trụ thép nóng hầm hập. Vừa đo nhiệt độ khe co giãn, anh Tuấn vừa giải thích: “Giữa cầu chính và cầu dầm có một khe co giãn. Khi có ô-tô chạy qua, sẽ có sự tác động mạnh gây nên tiếng kêu lớn. Do đó, để loại bỏ được các nguyên nhân cơ bản dẫn đến mặt cầu nhanh chóng hư hỏng như vừa qua, cần kiểm soát một cách nghiêm ngặt tải trọng cho phép đối với các loại phương tiện qua cầu”.
Trong khi cầu Thuận Phước là cầu dây võng thì cầu Sông Hàn là cầu dây văng và là cầu quay nên việc kiểm tra kỹ hơn. “Đối với cầu quay Sông Hàn, chúng tôi thường chú trọng kiểm tra trụ đỡ, trục nâng, hệ thống điện và dây cáp, đặc biệt là hệ thống điều khiển quay và ốc siết gối trụ 5, trụ 7. Khi cầu quay thì mở hết tất cả các ốc siết gối. Cáp quay và bánh xe cũng phải được bôi mỡ thường xuyên mới hoạt động tốt”, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết. Trước đây, vào tháng 6-2002, cầu Sông Hàn đã từng bị đứt cáp thượng khi hai mố nhịp cầu quay vừa rời hai trụ đỡ, khiến nhịp cầu treo lơ lửng trên không. Đội quản lý, vận hành cầu Sông Hàn thực hiện thay cáp mới nhưng phải mất 10 tiếng sau nhịp cầu mới quay lại vị trí cũ. Vì vậy, công tác kiểm tra càng cần sự tỉ mỉ và cẩn trọng hơn.
Khi mặt trời đứng bóng, các kỹ sư vẫn vắt mình trên dây cáp chênh vênh giữa nắng gắt để “khám bệnh” cho cầu. Không hẹn mà gặp, những kỹ sư tôi gặp hôm nay hầu hết là thế hệ 8X. Tuy tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ nhưng những đóng góp của các anh là rất quan trọng. Tôi chợt nhớ đến câu nói của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, trong một lần đến thăm Đà Nẵng vào cuối tháng 6 vừa qua, “Tôi đã dành một buổi để đi qua đi lại trên các cây cầu bắc qua sông Hàn và cảm nhận được sự đổi thay của thành phố. Sự phát triển vượt bậc này đã thể hiện sự đồng lòng chung sức của người dân thành phố vì sự phát triển chung”. Và tôi biết rằng, trong những công dân thành phố đó có những kỹ sư vẫn âm thầm lặng lẽ góp sức mình để mỗi cây cầu ngày đêm vận hành tốt, đảm bảo giao thông thông suốt và tô điểm thêm cho thành phố trở nên lung linh, xinh đẹp. Đặc biệt, những du khách và những người con xa quê mỗi khi trở lại càng thêm yêu và tự hào về sự hy sinh, cống hiến âm thầm của những kỹ sư nơi đây để làm nên thương hiệu Đà Nẵng-thành phố của những cây cầu.
Anh Đỗ Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng: Công việc khá vất vả và nặng nhọc Hiện công ty có 3 đội quản lý các cây cầu trên địa bàn thành phố. Riêng đối với 4 cây cầu lớn bắc qua sông Hàn gồm Thuận Phước, Sông Hàn, Trần Thị Lý và cầu Rồng có tất cả 59 kỹ sư, công nhân kỹ thuật chuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng “sức khỏe” của các cây cầu. Đây là công việc khá vất vả vì ở các vị trí kết cấu dầm khi trời nắng nóng sẽ làm cho nhiệt độ bê-tông tăng cao, làm cho anh em cảm thấy nóng bức, xây xẩm và mệt mỏi. Đối với những vị trí cao thì các anh em phải cẩn thận, vừa đi chậm rãi kiểm tra. Vào mùa đông, phải theo dõi dự báo thời tiết để thực hiện kiểm tra theo Sổ tay bảo dưỡng, vận hành cầu. Nghị quyết Đại hội Chi bộ Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra chỉ tiêu phấn đấu mỗi cán bộ, công nhân, viên chức thu nhập bình quân từ 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy hiện nay mức thu nhập chưa cao nhưng các kỹ sư vẫn không ngại vất vả, nhiệt tình với công việc và tuân thủ tốt công tác an toàn thiết bị. Trong số đó cũng có không ít người đến từ các tỉnh, thành phố khác nhưng vì yêu Đà Nẵng mà ở lại đây lập nghiệp và gắn bó lâu dài với công việc. |
Quần thể những cây cầu độc đáo được xây dựng liên tục trong 20 năm qua trên sông Hàn, ngoài dấu ấn phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, còn là niềm tự hào của người dân thành phố này và cũng là nguồn cảm hứng cho văn học, báo chí. Đoàn Lương đã “dũng cảm” bước qua thông lệ quyến rũ: mô tả vẻ đẹp của cầu hiện dần trong sương sớm, lung linh khi phố lên đèn hay rực rỡ đêm pháo hoa quốc tế… Anh chăm chắm đưa bạn đọc theo chân tốp kỹ sư leo cao kiểm tra lực căng dây cáp, chui sâu dầm hộp cầu đo nhiệt độ khe giãn… Đọc xong phóng sự này mỗi lần qua cầu hẳn bạn đọc có cảm giác khác trước, rằng nó không chỉ là… cây cầu. Tiếc là người dẫn đường nhiệt tình cho ta thấy cây nhiều hơn thấy rừng. Và giá “bác-sĩ”-của-những-cây-cầu, nhân vật chính của phóng sự, “nhân vật” hơn chứ không chỉ là những cái tên và thông số kỹ thuật. Nhà báo Vĩnh Quyền |
Bài và ảnh: Đoàn Lương